Header Ads

Cú sốc mang tên "I-ta-li-a"

ổn định gia kinh tế thị trường tăng trưởng chính sách thủ tướng bão chính phủ kinh tế chính trị nền kinh tế liên minh

QĐND - Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội ở I-ta-li-a đang tạo ra cú sốc toàn châu Âu sau khi không có đảng chính trị hoặc liên minh nào giành chiến thắng áp đảo, đẩy quốc gia hình chiếc ủng lâm vào tình thế "quốc hội treo", đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng một lần nữa bởi tình trạng bất ổn chính trị tại I-ta-li-a.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 24 và 25-2 vừa qua được coi là rất quan trọng đối với I-ta-li-a trong bối cảnh Rô-ma đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về kinh tế, như thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm tỷ lệ thất nghiệp, nợ công... Là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng I-ta-li-a lại là một "con nợ" khổng lồ, một trong số ít quốc gia có con số nợ công cao nhất thế giới, với khoảng 2.600 tỷ USD. I-ta-li-a là một trong những quốc gia góp phần lớn gây ra tình trạng khủng hoảng nợ công ở châu Âu, từng khiến cho tương lai Eurozone trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Vì thế, việc tìm ra ai là người chèo lái ở quốc gia hình chiếc ủng là mối quan tâm đặc biệt đối với châu Âu. Cách đây ba tháng, việc Thủ tướng I-ta-li-a Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti) tuyên bố từ chức đã khiến châu Âu lo sốt vó khi mường tượng ra việc quay trở lại chính trường của "chính khách nhiều bê bối" Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni (Silvio Berlusconi), một nhân tố từng làm đau đầu Liên minh châu Âu (EU) khi có những tuyên bố tách rời khu vực này. May mắn thay, cuộc bầu cử quốc hội lưỡng viện diễn ra vừa qua đã không mang lại cơ hội cho vị cựu Thủ tướng "lắm tài nhiều tật" này trở lại nắm quyền lần thứ 5.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ I-ta-li-a sáng qua (26-2), với 99,9% số phiếu đã được kiểm cho thấy, Liên minh trung tả của nhà lãnh đạo Pi-e Lui-gi Béc-xa-ni (Pier Luigi Bersani) giành nhiều hơn 130.000 phiếu so với Liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni, qua đó giành quyền kiểm soát Hạ viện. Còn tại Thượng viện, Liên minh trung tả chỉ giành 113 ghế, Liên minh trung hữu giành 116 ghế, "Phong trào năm sao" của danh hài Bê-pê Gri-lô (Beppe Grillo) giành 54 ghế và cuối cùng là liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Môn-ti giành 18 ghế.

Điều đáng buồn ở đây chính là sự tụt hạng nghiêm trọng của Liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Môn-ti. Còn nhớ, sự xuất hiện của nhà kỹ trị này hồi tháng 11-2011 được ví như một "cứu tinh" với "bàn tay sắt": Áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm khắc như một phương thuốc chữa trị cho "con bệnh" nợ công ở I-ta-li-a. Nhưng "phép màu Môn-ti" cũng nhanh chóng mất tác dụng. Cử tri I-ta-li-a cho rằng, "thầy thuốc Môn-ti" đã kê một toa thuốc quá đắng khi thông qua một kế hoạch khắc khổ và nếu tính luôn cả kế hoạch cắt giảm chi tiêu được người tiền nhiệm Béc-lu-xcô-ni phê chuẩn thì tổng cộng người dân I-ta-li-a phải "cõng" gánh nặng 300 tỷ ơ-rô trong thời gian 2010-2014. Những "viên thuốc đắng" đó khó nuốt trôi khi hiện có tới 11% dân số I-ta-li-a trong độ tuổi lao động không có việc làm và chỉ trong năm 2012 có tới hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa ngưng hoạt động. Đó chính là điều khiến hơn 90% cử tri từ chối để ông Môn-ti tiếp tục làm Thủ tướng nhiệm kỳ sắp tới.

