Header Ads

Linh kiện điện tử

đàn ông kinh tế thị trường công ty kinh doanh gia người thứ ba nhà máy chấm dứt hợp đồng bão công nhân điện thoại kia

Phúc điên tiết xồng xộc chạy vào đá cái ghế nhựa túm tóc vợ. Mây đang thùa khuyết áo bị túm tóc giơ cái tay có kim đâm vào tay Phúc. Phúc sững người, ngỡ bị tấn công, tát một cái trời giáng vào khuôn mặt gầy gò của Mây - người đàn bà hai con đã lớn mà xinh xắn nõn nà. Vẻ đẹp của vợ làm Phúc tức giận vì nó chả làm gì cho nỗi đau của Phúc chấm dứt. Đẹp như trêu ngươi như cười nhạo ông hả con kia! Phúc đã có ngôn ngữ của cánh đàn ông cùng làm ăn ngoài ngã ba đường...

Phúc dựng xe ở sân rồi quát vào trong nhà:

- Đâu rồi? Có mang cho bố mày chậu nước không thì bảo!

Không ai nhúc nhích. Phúc điên tiết xồng xộc chạy vào đá cái ghế nhựa túm tóc vợ. Mây đang thùa khuyết áo bị túm tóc giơ cái tay có kim đâm vào tay Phúc. Phúc sững người, ngỡ bị tấn công, tát một cái trời giáng vào khuôn mặt gầy gò của Mây - người đàn bà hai con đã lớn mà xinh xắn nõn nà. Vẻ đẹp của vợ làm Phúc tức giận vì nó chả làm gì cho nỗi đau của Phúc chấm dứt. Đẹp như trêu ngươi như cười nhạo ông hả con kia! Phúc đã có ngôn ngữ của cánh đàn ông cùng làm ăn ngoài ngã ba đường. Một cái tát nữa sang má bên kia của Mây. Mây cúi gục xuống. Cũng không hẳn vì đau. Thằng Đức ôm con Hạnh im thin thít không dám khóc vì không muốn cho mọi người biết. Phúc nghiến răng: "Thưa bà, tôi xin kính cẩn lạy bà. Rời tay thằng này thì lấy cứt đổ vào mồm cả lũ. Không lấy nước thì quì xuống liếm chân cho bố mày". Mây khóc: "Em chưa kịp đi lấy nước cho anh. Không phải em không lấy!". "Kệ mẹ mày, cúi xuống liếm chân cho ông!". Người đàn bà đứng im. Đứa con trai 12 tuổi nhìn mẹ khích lệ: "Mẹ đừng sợ!". Nó không hiểu sao bố nó, từ một người vui vẻ chỉ hay nói tục hay hút thuốc phun khói um nhà bỗng nhiên trở nên dữ tợn. Chỉ vài tuần nay. Bố bỏ nhà máy sắm xe đi chở khách cũng chả giải thích gì sất, tối mịt mới về nằm dài ngủ trên giường xếp. Mẹ càng rón rén ra vào bố càng tức giận.

Cái cảnh quát tháo tiếp diễn mấy lần rồi. Phúc không biết trút giận vào đâu, cứ về nhà trút vào đầu đàn bà con nít, vừa quát tháo vừa nuốt đau vào trong. Phúc sắm Wave Tàu chờ ngã ba đường có một lối rẽ về khu công nghiệp quen thuộc và một lối về thành phố, một lối về cái làng bên kia sông. Lối về khu công nghiệp Phúc đã đi làm hai năm. Lối về làng cũng quen vì có nhà của mẹ. Đứng đây ngày vài cuốc xe cho đám công nhân có nhu cầu về thành phố lấy vài chục ngàn chả bõ bèn gì nhưng cho đỡ tức, cho đỡ ngồi một chỗ mà đau, cho đỡ tiếc nuối cái bằng kỹ sư. Nhưng đứng đây cũng thấy mình rời xa đồng phục nhà máy và rơi thẳng xuống đẳng cấp thấp nhất của đời.

Phúc không còn quát, chỉ nói như đã tính toán đã quyết tâm:

- Tao sẽ về nhà bà! Tao đi xe ôm có tiền, tao uống rượu chơi đề cho sướng thân tao, để xem con mẹ mày có kiếm đủ mà tọng vào mồm không.

