Dịch lở mồm gia súc tại Sơn La được khống chế
gia dịch bệnh vận chuyển
Ông Lò Văn Tăng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sơn La ngày 28/2 cho biết: Dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc tại huyện Sông Mã và huyện Sốp Cộp đã cơ bản được khống chế.
Cán bộ thú y Sơn La phun thuốc khử trùng các phương tiện để kiểm soát dịch. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN |
Từ ngày 19/2 đến nay, không có thêm gia súc ốm, chết, dịch bệnh cũng không xuất hiện tại các địa phương khác của tỉnh.
Trước đó, do dịch bệnh kéo dài nhưng chưa được dập tắt, từ ngày 25 đến 27/2 Cục Thú y đã cử đoàn công tác phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Sơn La kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phòng chống dịch LMLM; kiểm tra công tác xử lý ổ dịch, xử lý gia súc mắc bệnh.
Sau khi đi thực tế tại các địa phương có dịch, đoàn công tác đã yêu cầu Chi cục Thú y tỉnh Sơn La bổ sung cán bộ thú y để tập trung tiêm phòng bao vây ổ dịch; tăng cường công tác giám sát, xử lý tại các vùng có dịch bệnh để kịp thời ngăn chặn dịch; đồng thời lập các trạm kiểm soát để xử lý các đối tượng có hành vi vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch.
Ông Tăng cho biết thêm, Chi cục thú y tỉnh Sơn La đã huy động 52 cán bộ thú ý để tập trung cho công tác tiêm phòng chống dịch tại 2 huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Trong 10 ngày tới sẽ tiến hành tiêm phòng triệt để cho số gia súc còn lại. Chi cục Thú y đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thêm 250.000 liều vắc xin để đáp ứng công tác tiêm phòng cho gia súc.
Dịch LMLM trên gia súc tại huyện Sông Mã và Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) được công bố vào đầu tháng 2/2013. Dịch xảy ra ở 17 bản, tổ của 6 xã, thị trấn ở hai huyện với hơn 640 con gia súc bị ốm.
Sau khi phát hiện dịch bệnh, 4 chốt kiểm dịch tạm thời đã được thành lập để ngăn chặn không cho người dân vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch. Bên cạnh đó, các hộ dân có gia súc bị ốm cũng được tuyên truyền về cách phòng dịch, ký cam kết không vận chuyển, giết mổ gia súc với chính quyền địa phương.
Ngoài ra, gần 40.000 liều vắc xin đã được tiêm cho đàn trâu, bò, dê, lợn; gần 150.000m2 tại các điểm xuất hiện ổ dịch cũng được phun khử trùng tiêu độc bằng hóa chất.
Lê Hữu Quyết
vận chuyển gia dịch bệnh
Post a Comment