Cấm không được mang nhiều tiền đi làm: "Không có lửa, làm sao có khói"
doanh nghiệp vi phạm cảnh sát quy định công ty người lao động nhân viên
GiadinhNet - Sau cảnh sát giao thông, đến giờ thì công nhân cũng bị quản ví tiền khi đi làm, cho dù mới chỉ xuất hiện ở một doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Quy định cấm nhân viên đi làm không mang quá 200.000 đồng (trừ trường hợp đặc biệt có khai báo) được một doanh nghiệp ở Vũng Tàu đưa ra. Nhân viên nào vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định công ty; bảo vệ là bộ phận chịu trách nhiệm khám xét.
Doanh nghiệp này kinh doanh dịch vụ, chơi golf-một môn thể thao quý tộc mà người chơi thường phải là người có nhiều tiền, giàu có.
Thông tin này rò rỉ ra ngoài và tức thì nhận được phản ứng từ dư luận cho rằng vi phạm nhân quyền, tự do cá nhân được pháp luật bảo vệ...
Thực tế, quy định này đã được áp dụng và theo lãnh đạo công ty này, kể cả đại diện công đoàn thì tại công ty, chưa có phản ứng nào của người lao động. Ngoài ra, dù quy định nhân viên sẽ bị khám xét khi ra về, nhưng thực tế chưa có ai bị như thế. Quy định mang tính răn đe và trước khi áp dụng cũng đã lấy ý kiến công khai.
Vậy thì lý do nào dẫn đến việc phản ứng? Và thực tế phản ứng kia là vì sao?
Theo các tài liệu mà công ty cung cấp, khách đến chơi golf thời gian qua tố bị mất tiền, tài sản quý khá nhiều. Việc truy tìm không đơn giản và thực tế cũng chưa có vụ nào tìm lại được. Doanh nghiệp không có ý đổ lỗi cho nhân viên, cũng không thể nói khách tố mất cắp là chưa đúng. Vậy nên, để khách yên tâm và chính người lao động cũng không bị hàm oan thì cách tốt nhất là làm như trên. Điều ấy thực ra là có thỏa ước, chứ không phải công ty đơn phương làm và càng không thể nói là vi phạm tự do cá nhân.
Trở lại với việc cấm cảnh sát giao thông khi đi tuần tra, kiểm soát không được mang quá 100.000 đồng được áp dụng ở một số thành phố lớn, ban đầu cũng có nhiều phản ứng. Thế nhưng quy định ấy vẫn được áp dụng, sau này cũng không thấy ai kêu ca, cũng chẳng thấy ai bỏ việc vì bị cấm mang... nhiều tiền.
Việc gì cũng có cái lý của nó, cho nên, nếu bị cấm mà được tiếng trong sạch thì cũng nên chấp nhận. Chưa kể, quy định mà không phạm luật, thì cũng là chuyện thường tình. Nội quy dù được lập ra ở đâu, lĩnh vực nào, cũng chỉ nhằm mục đích kỷ luật, ổn định của tổ chức, là việc phải có.
Xét đến cùng, nếu không có lửa thì sao có khói? Cảnh sát mà không nhận mãi lộ hoặc khách hàng không mất đồ thì đâu đến nỗi đi làm bị cấm mang nhiều tiền, phải không các bạn?
Sông Hồng
BLOG rất mong nhận được ý kiến của các bạn xung quanh vấn đề này. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm. Chân thành cảm ơn các bạn. |
người lao động nhân viên doanh nghiệp quy định công ty cảnh sát vi phạm
Post a Comment