Nói xong Phúc vào phòng sếp rồi đi ra, tay xách túi du lịch, có vẻ cũng không mang hết áo quần. Mây nhìn cái túi và nghĩ chắc anh ấy còn phải về vài lần. Còn nhiều thứ. Đi làm ở nhà máy lắp ráp cũng rủng rỉnh quà thưởng, cũng sắm sanh nhiều quần áo, đâu phải chỉ cái túi kia... Phúc buộc cái túi sau xe, nghĩ sao tuyên bố: "Ly thân! Ly thân mới sống được. Cứ về đây thì điên. Tao mà điên chúng mày ra bã!".

Ngôn ngữ đó cũng lạ. Phúc chưa từng tát Mây, chưa từng nói năng thế! Phúc bỏ đi. Mây ôm thằng Đức vùi cả mặt đầy nước mắt vào cái ngực bé tẹo của đứa trẻ 12 tuổi, nơi có con tim cũng bé đang loạn nhịp vì xúc động: "Đức ơi mẹ khổ quá. Bố gặp chuyện gì mà đi khỏi nhà máy. Chả nói với mẹ gì cả... Thôi, dù sao cũng để bố đi đi!".

- Nhưng mẹ ơi, lấy tiền đâu...

- Mẹ kiếm được! Lâu nay bố có đưa tiền đâu mà mấy mẹ con vẫn sống tốt. Mẹ chỉ muốn bố ở nhà cho yên thôi chứ tiền đáng gì. Để cho đi đi vậy! Đi càng xa càng tốt...!

*

Phúc phóng xe ra ngồi ở bãi sông. Ngô đang ngậm sữa rì rào trong gió chiều. Thành phố phía xa kia có mây bụi như khói bao phủ bao nhiêu con người dồn về một chỗ để cưỡi xe máy đè lên bóng nhau, để nhả khói để bóp còi để rối rít tít mù như đàn kiến gió. Lăng quăng quẩn quanh cái lũ kiến không tìm thấy lối ra. Chỗ này chẳng xa thành phố bao nhiêu mà yên ắng mà như bị bỏ quên. Đất sạch cỏ cũng sạch lá cây rì rào nghe được. Phía xa là khu công nghiệp cho bọn ngoại quốc thuê đất thời hạn ít nhất là 50 năm. Những gã quan chức thời cho thuê đất đặt những chữ ký hàng tỉ, đủ tiền cho ba thế hệ vung vinh, nông dân mất tiêu đất cho nền công nghiệp ối tiền rước về lỉnh kỉnh xe cộ máy móc. Nhà máy lắp ráp điện tử để xuất hàng sang hàng chục nước chọn nơi này công xá rẻ như bèo nhưng xem ra chả lãi mấy vì chọn phải cái xứ người ta thích nhặt nhạnh bỏ túi áo túi quần, trốn chui trốn nhủi qua hàng chục cái mắt điện tử theo dõi để đem ra ngoài được bất cứ cái gì... Nhà máy không xây kiên cố, chỉ là những bộ khung chắc dựng lên vài tháng đã hoàn thiện một khu lắp ráp. Lũ lượt con em các miền đổ về. Những dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử trông thật sinh động dưới ánh đèn sáng choang. Bàn tay công nhân thành thạo hoàn thiện các sản phẩm đủ tiêu chuẩn tung ra các thị trường lớn. Phúc đã ở trong bộ phận kiểm tra linh kiện trước khi đưa tới các phân xưởng. Bộ phận của Phúc có ba người được ông chủ ôkê liên tục cho đến khi gần một tháng trước đây, tất cả tá hỏa: hộp linh kiện điện thoại vừa nhận ở kho về không cánh mà bay vù đi mất! Những con chíp tí xíu có khi phải dùng kính lúp soi, những linh kiện điện tử quí giá còn trong vỉ mới tinh đưa từ "chính quốc" sang. Một cái hộp có thể trị giá hàng năm trăm ngàn đô! Châu bảo Phúc: "Sao chuyện đó lại xảy ra chỗ anh em mình?". Châu mặt non choẹt có ria con kiến. Bố là phi công, mẹ làm kinh doanh cỡ quốc tế. Châu chỉ đi làm cho có công việc, cho thấy mình có ích, cho xứng với tấm bằng khoa học lấy từ trường đại học danh tiếng ở Pháp. Châu không như Phúc còn phải ở nhà thuê; hai đứa trẻ, cô vợ vụng về mau nước mắt. Châu và Phúc nhìn nhau. Người nọ thấy người kia trung thực. Người thứ ba là Hoàn cũng trung thực, có lần trả lại cái ví chứa ngàn đô của giám đốc phân xưởng để quên trong nhà tắm. Hoàn chỉ cần đi lướt qua ông chủ người Bắc Á khịt mũi: "Gì mà thơm thế mềm thế!". Ông này bập bẹ tiếng Việt, vừa đùa vừa thật nhìn theo Hoàn, giơ ngón tay cái đầu gật gật. Hoàn sinh ra ở làng dệt lụa miền Trung xứ gió Lào khô cháy nhưng con gái lại trắng lại mịn như lụa. Hoàn đã từng chui vào chăn Phúc trong khách sạn khi một tốp kỹ thuật viên được chủ thưởng cho sang nước họ vào tháng tư hoa anh đào rực rỡ mọi lối đi. Cái xứ mà người ta đã làm gì là làm tới nơi tới chốn không bày bừa bãi không vô trách nhiệm không thờ ơ với chính nồi cơm của mình rồi đổ tội cho trời ban cho mình số phận rủi ro. Đêm Hoàn gõ cửa: "Em nằm với anh nhé!". Phúc yếu ớt: "Sao làm thế?". "Anh ơi, thời này chả cần giữ gìn thế anh ạ. Anh cũng thích em chứ gì?". Giọng Bắc hẳn hoi. Con gái xứ ấy nói với nhau không ai bên ngoài hiểu gì nhưng nói với người Bắc thì giọng Hà Nội chuẩn ưu điểm không hề ngọng "lờ và nờ" như nhiều người Hà Nội phố mắc phải. Hoàn ôm lấy đồng nghiệp, hâm nóng thân thể còn ngập ngừng phải trái của Phúc cho đến khi bị Hoàn cuốn đi. Như sóng. Như lửa. Lại có cả rên rẩm, có cả cải lương. Hai đứa con rồi, sống với Mây bao nhiêu năm Phúc chưa hề nếm cái bài ca thân xác với cường độ bỏng cháy, chưa hề nhập cuộc một cách lạ lùng thấy mình si mê bay tít mít lên. Hoàn có học hành ở đâu không biết nhưng suốt một tuần ở xứ lạ, Hoàn thực sự thuộc về một người đàn ông lịch lãm mà cô ta làm việc cùng bao lâu. Nhưng Hoàn tự chủ tự tin. Ban ngày đi trong đoàn đông đúc không hề có biểu hiện gì cái sự có với nhau ban đêm. Đáng phục lắm chứ. Đêm cuối nằm duỗi dài sau những chấn động dữ dội, Hoàn bảo anh phải về sống với em. Em sẽ có nhà riêng!

