Header Ads

Năm Nhâm Thìn: Năm vận hạn của bóng đá Việt Nam

gia từ chức việt nam hợp đồng họp báo tương lai philippines bóng đá bão tiền bồi thường

(GDVN) - Năm Rồng nhưng bóng đá Việt Nam không thể hóa rồng. Ngược lại, đó lại là một năm thất bát của bóng đá Việt trên mọi cấp độ, từ câu lạc bộ tới đội tuyển quốc gia.

1.Sau chức vô địch lịch sử năm 2008, đội tuyển Việt Nam đã trải qua hai kỳ AFF Cup liên tiếp thất bại. Lần trước là năm 2010 khi vòng đấu bảng diễn ra tại Mỹ Đình. Chúng ta đã bất ngờ để thua Philippines 0-2 ngay trên sân nhà và đó là thất bại đầu tiên trước Philippines tại các giải đấu khu vực. Trong phòng họp báo vào buổi sáng ngày hôm sau, huấn luyện viên Henrique Calisto nổi nóng. Ông tới phòng họp báo với bản in bài báo đăng tải trên trang web chính thức của AFF Cup ghi dòng tít "Việt Nam bị sỉ nhục bởi Philippines". Ông chỏ tay vào chữ "humbled" (bị sỉ nhục) và nói với giọng điệu gay gắt: "Đó là bài báo không nghiêm túc trên website chính thức của giải đấu. Tôi không cảm thấy bị sỉ nhục gì cả, tôi rất tự hào về màn trình diễn của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam". Cuối buổi họp báo, HLV Calisto còn kéo tác giả bài báo ra một góc và đôi bên tranh cãi quyết liệt.

Hơn 2 năm trước, HLV Calisto phản ứng về việc báo chí viết đội tuyển Việt Nam bị sỉ nhục.

Đó không phải là lần đầu tiên các phóng viên chứng kiến "thầy Tô" nổi giận. Nghiêm khắc và nóng nảy là bản tính của nhà cầm quân người Bồ, giống như triết lý bóng đá "fighting" ông truyền thụ cho các học trò và làm thay đổi bộ mặt của đội tuyển. Việt Nam năm 2010 đã thua trước một đội bóng Philippines với 80% cầu thủ nhập tịch mà hai trong số ấy, Greatwich và Younghusband đã ghi bàn vào lưới Dương Hồng Sơn. "Thầy Tô" không đề cao cách làm bóng đá kiểu "cố thắng một vài trận cho đỡ ghiền" ấy. Ông nói: "Ở Đông Nam Á hiện nay, bóng đá phát triển theo hai cách, một là nỗ lực tập luyện, hai là nhập tịch. Nhập tịch cầu thủ ngoại có điểm lợi là cải thiện được tâm lý thi đấu, khả năng chuyên môn nhưng về lâu dài không phải là chiến lược tích cực". Thất bại tại AFF Cup 2010 được xem như tai nạn và người hâm mộ đồng cảm với "thầy Tô" cũng như các tuyển thủ.

2. Hai năm sau trận thua lịch sử ở Mỹ Đình, HLV Calisto đã ra đi, đội tuyển Việt Nam trở về dùng thầy nội còn Philippines tiếp tục chính sách nhập tịch, thậm chí còn dữ dội và quyết liệt hơn khi sử dụng cả Demitrius Omphroy, sản phẩm của lò đào tạo trứ danh Sporting Lisbon, nơi sản sinh ra các danh thủ Figo, Ronaldo hay Nani... Hai đội gặp lại nhau tại AFF Cup 2012 ở Bangkok, và Việt Nam tiếp tục thất bại. Cách chúng ta để thua cũng tựa như hai năm về trước, cầm nhiều bóng nhưng chỉ lờn vờn ở vòng ngoài và không tổ chức được pha tấn công nào ra hồn khi bị hàng thủ Philippines chia tách và bóp nghẹt mọi pha lên bóng. Nếu nói đội tuyển Việt Nam dưới thời "tướng Hùng" chơi bóng theo kiểu tiqui-taca với rất nhiều những đường chuyền nhỏ thì đó là một thứ "tiqui-taca rởm" khi hầu hết những pha đập nhả đều không tạo ra khoảng trống trước khi nhận đòn đánh chí mạng: bàn thắng muộn của Caligdong.

