Header Ads

Kính thưa và kính mời

thứ trưởng quan trọng hội thảo

Năm 2004 Chính phủ có Nghị định 154 yêu cầu tại các cuộc họp, buổi lễ chỉ "kính thưa" một người là lãnh đạo cao nhất có mặt. Thế nhưng hình như chuyện "kính thưa" ngắn gọn có vẻ bất khả thi khi mà đoạn "kính thưa" trong các phát biểu tại các hội nghị, hội thảo, lễ hội hiện nay vẫn cứ dài dằng dặc.

Có thể do thói quen nhưng thực tế chuyện "kính thưa một người" cũng có nhiều chuyện khó xử. Nếu trong một cơ quan thì việc chỉ "kính thưa" thủ trưởng cơ quan sẽ không thành vấn đề, song một hội nghị nhiều thành phần thì kính thưa một người thật không dễ. Một hội thảo, hội nghị do 2 cơ quan phối hợp chẳng hạn thì biết chọn thủ trưởng cơ quan nào để kính thưa? Lại có vị quan chức cấp cao tới dự thì kính thưa quan chức cấp cao mà không kính thưa thủ trưởng trực tiếp chủ trì liệu có ổn? Rồi trong hội nghị, hội thảo có vị cao niên đã về hưu từ lâu nhưng đức cao, vọng trọng, là bậc thầy của tất cả các thủ trưởng trực tiếp và quan chức cấp trên về dự liệu có thể quên "kính thưa"?

Một người phát biểu phải "kính thưa" cho đủ, nhiều người khác lên bục diễn đàn cũng "kính thưa" tiếp thì thời gian "kính thưa" quả là lãng phí, thậm chí gây cả sự mệt mỏi cho cả người dự lẫn những người được kính thưa vì sự lặp lại.

Nên chăng ngoài phần giới thiệu đại biểu vốn đã có đủ tên tuổi, chức vụ, bài phát biểu đầu tiên của người có vị thế trong hội nghị có thể "kính thưa" nhiều người để chứng tỏ sự kính trọng với những đại biểu cần phải kính thưa, những người sau chỉ cần "kính thưa quý vị (hay đại biểu có mặt)" là đủ.

Ngoài chuyện "kính thưa" trong các cuộc hội nghị còn là chuyện "kính mời" cũng gây không ít phiền toái. Ấy là việc kính mời đại biểu cấp trên hay nhân vật đức cao vọng trọng lên phát biểu. "Kính mời" người quan trọng lên phát biểu là cần thiết bởi đấy là ý kiến chỉ đạo của cấp trên hoặc góp ý của bậc cao niên có uy tín, song nhiều khi chuyện "kính mời" làm khổ cử tọa và chính người được kính mời. Có lãnh đạo cấp trên dịp cuối năm đến các cơ quan cấp dưới để thể hiện quan tâm nhưng khi được kính mời lên diễn đàn, do không chuẩn bị nên nói thường chung chung. Vì không chuẩn bị nên thường là nói dài, nói lặp lại và nói xong mà người nghe chẳng hiểu người được kính mời nói gì!

Một hội nghị có nhiều người quan trọng và vị này được kính mời không lẽ vị khác lại không được kính mời! Thế là lần lượt các vị quan chức lên phát biểu chiếm rất nhiều thời gian một cách lãng phí khi lời phát biểu không có thông tin mới, vấn đề mới.

"Kính thưa" và "kính mời" là sự thể hiện thái độ kính trọng của Ban tổ chức nhưng kính trọng đâu chỉ là chuyện kính thưa, kính mời. Bản thân "kính thưa, kính mời" vốn là nét đẹp trong truyền thống kính trọng tôn ti trật tự của truyền thống nhưng nét đẹp này khi bị lạm dụng thì trở thành rườm rà, lãng phí thời gian và làm giảm hiệu quả của một hội nghị. Kính trọng khác với sợ mất lòng những người có quyền khi nghĩ người có quyền sẽ không hài lòng khi không được kính thưa, kính mời.Người được "kính mời" nếu không chuẩn bị, không có ý gì mới cần huấn thị, căn dặn hoặc đã có người khác được kính mời, nói những điều như mình định nói, thiết nghĩ cũng nên biết từ chối lời "kính mời". Người được "kính thưa" cũng không nên thấy thiếu câu kính thưa mình trước đông đảo mọi người như một sự thiếu tôn trọng hoặc mình không quan trọng.

Nghị định 154 của Chính phủ 9 năm về trước đã nhìn thấy những bất cập trong thực tế nên đã được ban hành. Tuy nhiên, thay đổi một sự bất cập nhiều khi không phải chỉ do những quy định mà phải bắt đầu từ nhận thức. Giảm bớt kính thưa, kính mời không cần thiết nhiều khi không phụ thuộc vào Ban tổ chức hoặc những người lên diễn đàn phát biểu mà hình như phải bắt đầu từ những người được "kính thưa, kính mời" chăng?

Lê Quý Hiền

quan trọng thứ trưởng hội thảo

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.