- Làm sao anh sống với em được.

- Tùy anh. Anh phải về với em!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Đàn bà con gái xứ ấy không nhân nhượng. Chỉ biết là họ đã quyết và mình phải bận tâm. Nhưng sống với Mây rồi, Mây mềm mại trong trẻo là vợ rất hoàn hảo cũng khó dứt ra chứ.

Cứ thế cho đến khi cái hộp kia bay mất.

Gã chủ có dáng đi hơi cúi, người không vâm váp, nói lơ lớ tiếng Việt đứng giữa phòng. Ông ta không to tiếng. Ông ta bảo: "Tôi không ngạc nhiên. Ở đâu trên hành tinh này nếu mất mát thì tôi ngạc nhiên nhưng ở đây tôi không ngạc nhiên. Chỉ có vấn đề là giá trị hàng hóa lớn. Lớn nhiều" - Ông ta bắt đầu bối rối vì vốn tiếng Việt chưa thành thạo - "Lớn nên cắt đứt, chúng tôi muốn chấm dứt hợp đồng nhưng cần lấy lại tài sản của công ty, không cần người ăn cắp dĩ nhiên... dĩ nhiên tôi chưa kết luận ai ăn cắp, tôi chỉ khó hiểu... Vấn đề là không hiểu được mọi người đã từng làm những việc lớn, những việc tốt trong chiến tranh... Chúng tôi, cả tôi nữa đã từng kính trọng nhưng không thể kính trọng khi ăn cắp cả con chíp điện tử rồi đến cả hộp linh kiện. Ngày hôm qua xưởng bên kia" - Ông ta vung tay chỉ - "còn phát hiện nhiều linh kiện điện tử ăn cắp xong bị ném vào toalét do người giám sát chúng tôi phát hiện. Bị theo dõi... thế rồi ném vào toalét tẩu thoát tài sản. Không tốt ném đi như thế, không tốt bao nhiêu tiền đấy nha... Mọi người đã từng la hét không cho đặt camera, bảo là cần có tự do, nhưng mà ném đồ ăn cắp của công ty vào toalét thế là từ ngày mai sẽ phải đặt camera theo dõi cả toalét, đừng có phản đối nha! Thôi, tôi không muốn gặp mọi người. Tôi rất tiếc anh Phúc đây nhưng sếp bảo tôi phải sa thải, phải chấm dứt...".