Đội tuyển Việt Nam gây thất vọng.

Đá 3 trận, thua 2 và được 1 điểm, đội tuyển Việt Nam xách vali về nước trong sự tủi hổ. Người hâm mộ chờ đợi một cách nhận trách nhiệm thuyết phục hơn là nhận lỗi và rút kinh nghiệm từ VFF nhưng chỉ có HLV Phan Thanh Hùng từ chức. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ "nhận khuyết điểm" vì để ông Hùng kiêm nhiệm. Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng nhấn mạnh VFF "sai lầm", chứ không phải "sai sót" khi để công việc HLV trưởng ĐTQG trở thành việc làm part-time. "Khuyết điểm" hay "sai lầm" thì cũng chỉ là những hình thức diễn đạt khác nhau của một nội dung: ở VFF, sẽ không có người từ chức. Trong cuộc họp báo mổ xẻ thất bại, trước câu hỏi của phóng viên "HLV Phan Thanh Hùng đã từ chức, còn VFF có gì cụ thể không?", ông Dũng đã thẳng thừng "muốn có người từ chức chứ gì?", cả hội trường im lặng chờ đợi nhưng câu trả lời của ông Dũng cho câu hỏi của chính mình lại gây thất vọng: "Không có gì cả!".

Khi HLV Calisto chỉ tay vào dòng chữ "Vietnam humbled" (tuyển Việt Nam bị sỉ nhục) với gương mặt nghiêm nghị, cái nhìn đanh thép và gằn giọng, ông vừa muốn phê phán tác giả bài báo "không nghiêm túc", vừa muốn chuyển một thông điệp tới các cầu thủ và những nhà quản lý: Đội tuyển Việt Nam có thể thua một trận đấu nhưng đừng biến nó thành nỗi hổ thẹn.

Một ông thầy ngoại còn biết bảo vệ danh dự cho bóng đá Việt Nam. Đó là người đã dám phản ứng quyết liệt trước báo giới dù hành động ấy sẽ tự làm xấu hình ảnh của mình và sẽ khó khăn hơn để tìm kiếm được công việc mới ở Đông Nam Á. Đó là người dám bỏ tiền bồi thường hợp đồng để từ chức vì VFF không bảo vệ các cầu thủ, đặc biệt là những người trẻ. Giống như vậy, HLV Phan Thanh Hùng cũng dám từ chức vì lòng tự trọng. Nhưng tiếc là có quá ít những người dám đứng ra nhận trách nhiệm bằng một hành động thiết thực và nó chẳng thể giải quyết được tận cùng của vấn đề, đó là một hệ thống quản lý điều hành yếu kém, trì trệ và chậm tiến.

Thất bại cay đắng tại AFF Cup 2012 là một nỗi buồn lớn với bóng đá Việt Nam, nhưng càng buồn hơn khi nhận ra tương lai thì vẫn thế. Không có gì đảm bảo bóng đá Việt Nam sẽ không gây thất vọng ở SEA Games 2013 hay AFF Cup 2014. Đã có ý kiến cho rằng nên giải tán đội tuyển để tránh lãng phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm mà không hiệu quả. Người hâm mộ tuyệt vọng không phải bởi hoàn cảnh hiện tại mà bởi tương lai vẫn tối sầm.

3. Sau thất bại cay đắng tại AFF Cup và sau cuộc khủng hoảng kinh tế cản trở việc kinh doanh của các ông bầu, bóng đá Việt đã rơi vào một thời kỳ mới: thời mất giá. Nó đối nghịch với thời điểm 4 năm về trước sau chiến thắng lịch sử ở Mỹ Đình: thời loạn giá. Sau AFF Cup 2008, hàng loạt trụ cột của đội tuyển Việt Nam được ký những hợp đồng siêu "khủng". Công Vinh gia nhập Hà Nội T&T với giá kỷ lục 8 tỷ. Như Thành nhanh chóng phá kỷ lục ấy với 8,5 tỷ khi cập bến Ninh Bình. Việt Thắng ký 8 tỷ với Ninh Bình và một năm sau có giá 9 tỷ khi rời cố đô để thi đấu cho Bình Dương. Vũ Phong nhận "lót tay" 7 tỷ. Dương Hồng Sơn giá 5 tỷ. Quang Thanh "suýt" cập bến Sài Gòn FC với 10 tỷ. Công Vinh xác lập kỷ lục mới 13 tỷ khi rời bầu Hiển về với bầu Kiên...

