Header Ads

Balotelli & bi kịch "người giàu cũng khóc"

quyết định giải quyết va chạm gia bão ngôi sao

(Thethaovanhoa.vn) - "Quả bom" Mario Balotelli cuối cùng đã phát nổ, với quyết định đâm đơn kiện ban lãnh đạo Manchester City, những người hàng tuần, hàng tháng đều đặn gửi lương vào tài khoản của anh. Balotelli đã bị bán, nhưng những rắc rối ở Man City còn lâu mới được giải quyết rốt ráo.

Khi mọi thứ giải quyết bằng tiền

Balotelli luôn quay lưng lại với câu lạc bộ và Mancini - Ảnh Getty

Trong một chiều mùa thu năm 2008, cổ động viên Man City tỉnh dậy và phát hiện ra đội bóng của mình giàu nhất thế giới. Khi người ta đổi đời chỉ sau một đêm thì đồng nghĩa những giá trị tích tụ suốt 128 năm trước đó bị xóa sạch cũng chỉ sau một đêm.

Không cầu thủ nào tìm đến Man City vì họ là một trong những câu lạc bộ lâu đời nhất nước Anh, thành lập sau Manchester United vỏn vẹn hai năm, trước Arsenal sáu năm, trước Liverpool đến cả một giáp. Các ngôi sao tụ hội về đây chỉ với một lý do: Tiền.

Trong bóng đá chuyên nghiệp, tiền đương nhiên là thứ quan trọng nhất. Nhưng với các đội bóng đề cao tính truyền thống, tiền không phải là tất cả. Robin van Persie chọn số áo 20 vì anh muốn được cổ động viên M.U yêu mến như Ole Gunnar Solskjaer. Trong bữa tiệc Giáng sinh mới đây, anh trình diễn rất tình cảm ca khúc truyền thống Glory Glory Man United (Vinh quang, vinh quang thay M.U). Ở đội bóng cũ Arsenal, mọi cầu thủ đều phải dành cho Thierry Henry sự tôn trọng lớn lao khi tiền đạo người Pháp quay lại vào mùa đông năm ngoái. Tại Liverpool, dù có bị sa thải, Kenny Dalglish vẫn là tượng đài, vẫn là tấm gương để Luis Suarez học tập và noi theo.

Từ ngày các ông chủ A-rập mua lại câu lạc bộ vào tháng 8/2008, mọi vấn đề ở Man City đều được giải quyết bằng tiền. Họ lôi kéo các ngôi sao hàng đầu thế giới bằng sức mạnh của đồng tiền. Tiền đổi lấy tài. Mọi thứ đơn giản là thế. Quên tình yêu đi. Quên truyền thống đi. Quên hình ảnh CLB đi. Nói một cách gay gắt hơn, quên luôn cái "đức" đi.

Các cầu thủ tụ hội ở Man City chắc chắn có "máu tham tiền". Những người ấy lại thường rất khó trị. Emmanuel Adebayor là một ví dụ. Carlos Tevez là một ví dụ. Và Mario Balotelli là một ví dụ nữa.

Khi tiền là công cụ duy nhất để quản lý cầu thủ, người ta coi nhẹ những thứ còn lại. Tevez nổi loạn, cãi lời huấn luyện viên Roberto Mancini, bỏ về Nam Mỹ suốt nửa năm rồi thản nhiên quay lại như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, kể từ khi quay về sân Etihad, Tevez thường xuyên được Mancini khen ngợi. Chiến lược gia người Italia không cần quan tâm đến cuộc nổi loạn của tiền đạo người Argentina, không cần ghi nhớ chính Tevez từng công khai tuyên bố "Mancini đối xử với tôi như một con chó".