Phúc chắn lối không cho ông này ra khỏi cửa. Mặt Phúc cứng đanh lại uất ức nhưng không thể nói gì. Ông ta có lý nhưng cái lối mạt sát cả đám đông lại không thể có lý. Một cách bình tĩnh của cái lặng im trước giông tố, Phúc nắm tay gã đàn ông có cái kiểu cúi cúi khi đi như gấu:

- Các ông cứ tìm đi, tôi muốn các ông tìm cho ra. Tôi sẽ ra khỏi nhà máy, thậm chí lương tháng này tôi cũng không nhận. Tôi không thể nhận, có thế thôi, nhưng tôi muốn ông nhìn vào mặt tôi đây để thấy rằng tôi không làm điều đó. Tôi không thề không hứa nhưng tôi không làm điều này. Cha tôi qua đời ở tuổi bảy mươi hai, người thời trẻ đã từng cõng trên vai cả ba lô vàng cả ba lô tiền đôla, tiền bạt, tiền Sài Gòn vượt rừng sang nước láng giềng để chuyển tiền vào cho miền Nam hoạt động. Khi cha tôi chết, trong nhà chỉ còn vài trăm ngàn. Anh em đồng đội cảm phục sự trung thực của ông đã đứng ra lo mọi điều. Ông là người rất giàu khi nằm xuống. Lúc đeo tiền đeo vàng trên lưng, ông đã không lấy cho mình một mẩu nhỏ. Ông sống sau chiến tranh thiếu thốn như hàng triệu người. Tôi là con của cha tôi, tôi mang dòng máu đó. Cha tôi đã trong sạch như rất nhiều người...".

Phúc muốn nói nữa nhưng gã kia phẩy tay: "Thì tôi đã bảo mà... không thể hiểu được! Tôi đã nói rồi mà!". Gã đi như chạy ra khỏi nhóm người gã vừa sỉ vả. Châu đứng lặng rồi bảo Phúc: "Em không đi làm nữa đâu, em đi học thêm đây!". Hoàn không có phản ứng gì. Phúc nhìn thấy cái vẻ mặt lạnh của Hoàn mỗi khi đi trong nhóm đông không muốn bộc lộ cảm xúc có với Phúc ban đêm ở xứ lạ. Hoàn không giục giã Phúc là tìm cớ "cắt đi", "về ở với em". Trước đó suốt ngày giục rồi. Hoàn có nhà thuê, cả căn hộ nhỏ bên thành phố, trả tiền cả năm, nội thất tự sắm toàn thứ đắt tiền. Trông Hoàn không còn tí chút hơi hướng nào từ cái làng dệt lụa bên sông ở đất miền Trung. Sáng sáng, Hoàn đi xe buýt của công ty đón những người ở phố cùng các sếp ngoại quốc cùng cả nhóm giám sát mới sang do công ty bị mất mát khá dày. Lúc đó đường vắng, xe đi khá nhanh, mọi người tranh thủ gà gật tới công ty mới ăn sáng. Từ hôm cái hộp linh kiện bay mất, Hoàn không còn thực hiện lộ trình đó và có vẻ giọng Bắc của Hoàn ngày càng chuẩn. Mỗi khi ra khỏi nhà, son phấn thơm lừng. Thấy khoe cả váy Guci hàng hiệu. Mặc vào đứng trước Phúc hỏi "Được không?". Cũng chả thấy hơn gì cái váy hồi nọ mặc. Có lẽ hàng nội, hàng rẻ. Nhưng chả dám bình luận, phải gật gật nheo mắt. Đang ở nhà Hoàn chứ không phải ở với Mây, cô giáo tiểu học chân thật. Hoàn mua cá hồi thịt bò nhập khẩu giở sách chế biến theo công thức. Phúc ngờ ngợ "Chắc tích lũy được tiền". Ban đêm trên đầu giường băng đĩa dạng khủng làm Phúc đang trần truồng cũng phải ngượng: "Thôi tắt đi, chuyện của người ta". Hoàn lùa ngón tay vào tóc Phúc cười ỏn ẻn: "Anh nhà quê của em ơi, đừng đi xe ôm nữa, cứ ở nhà mình tính kinh doanh gì cho đỡ nhem nhuốc?". "Kinh doanh gì, anh chỉ làm nhà máy. Giờ anh chỉ đi chở khách, không đứng ở cửa hàng. Mà vốn đâu để kinh doanh?". "Anh yên tâm đi, người đẹp của anh đã ra tay thì đâu vào đó, trúng phóc!".

