Làng vĩ cầm độc nhất vô nhị
nông dân văn hoá người nông dân việt nam
Violon (vĩ cầm) là loại nhạc cụ được coi là khó học, khó chơi nhất- ngay cả đối với "dân nhạc" chính hiệu. Vậy mà những người nông dân cổ cày, vai bừa ở làng Then (Bắc Giang) đã biến cái không thành có thể...
Violon (vĩ cầm) là loại nhạc cụ được coi là khó học, khó chơi nhất- ngay cả đối với "dân nhạc" chính hiệu. Vậy mà những người nông dân cổ cày, vai bừa ở làng Then (Bắc Giang) đã biến cái không thành có thể...
CôngThương - Duyên nghiệp...
Làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) nằm bên dòng sông Thương êm đềm, thơ mộng. Câu chuyện ngôi làng "phát" về âm nhạc bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đó là năm 1955, đội văn nghệ xung kích tỉnh Hà Bắc về biểu diễn phục vụ bà con xã Thái Đào. Trong đội có nhạc công violon Đỗ Hữu Bài. Hồi đó, trai làng Then chưa biết thế nào là cây đàn, đặc biệt là với đàn violon. Thế nhưng, có lẽ do duyên đã định nên ngay khi nghe thấy âm thanh da diết của loại nhạc cụ này, nhiều trai làng mê tít, trong đó có ông Nguyễn Hữu Đưa (khi đó chỉ là chàng trai ngoài đôi mươi).
Nhạc côngĐỗ Hữu Bài: Violon làng Then là tài sản văn hóa đặc biệt, cần giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng nếu còn sức khỏe và có cơ hội, tôi vẫn sẵn sàng lên đường truyền đạt hết những ngón đàn cũng như kinh nghiệm của mình cho những người nông dân chơi đàn violon làng Then. |
Đội văn nghệ của làng đã cử người lên Ty Văn hóa thông tin tỉnh Hà Bắc, đề nghị cử thầy Bài về làng giảng dạy violon. Cùng với ông Đưa, cả làng có thêm 11 người mua violon, một người mua xenlo. Thời điểm đó, để mua được một cây violon, các chàng trai đã phải bán trâu, gà, lợn, thóc... Ban ngày cày bừa, cắt lúa, gánh gồng; tối về ra sân kho hợp tác xã để tập. Lại có những hôm anh em trong đội nhạc đi tham gia đắp đê, cả thầy và trò cùng nhau xuống công trường, ngày làm, tối học và phục vụ dân công. Lúc đầu, họ chỉ tập những bài đơn giản. Tiếp đến những bài khó, có bè phối như: Thiên thai, Trống cơm, Bèo dạt mây trôi, Du kích Sông Thao...
Năm 1962, đội vĩ cầm làng Then vinh dự đại diện cho toàn tỉnh Hà Bắc đi biểu diễn ở Trung ương và được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, phát sóng. Năm 1973, ông Đưa cùng một số anh em ở Đoàn Văn nghệ Hà Bắc vào tận Quảng Trị, đi khắp các chiến trường ác liệt như Khe Sanh, đường 9 Nam Lào để biểu diễn, phục vụ anh em, chiến sĩ. Rồi đến năm 1976, 14 chàng trai tài hoa làng Then đã vinh dự được biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng lần thứ IV tại Ba Đình, Hà Nội.
Người Mỹ cũng phải thán phục!
Được biết, trong cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc, làng Then, xã Thái Đào là một trong những mục tiêu mà không quân Mỹ muốn bắn phá, bởi nơi đây có trận địa pháo và kho xăng. Một lần mang bom ra bắn phá khu vực này, Peter- người lính Mỹ khi đó đã không tuân lệnh mà chở bom quay về căn cứ quân sự. Khi chỉ huy hỏi, Peter thẳng thắn trả lời, tôi không muốn giết những người dân vô tội. Năm 2009, trong phái đoàn văn hóa các nước sang Việt Nam tìm hiểu văn hóa đặc thù một số vùng miền, có cựu binh Mỹ Peter năm nào.
Trước khi đến đây, Peter cũng đã tìm hiểu về violon làng Then, song ông cũng không thể ngờ được rằng, những người nông dân cầm cày, cuốc, với đôi bàn tay chai sạn lại có thể khéo léo điều khiển cây đàn chuẩn xác như vậy. Peter cũng là nghệ sĩ violon nên ông hiểu, chơi violon phải có năng khiếu, đôi bàn tay mềm và sự thẩm âm chuẩn xác. Vĩ cầm vốn là một loại nhạc cụ khó tính, nếu người chơi không rèn luyện thường xuyên sẽ rất dễ bị phô, chênh. Vừa làm ruộng, vừa chơi thuần thục violon có thể nói là sự phi thường. Rồi ngay trên manh chiếu trải ngoài sân, những tay violon làng Then có dịp "thi thố" với tay violon nhạc jazz nước Mỹ. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng, song âm nhạc thì không. Dàn nhạc violon làng Then có dịp thể hiện các làn điệu dân ca Việt Nam, Peter chơi theo. Rồi khi nổi hứng, Peter chơi nhạc jazz, anh em làng Then cũng phụ họa cùng. Nhạc Việt, nhạc cổ điển, dân ca cứ thế tuôn chảy mãi không dứt...
Ước mơ tiếng đàn ngân xa
Hơn 100 người dân, từ già đến trẻ, thuần nông, chân lấm tay bùn, có thể biết kéo và chơi thành thạo nhạc cụ này. Violon đã làm cho làng Then trở thành làng quê độc nhất vô nhị ở trên đất nước Việt Nam.
Đã hơn nửa thế kỷ, tiếng violon làng Then cứ len lỏi khắp xóm thôn, trở thành niềm đam mê không dứt của những nông dân chân chất mang tâm hồn nghệ sĩ. Làng bây giờ đã thành lập hẳn một dàn nhạc giao hưởng. Nhưng thực tế, hoạt động biểu diễn còn nhiều hạn chế. Đó mới chỉ là những buổi biểu diễn phục vụ bà con làng xóm, phục vụ lễ rước của các địa phương lân cận, các đoàn khách thăm quan trong nước và quốc tế. Nếu chỉ dừng lại trong những hoạt động này, tiếng vĩ cầm làng Then vẫn chưa thể lan tỏa.
Ông Nguyễn Quang Khoa - Đội trưởng đội văn nghệ, đồng thời là nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng làng Then - cho biết: những "nông dân nghệ sĩ" của làng Then đang mơ ước có được một bộ âm ly để mỗi buổi biểu diễn có chất lượng âm thanh tốt hơn và ấp ủ sẽ phát hành đĩa nhạc cho công chúng yêu nhạc thưởng thức rộng rãi. Không những thế, cao xa hơn, họ hy vọng một ngày nào đó, tiếng vĩ cầm làng Then sẽ vang lên thường xuyên giữa khán phòng Nhà hát Lớn ở Thủ đô Hà Nội cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
người nông dân việt nam văn hoá nông dân
Post a Comment