Gặp những người lính "chiến đấu trong thời bình" ngày xuân
bão công trình kỹ thuật an toàn vượt sóng vượt qua khám chữa bệnh
QĐND Online - Đã chớm xuân Quý Tỵ, cảm giác "nghe rét buốt luồn trong gió" suốt chặng đường hành quân như tan chảy khi chúng tôi "chạm ngõ" Lữ đoàn Công binh 270. Vượt qua chiếc cổng vững chãi, bề thế là con đường phẳng lỳ, xanh mát bóng cây, tỏa về các tiểu đoàn, đại đội.
Đón khách tại Sở Chỉ huy mới được khánh thành, gương mặt Đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Mậu Khuê và Thượng tá Chính ủy Đỗ Thanh Xuân rạng ngời niềm vui. Các anh cho biết, đơn vị vừa được đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng hàng loạt các hạng mục công trình. Đặc biệt, trải qua hành trình 12 năm nhọc nhằn, đầy nỗ lực, Lữ đoàn đã giành lại ngôi vị dẫn đầu cụm thi đua các lữ đoàn và Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5, được đề nghị Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua.
Còn nhớ hai năm trước, cũng vào những ngày cuối đông như thế này, khi những đợt không khí lạnh liên tục tràn về, chiếc cầu Đen khá kiên cố dài hơn trăm thước trên tuyến đường huyết mạch 610B bị gãy đổ mấy nhịp. Cuộc sống của hơn 3 vạn dân vùng Gò Nổi (Quảng Nam) bị xáo trộn. Việc đi lại hằng ngày phải lệ thuộc vào những chuyến đò chèo, đò máy vừa đắt đỏ, nhiêu khê vừa nguy hiểm.
Nhận nhiệm vụ, Lữ đoàn 270 đã khẩn trương triển khai phương án bắc cầu phao. Ngay trong đêm, Tiểu đoàn Vượt sông 25 mở niêm một phần bộ cầu nổi PMP, để sáng hôm sau vượt chặng đường 50 cây số và có mặt tại vị trí tập kết đúng giờ quy định. Ăn vội bữa cơm dã ngoại, cán bộ, chiến sĩ bắt tay ngay vào việc. Cả bến sông ngập trong không khí khẩn trương, sôi động của tiếng xe máy, tiếng hô truyền đạt mệnh lệnh, những hiệu lệnh dứt khoát bằng còi, bằng cờ và động tác nhanh chóng, thuần thục của bộ đội. Với khối lượng trang bị kỹ thuật tương đối lớn, song đơn vị đã lắp ghép cầu đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Những nhịp cầu thắm tình quân dân đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân trong những ngày cận tết Tân Mão.
Khép lại năm Nhâm Thìn 2012, Tiểu đoàn Vượt sông 25 cũng hoàn tất các nội dung huấn luyện chuyên ngành và 2 khóa huấn luyện tân binh. Trung tá Chính trị viên Tiểu đoàn Hoàng Thanh Lượng cho biết: "Do đặc thù của nhiệm vụ thường trực đối mặt với những nguy hiểm nên nếu huấn luyện không kỹ thì khi thực hành rất dễ xảy ra mất an toàn. Khóa tân binh vừa rồi, đơn vị đã tập cho 100% quân nhân biết bơi. Lính vượt sông, lực lượng chủ công trong phòng chống, ứng cứu thiên tai của Quân khu mà không biết bơi thì không thể hoàn thành nhiệm vụ". Quả vậy, trong những trận đại hồng thủy xảy ra trên dải đất Khu 5, bộ đội công binh như những chàng Sơn Tinh dũng mãnh, luôn có mặt kịp thời ở vùng tâm bão, rốn lũ. Trên địa bàn rộng lớn của các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam và Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn - tỉnh Quảng Ngãi, đâu đâu cũng gặp những người lính 270 xả thân ứng cứu, cõng người già, trẻ em thoát khỏi dòng thác nước hung hãn, di dời hàng nghìn người dân và tài sản đến nơi an toàn, trục vớt tàu thuyền, vận chuyển lương thực, thực phẩm, mì tôm, nước uống cứu trợ đồng bào, giúp dân sửa dựng hàng trăm ngôi nhà, nạo vét, đào đắp đường giao thông, tu sửa kênh mương thủy lợi, khắc phục ruộng bị sa bồi thủy phá, khám chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con... khắc họa một biểu tượng cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Câu chuyện của Tiểu đoàn 25 khiến tôi liên tưởng đến những ca từ ngọt ngào và lãng mạn: "Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta, đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo, đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo, nhịp cầu nối những bờ vui...". 41 năm xây dựng, trưởng thành, người lính Công binh 270 đã qua bao miền quê, bắc bao "nhịp cầu vui" để nhân dân an hưởng thái bình.
Bắc cầu phao cho nhân dân cùng Gò Nổi, Điện Bàn. |
Gặp Trung tá Võ Xuân Thủy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn công trình 2, điển hình thi đua nhiều năm liền của LLVT Quân khu 5, vừa về dự giao ban lữ đoàn, chúng tôi được nghe kể về những chuyến đi chinh phục những ngọn núi cheo leo, hiểm trở. Bao cung đường ngoằn ngoèo chóng mặt, những con dốc lên xuống đều thăm thẳm, thế mà các anh vẫn đưa được những cỗ máy xúc, máy ủi, máy gạt... kềnh càng vượt qua. Mùa khô bụi mịt mù, mùa mưa lại trơn trượt. Gian lao, vất vả nhưng ở đâu có công trình, ở đó vẫn có vườn - ao - chuồng, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Tôi đã tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn công trình ngăn suối, xây hồ nuôi cá trên cạn, làm chuồng nuôi heo, gà, vỡ đất trồng rau. Doanh trại tuy dã chiến mà không tạm bợ, có đủ pa-nô, biển bảng chính quy, phòng chơi bi da, bi lắc, bóng bàn, sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, có nơi trước hiên còn treo rất nhiều giò lan rừng. Bận ca kíp, bộn bề công tác, đơn vị vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt, các chế độ ngày tuần, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thi công, kết nối chuyển giao kỹ thuật giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, thực hiện "Nói không với thuốc lá và các tệ nạn xã hội"... Ba năm qua, Lữ đoàn đã bàn giao nhiều công trình quốc phòng bảo đảm tiến độ, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn tuyệt đối. Đó thực sự là những chiến công sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cán bộ, chiến sĩ công binh 270. Bởi mỗi công trình kiên cố hoàn thành là thêm một thành trì để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ đội tinh thông nghiệp vụ, đồng sức đồng lòng vượt qua thử thách là bí quyết để Lữ đoàn Công binh 270 năm mới tiếp tục gặt hái nhiều thành tích mới, kế thừa và phát huy truyền thống Binh chủng "Mở đường thắng lợi", viết tiếp chiến công của đơn vị anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.
Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP
bão kỹ thuật khám chữa bệnh vượt qua vượt sóng công trình an toàn
Post a Comment