Hoàn nhảy ra khỏi giường, khúc giữa được che bằng cái khăn voan. Hoàn quay lại như trưng bày tuyệt tác nghệ thuật. Phúc nhăn nhó gật gật, chả thấy hứng thú gì, chả thấy đẹp cái sự lõa lồ của Hoàn như trêu ngươi như làm vết thương trong tim trầm trọng thêm. "Em đi tắm đây, hôm nay phải thực hiện công đoạn tắm mới học ở chỗ spa!".

Cô gái miền Trung thất nghiệp mà đi spa. Nghe nói mỗi lần hàng triệu. Phúc lơ mơ ngủ, cái điện thoại đa chức năng loại mười triệu để trên bàn trang điểm nhấp nháy. Nhiều lần nhấp nháy, Phúc thờ ơ với tay xem tin nhắn: "Đồng ý mua với giá đã thỏa thuận. Gặp ở chỗ cũ".

Phúc không hỏi, sợ đụng chạm "tự do cá nhân" - cụm từ Hoàn hay nhắc cho Phúc, ra cái ý công khai Phúc không được hỏi Hoàn làm gì đi đâu. Phúc vờ ngủ. Hoàn từ nhà tắm đi ra, kéo rèm che cửa sổ đọc tin nhắn, mặc quần áo vội vàng đi đâu đó rồi quay lại. Rồi tưởng Phúc ngủ say, cô nàng mở tủ cho cái gì vào túi xách, để chìa khóa vào hộp phấn, đinh ninh các thứ lỉnh kỉnh thế Phúc không thể biết có chìa khóa. Hoàn xuống thang máy ra đường. Phúc thấy điện thoại có tin nhắn: "Em đi gần trưa về sẽ mua đồ ăn sẵn. Đừng đi đâu chờ em nhé!". Phúc liếc mắt rồi như bị thôi miên về phía cái tủ đựng rất nhiều quần áo đắt tiền Phúc chưa hề sờ tay. Quần áo đàn bà mình không cần tò mò nhưng lúc này những âu lo bức xúc của Phúc hình như có cái gì đó liên quan đến sự phong lưu của cô nàng miền Trung thất nghiệp bị sa thải khỏi một nhà máy bề thế ngoại quốc. Phúc tìm thấy chìa khóa. Mở tủ. Không thấy gì, Phúc tần ngần định khóa lại nhưng rồi lại tò mò: Cái gì đằng sau lớp quần áo sang trọng hàng hiệu mọc trên giá tủ? Hóa ra cánh tủ giáp tường lại có thể mở được, chỉ cần kéo như lớp kính. Phúc kéo cánh cửa phụ và quờ tay vào. Một mớ linh kiện điện tử cái còn trong vỉ cái đã bóc rời và sau những sự lộn xộn này là cái hộp linh kiện điện tử đã mất - cái cớ để lão sếp xỉ vả Phúc sỉ vả Châu, cái cớ để Phúc ra đường, để Phúc đau như cắt hàng tháng nay. Phúc đờ đẫn đóng cửa tủ, để nguyên các thứ trong tủ rồi đờ đẫn ngồi ở giường. Cứ đờ đẫn như thế cho đến gần trưa, Hoàn đẩy cửa vào, mặt tươi rói, tay xách nách mang, nhìn cũng đã thấy là toàn đồ ăn cao cấp. "Gì thế người yêu của em?" - Giọng Bắc chuẩn không có lẫn lộn "lờ nờ" như nhiều người tự xưng Hà Nội gốc. Cô gái miền Trung lâu nay trông thật sành sỏi. Lâu nay Phúc không phát hiện ra do có chút sương khói của sự yêu đương. Cô nàng sà lại ôm vai Phúc rồi thọc lét rồi xoa tóc rồi hôn hít. Phúc để yên một chút rồi đứng bật dậy, chỉ tay vào tủ quần áo: "Xin lỗi tôi có mở tủ, tôi có xem qua, hóa ra tất cả cái sự giàu sang của cô là ở những linh kiện điện tử cô đem ra hàng ngày, nay một chút mai một chút. Cô làm cho nhà máy suốt ngày sống trong sự nghi ngờ, người nọ nhìn người kia, ông sếp ngoại quốc sỉ vả mọi người về thói ăn cắp vặt của người Việt. Cô ơi, đau khổ cho tôi đã tin cô, thậm chí yêu cô...".