Nỗi buồn của người hâm mộ Việt.

Hiện tại là một bức tranh hoàn toàn khác. Công Vinh gần như không còn khả năng tìm việc ở V-League bởi điều khoản phá hợp đồng với CLB Hà Nội lên đến 18 tỷ, bởi phong độ phập phù sau hàng loạt chấn thương và bởi thương hiệu Công Vinh đã không còn "hot". Với nguy cơ thất nghiệp, Công Vinh đã tính chuyện đi học đại học hoặc ra nước ngoài thi đấu. Một đội bóng Indonesia mới đây đã xác nhận có liên hệ với cầu thủ 3 lần giành Quả Bóng Vàng Việt Nam.

Thành Lương nằm trong số những cầu thủ hay nhất Việt Nam lúc này cũng chưa chắc đã tìm được bến đỗ trong mùa giải mới dù đã chọn Hà Nội T&T và đội bóng của bầu Hiển cũng muốn có anh. Mức phí 5 tỷ phá hợp đồng của Lương "dị" tưởng quá bèo nhưng lại quá đắt trong bối cảnh hiện tại. Trọng Hoàng thì tự đóng kín tương lai của mình khi hét giá 9 tỷ cho 3 năm hợp đồng với SLNA.

Một trong những nguyên nhân khiến các tuyển thủ Việt Nam chơi thất vọng tại AFF Cup là bởi hơn một nửa trong số họ không tập trung với nỗi lo mất việc khi trở về CLB. Nhưng Italia trong bóng đen khủng hoảng Calciopoli vẫn vô địch World Cup 2006 bởi các cầu thủ cùng nhau gạt sang một bên những ám ảnh đang chờ đợi và chiến đấu như không có gì để mất. Họ hiểu rằng chức vô địch thế giới là cách tốt nhất để cứu mình. Với đội tuyển Việt Nam, mọi thứ sẽ sáng sủa hơn rất nhiều nếu đăng quang ở AFF Cup 2012 nhưng các cầu thủ đã chọn cách từ bỏ.

Ước tính có hơn 300 cầu thủ Việt hiện thất nghiệp với đầy rẫy những chuyện bi hài, người chuyển nghề sang bán hàng đa cấp, kẻ đi bánh cuốn, người khác xỏ giày đá phủi kiếm tiền nuôi gia đình...

Navibank Sài Gòn và hai đội bóng của bầu Kiên giải thể, Khatoco Khánh Hòa cũng bị "hóa kiếp" khi chuyển giao cho Hải Phòng. Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu... bỏ giải hạng Nhất. Mùa giải 2013 sẽ chỉ có 12 đội tranh tài tại V-League và 8 đội đá hạng Nhất. Để bổ sung quân số cho hai giải đấu và cũng để "trấn an tinh thần" trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế và nhiều CLB bỏ giải, VFF sẽ "nâng cấp" 5 đội hạng Nhì thăng hạng vào năm 2014, một cách "nghiệp dư hóa" các giải đấu chuyên nghiệp.

Bầu Kiên từng hứa hẹn kiếm 100 tỷ mỗi năm nhờ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam nhưng đó chỉ là một mơ ước viển vông. Nghe đâu VPF vẫn chưa đòi được hết tiền nợ quảng cáo mùa giải trước.

Năm Nhâm Thìn nhưng không thể hóa rồng, ngược lại, đó lại là năm vận hạn của bóng đá Việt Nam.

gia bóng đá philippines việt nam từ chức hợp đồng tương lai tiền bồi thường họp báo bão

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.