Tất cả những lý do trên đã giải thích vì sao liên minh trung tả của cựu Bộ trưởng Phát triển kinh tế Béc-xa-ni lại vượt lên dẫn đầu. Cử tri đã quyết tâm dứt bỏ "chính sách thắt lưng buộc bụng" mà I-ta-li-a và châu Âu đang theo đuổi và đi theo chủ trương cải cách của ông Béc-xa-ni, theo đó thắt lưng buộc bụng phải đi cùng với các chính sách tăng trưởng. Chủ trương cải cách theo hướng kinh tế thị trường tự do của ông Béc-xa-ni đã nhận được sự cổ vũ mạnh từ nhiều giới, nhất là thành phần kinh doanh vốn luôn không thích bị ràng buộc bởi chính sách thắt lưng buộc bụng.

Tuy nhiên, việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp chưa từng có tiền lệ ở I-ta-li-a (khoảng 72%) và không có đảng hoặc liên minh nào đủ khả năng chiếm đa số ghế trong Thượng viện để có thể thành lập chính phủ ổn định đã tạo một cú sốc không chỉ đối với I-ta-li-a mà cả khu vực Eurozone bởi trước đó, nhiều người kỳ vọng rằng, cuộc bầu cử sẽ là cơ hội để I-ta-li-a giải quyết cuộc suy thoái sâu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cùng món nợ công khổng lồ. Thêm vào đó, theo quy định của luật bầu cử của nước này, một liên minh hoặc một đảng phái chính trị phải giành được ít nhất 158 trong tổng số 315 ghế tại Thượng viện mới có thể nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Vì vậy, ngay cả khi liên minh cánh tả của ông Béc-xa-ni có bắt tay với đảng của ông Môn-ti đi chăng nữa thì vẫn không đủ số ghế theo quy định.

Sự bế tắc chính trị có thể đẩy I-ta-li-a vào tình trạng vô chính phủ và buộc phải tổ chức bầu cử lại. Đây được xem là kịch bản tồi tệ nhất và là cú sốc lớn đối với châu Âu, nơi đang trông chờ sự ổn định chính trị ở I-ta-li-a để ổn định và phục hồi nền kinh tế châu lục trước "cơn bão" nợ công.

Thực tế cho thấy, kết quả của cuộc bầu cử này đã phản ánh tâm tư của cử tri I-ta-li-a nói riêng và người dân châu Âu nói chung đối với chính sách "thắt lưng, buộc bụng" mà chính phủ nhiều nước EU đang áp dụng. Song bên cạnh những ưu điểm, chính sách kinh tế khắc khổ ở châu Âu đã kìm hãm tăng trưởng, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao và các chế độ lương, phúc lợi xã hội giảm sút. Chính sách "thắt lưng, buộc bụng" cũng là nguyên nhân chính khiến chính phủ sụp đổ ở nhiều nước EU như: Ai-len, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ru-ma-ni... và mới đây là Chính phủ của Thủ tướng Bun-ga-ri Bôi-cô Bô-ri-xốp (Boiko Borisov) ngày 20-2 vừa qua.

Vấn đề càng thêm cấp thiết trước mối đe dọa suy thoái và nạn thất nghiệp đang ở mức kỷ lục trong Eurozone (10,7%). Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố ngày 22-2 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo, Eurozone đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài trong suốt cả năm 2013 với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 20 triệu người, tương đương 12,2%, cao hơn mức 11,4% trong năm ngoái.

Bế tắc chính trị tại I-ta-li-a sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là điều khó tránh khỏi. Để nhanh chóng vượt qua cú sốc này, đảng phái chính trị ở I-ta-li-a cần có trách nhiệm trong việc thành lập một chính phủ sau bầu cử. Đó cũng là giải pháp tốt nhất hiện nay cho Rô-ma nói riêng và châu Âu nói chung.

LINH OANH

nền kinh tế kinh tế thị trường thủ tướng tăng trưởng gia chính phủ kinh tế ổn định chính trị liên minh bão chính sách

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.