Với Balotelli, số vụ gây rối nhiều hơn hẳn số bàn thắng mà anh ghi được. Anh phải nhận hậu quả gì không? Chẳng gì cả. Trong bất cứ cuộc họp báo nào, Mancini cũng phải trả lời những câu hỏi liên quan đến lối sống, suy nghĩ và thái độ của Balotelli. Có đôi lần ông chỉ trích thẳng mặt. Có vài lần ông cả ngợi anh. Nhưng Mancini thể hiện rõ quan điểm về Balotelli như sau: cầu thủ tài năng thì phải có tật. Balotelli từng nói rằng anh đến Man City chỉ vì đội bóng được dẫn dắt bởi Mancini. Nghĩa là Mancini phải có trách nhiệm bảo vệ anh. Ranh giới giữa bảo vệ và dung túng quả thực rất mong manh. Để rồi bây giờ, chính Mancini đã đầu hàng với Balotelli.

Balotelli đã đi quá xa

Những chiếc thẻ đỏ không đáng có của Balotelli đã không ít lần mang tới tai họa cho đội bóng áo xanh

Trở lại với vụ Balotelli đâm đơn kiện ban lãnh đạo Man City. Hồi cuối tháng 4/2012, ban lãnh đạo Man City đã ra quyết định phạt hai tuần lương đối với Balotelli sau khi anh bị đuổi khỏi sân trận thua Arsenal. Với chiếc thẻ đỏ ấy, Balotelli đã bị treo giò đến 11 trận ở mùa trước, trong đó có tám trận ở Premier League. Tính ra, Balotelli đã vắng mặt 20% số trận của Man City vì những án phạt.

Cần biết rằng, những chiếc thẻ đỏ, án phạt ấy đều xuất phát từ hành động điên rồ của Balotelli. Anh cố tình đạp vào người của Goran Popov trong trận gặp Dynamo Kiev tại Europa League. Anh đánh nguội Martin Skrtel trong trận gặp Liverpool. Anh cố tình đạp chân vào đầu của Scott Parker, tiền vệ đang khoác áo Tottenham. Anh bị đuổi khỏi trận gặp Arsenal vì pha phạm lỗi không đáng có.

Những hành động của Balotelli xứng đáng bị lên án và bị phạt. Nhưng án phạt mà ban lãnh đạo Man City đưa ra lại thiếu cơ sở pháp lý. Không hề có quy định nào bảo rằng cầu thủ sẽ bị phạt lương nếu bị treo giò bao nhiêu phần trăm số trận đấu của mùa giải. FA chỉ cho phép phạt nếu cầu thủ vi phạm kỷ luật, như đi tập muộn, trốn tập, không nghe lệnh của huấn luyện viên (như vụ Tevez). Từ cơ sở ấy, Balotelli mới làm cái việc tày đình là kiện ngược Man City, vác đơn đến ban tổ chức Premier League.

Mọi việc tưởng chừng đã được dàn xếp khi Man City vô địch mùa trước. Khi chiến thắng, khi mọi thứ tốt đẹp, người ta sẵn sàng nhân nhượng những "chuyện nhỏ". Nhưng bây giờ thì khác. Ban lãnh đạo Man City đã chán ngấy và mất lòng tin ở Balotelli, không chịu nhân nhượng và quyết định bán anh cho Milan. Bản thân Balotelli trước đó đã tỏ ra tức giận vì bị bỏ rơi, không còn được trọng dụng như trước. Không bên nào chịu nhường bên nào, để rồi sự việc đã làm xấu hình ảnh của câu lạc bộ.

Xử lý làm gương

Cuộc sống ngoài sân cỏ của Balotelli cũng đầy rắc rối

Balotelli từng tin rằng mình đang nắm đằng chuôi. Cứ cho anh thua cuộc, phải nộp phạt 340.000 bảng. Nhưng sau đó, anh có thể ngồi chơi xơi nước suốt hai năm rưỡi còn lại của hợp đồng, hàng tuần nhận lương 170.000, tổng số tiền được nhận lên đến 22 triệu bảng. Nếu thích thì anh sang đội bóng khác thi đấu theo dạng mượn, như trường hợp của Emmanuel Adebayor. Còn không, ngồi lì ở Man City, tiêu tiền mệt nghỉ. Man City yêu cầu anh tập thì anh tập, bảo anh đá thì anh đá. Nhưng tập nhiệt tình, đá hết sức hay không là chuyện của anh.