Bông hoa dại miền Trung lấy lại tư thế. Mặt lạnh lùng trông đã như chỉnh sửa qua dao kéo: "Thôi đi anh. Chứ lâu nay anh ăn gì mặc gì? Ở đó ra hết. Mà không phải mình tôi ăn cắp vặt, không phải mình tôi làm mất danh dự của đám công nhân. Đứa nào chả ăn cắp?".

- Tôi! - Phúc hét lên - Tôi đây! Tôi không ăn cắp. Cha tôi không tơ hào một chút trong số của cải chuyển vào mặt trận những năm đó. Tôi như cha tôi, tôi không thèm ăn cắp?.

- Thế mới ngu! Ai bảo ngu lại còn tinh tướng.

Cô gái miền Trung giọng Bắc chuẩn chì chiết. Phúc biết thừa là không thể lay chuyển cái khối sắt nguội đã được tôi luyện trong bão lửa kinh tế thị trường. Phúc chuyển giọng van xin.

- Thôi, tôi xin thua, tôi xin lỗi đã nói gay gắt với cô. Tôi chỉ van xin cô một điều. Chỉ một thôi!

- Thì nói đi!

- Cô mang hộp linh kiện vừa mất đó, tôi thấy cô chưa đụng tới do còn phải tiêu thụ cái cũ, cô hãy mang đến nhà máy gặp ông sếp. Cô hãy nói với ông ta cô tìm thấy do một người tới gặp cô, do anh ta áy náy lương tâm. Ông ta sẽ tin cô. Ông ta vẫn quí cô mà. Hãy vì tôi vì Châu, đừng để người ta nghĩ xấu về chúng tôi. Tôi quì xuống đây!

Phúc quì xuống thật. Cô nàng có vẻ bất ngờ nhưng lại buông một câu:

- Đồ hèn, đồ điên, làm trò! Vớ vẩn...

Phúc xuống nhà lấy xe. Phúc phóng xe như vô định như không hiểu mình đang trong tâm thế nào. May mắn là không ai đâm vào Phúc. Người ta tránh xa gã đàn ông ngất nga ngất ngư vừa đi vừa khóc vừa rủa xả gì đó, vừa cười ha ha. Phúc không hề biết rằng mình đang đi về con đường quen thuộc rẽ về xóm lao động, nơi có căn nhà thuê, nơi có Mây, có hai đứa con. Rồi Phúc ngất đi!

Không biết mấy ngày sau Phúc tỉnh dậy. Sờ trên đầu có cái khăn ướt đắp trán. Bên giường là Mây. Mây lấy khăn nhúng nước lau mặt cho chồng. Phúc hỏi:

- Bọn trẻ đâu rồi?.

- Đi học hết rồi!

Mây xinh đẹp nhẫn nại dịu dàng. Mây làm Phúc bình an thấy như vừa vượt thác: "Ngồi gần đây với anh". Lâu lắm rồi Phúc mới xưng anh với Mây. Mây quay đi cố giấu xúc động. Mây bảo có bác sĩ bên kia. Em mời tới, ông ta bảo anh bị sốt do bị kiệt sức, chỉ cần nghỉ ngơi.

- Ừ. Anh sẽ nghỉ ngơi!

- À, hôm qua có ông sếp nước ngoài nào đó gọi vào máy anh. Em nghe ông ấy bảo anh khỏi thì tới nhà máy. Ông ấy cần gặp anh.

Phúc lơ mơ nghĩ có lẽ Hoàn đã đem trả hộp linh kiện. Có lẽ ông sếp muốn xin lỗi. Nhưng có lẽ mình sẽ không trở lại. Không thể trở lại để nghe người ta xin lỗi vì bất cứ sự gì. Linh kiện sẽ còn mất vặt, sẽ không thể chấm dứt cái sự đau đớn ấy, vậy thì thôi. Mình ở nhà với Mây đi xe ôm kiếm tiền. Tạm vậy rồi tính sau

đàn ông công nhân chấm dứt hợp đồng công ty người thứ ba nhà máy kia bão điện thoại kinh doanh gia kinh tế thị trường

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.