Header Ads

Ăn Tết

mông bão

Mùa Xuân là mùa của bay bay mưa phùn liêu xiêu, của ngòn ngọt có gió lành lạnh rét. Ở cái tiết trời này, con người ta khai mở phóng khoáng và dễ dàng chóng đói thích ăn ngon. Không phải ngẫu nhiên thi hào rất lớn Xuân Diệu có một câu thơ nồng nhiệt ẩm thực lãng mạn đến nghẹt thở cảm động "Hỡi Xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi".

Trong thao tác ăn thì động từ "cắn" thuộc vào loại hoành tráng nhất. Thường thường theo vô thức truyền thống dân gian thì người Việt chỉ quen gọi là ăn Tết chứ chưa bao giờ thấy ai kêu là ăn Xuân. Có lẽ do thi sĩ là người thích nhai kỹ nên thơ ông tuy đặc tả sự bay bổng của tâm hồn nhưng vẫn phảng phất nét khát khao khoái khẩu. Nhà văn Tô Hoài đã hơn một lần kể "Xuân Diệu khuyên tôi phải biết quý miếng ăn. Xuân Diệu dạy tôi khi nào đứng đái phải cắn chặt hai hàm răng lại, như thế sẽ ăn khỏe chẳng kém hàng ngày uống Vitamin B1 (Cát bụi chân ai- Nhà xuất bản Hội Nhà Văn- trang 173).

Mùa Xuân là mùa của lễ hội, của tiệc tùng, của cỗ bàn. Tất cả các món ăn đều rất ngon, đều đậm, đều béo. Bánh chưng rán để cạnh thịt đông, giò thủ để cạnh vịt nướng. Người ta miệt mài dưỡng sinh nín nhịn Yoga quanh năm, cốt dồn sức cho tiêu hóa thật thăng hoa trong những ngày Tết. Chiều muộn trừ tịch giao thừa là cỗ tất niên. Sáng mồng Một chúc tụng người trên ông bà bố mẹ là cỗ tân niên. Xâm xẩm tối muộn anh chị em kiến giả nhất phận bỗng vui vẻ đoàn viên ngồi xếp mâm bày cỗ. Trưa mồng Hai thì mời bạn, tối mồng Hai thì bạn mời. Cả ngày mồng Ba triền miên cũng vậy, mồng Bốn cũng lặp lại triền miên. Mồng Năm đang ngất ngư ngây ngấy thì nhiều nhà đã làm sớm hóa vàng. Từ quan đến dân, từ công chức lương thưởng hành chính cho đến doanh gia đang buồn vì một năm "thất bát", bụng người nào người nấy đều óc ách những là gà quay, ngan hầm, hạnh nhân xào, xúp lơ xào, canh măng lưỡi lợn nấu chân giò rồi bóng thả miến thả. Dư dật lo lắng hơn, có những bụng ì ạch với các món tinh hoa khó tiêu như bào ngư, như vi cá, như tay gấu. Khắp thiên hạ đi đâu cũng thấy bóng nhẫy hạnh phúc. Nam thanh nữ tú dịu dàng chăm chỉ xỉa răng, phong độ tròn căng sung túc, cứ như thể thị trường chưa bao giờ lạm phát, vật giá chưa bao giờ leo thang.

Ăn no xong rồi thì những người có tuổi hoặc lim dim đi ngủ hoặc chơi bài hoặc thanh thản khai bút làm thơ. Đám trẻ dắt xe tung tăng nhựa sống quần là áo lượt thơm mùi hàng hiệu rồi nồng nàn rủ nhau đi hẹn hò tình yêu. Phố rộng mưa giăng mờ mờ thấp thoáng mấy ghế đá công viên thiêm thiếp mơ màng tím mầu chung thủy. Đường xá thanh bình thưa vắng, ngoài nô nức một vài vũ trường thì các quán karaoke, gội đầu máy lạnh, mát xa nước nóng đã đóng cửa từ lâu. Họa hoằn còn sót lại dăm ba tiếp viên nữ chưa kịp về quê nghẹn ngào ngồi uống rượu tha hương ngắm Tết. Phía sau lưng họ là mấy cái bánh chưng bóc dở, giò lụa cắn dở nham nhở cô đơn. Đại loại không khí nhang nhác gần giống cái cặp câu đối hồi còn Pháp thuộc của cụ túc nho đạo đức cao Võ Liêm Sơn sống ở Huế. "Sáng mồng một cửa Ngọ môn người đông vui chật đất. Đêm ba mươi, sông Hương vắng khách đĩ kêu trời".

Tất nhiên ngày nay văn minh tiến bộ, đời sống nâng cao đã khác hẳn ngày xưa và đặc biệt thật khác là có cái tivi. Trên tivi không những luôn có đầy đủ đậm đà lung linh các sắc mầu văn hóa mà còn ê hề những giá trị đích thực truyền thống như nhân nghĩa lễ trí tín. Tình yêu thì chung thủy vị tha, tình bạn thì trong sáng trung thực. Ăn no xong rồi, đa phần mọi người đều ngại đi, thường quây quần ngồi bên nhau đầm ấm thưởng thức chương trình truyền hình Tết. Mà chương trình ngày Tết dù trực tiếp hay đã làm đông lạnh từ trước Chạp, nhà đài liên miên phát trò vui, nhưng chưa đủ độ giải trí thỏa mãn khán giả . Tấu hài là đương nhiên, phim hài là hiển nhiên rồi kịch hài xiếc hài ca nhạc hài. Người xem hoan hỉ tự rũ rượi cười cả tuần, bỗng thành một thói quen như phản xạ có điều kiện. Đến nỗi có một giáo sư đạo mạo hiện hình lên nghiêm túc giảng về những thuyết lý cao cả văn chương, nhưng người xem bên dưới vẫn nghiêng ngả khanh khách cười vì tưởng đấy là một danh hài.

Tết Nguyên Đán được gọi là tết "nhất" với nghĩa là tết quan trọng hàng đầu. Còn "ăn" theo Phôn cờ lo là đệ nhất trong tứ khoái. Không phải ngẫu nhiên "ăn Tết" đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của muôn đời hồn Việt.

bão mông

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.