Phần lớn các câu lạc bộ sẽ tìm cách bán Balotelli với giá thấp, vừa thu lại khoản tiền, vừa khỏi phải trả lương cao. Nhưng Man City, vốn cực kỳ giàu có, không nên chọn giải pháp "đầu hàng" như thế. Đơn giản vì ở Etihad, có rất nhiều cầu thủ có cùng suy nghĩ như Balotelli. Mãi đến những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, do không thể chịu đựng thêm nữa, họ mới quyết định bán anh cho Milan để lấy về 20 triệu euro.

"Xử" Balotelli lúc này đúng là hơi muộn, nhưng với Man City, muộn có khi còn hơn không...

Vấn nạn "cừu đen" ở Man City

Tiền bạc và sự tập hợp vội vã đã khiến Man City có quá nhiều ngôi sao luôn sẵn sàng nổi loạn

1. Carlos Tevez

Vụ nổi loạn ở Munich vào tháng 9 năm ngoái vẫn là sự kiện tiêu biểu nhất cho những mâu thuẫn nội bộ của Man City. Huấn luyện viên Roberto Mancini tố cáo Tevez không chịu vào sân thay người khi ông gọi tên anh trong trận làm khách ở Bayern Munich. Nói cách khác là đình công. Tevez chỉ chấp nhận tội "không khởi động". Man City phạt Tevez hai tuần lương. Tức giận, tiền đạo người Argentina bỏ về quê. Nghỉ ngày nào, Man City phạt tiền ngày đó. Sau gần nửa năm, Tevez mới chịu trở lại Man City. Trước đó, Tevez cũng có nhiều va chạm với Mancini, thậm chí chỉ trích cách tiếp cận chiến thuật của ông.

2. Emmanuel Adebayor

Gia nhập Man City cùng đợt với Carlos Tevez. Từng thi đấu tỏa sáng trong giai đoạn đầu tiên với huấn luyện viên Mark Hughes. Kể từ khi Roberto Mancini dẫn dắt Man City, Adebayor bị bỏ rơi. Theo tiết lộ của chính Adebayor, họ đã có va chạm và mâu thuẫn với nhau. Mancini tuyên bố sẽ không dùng Adebayor trở lại. Tiền đạo người Togo bị đẩy sang Real Madrid theo dạng cho mượn, rồi sau đó là Tottenham. Mãi đến mùa hè vừa qua, anh mới được bán đứt cho Tottenham với giá rất rẻ là 5 triệu bảng.

3. Edin Dzeko

Ở vụ Munich, Dzeko đã phản ứng ra mặt với Mancini khi bị thay ra. Sau đó, Dzeko đã nói lời xin lỗi. Nhưng trong trận derby Manchester mới đây, tiền đạo người Bosnia lại cáu giận với Mancini ngay bên đường piste khi anh chỉ là sự lựa chọn cuối cùng của hàng công. Nhiều khả năng, khi mùa giải này kết thúc, Dzeko sẽ bị bán trở lại Bundesliga.

4. Mario Balotelli

Cuộc sống bên ngoài sân cỏ của Balotelli là chủ đề ưa thích và quen thuộc của các tờ báo ở Anh. Trên sân, Balotelli từng tranh giành đá phạt với Aleksandar Kolarov, gây hấn với đối thủ, đánh nguội đối phương và nhận hàng loạt thẻ phạt (dù là tiền đạo). Mancini là người thường xuyên bảo vệ anh, nhưng cứ mỗi lần bị thay ra, Balotelli lại nổi giận với huấn luyện viên đồng hương. Trên sân tập, Balotelli đã có vài lần va chạm với đồng đội cũng như các cầu thủ trẻ.

ĐỨC LỘC

Thể thao &Văn hóa Cuối tuần

quyết định gia ngôi sao bão va chạm giải quyết

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.