Những tín hiệu mùa
mông
Người ta nói rằng ở Tây bắc, một ngày có bốn mùa bởi vì có bốn thời khắc mà sự cách biệt về thời tiết và cảnh vật hiện ra rất rõ ràng. Buổi sáng, khi nắng lên dần trong sương mờ còn giăng giăng se lạnh, là mùa xuân.
Người ta nói rằng ở Tây bắc, một ngày có bốn mùa bởi vì có bốn thời khắc mà sự cách biệt về thời tiết và cảnh vật hiện ra rất rõ ràng. Buổi sáng, khi nắng lên dần trong sương mờ còn giăng giăng se lạnh, là mùa xuân.
CôngThương - Buổi trưa, mặt trời rực rỡ, nắng sáng ấm áp, cởi trần chạy chơi khắp núi khắp rừng mồ hôi nhễ nhại, là mùa hạ. Buổi chiều trời trong xanh, nắng vàng trong như hổ phách rọi chiếu trong dịu dàng hơi núi, là mùa thu. Còn nửa đêm, dù ngay giữa mùa hạ, cũng phải cuộn mình trong chăn mỏng mới đủ ấm mà ngủ say giấc, là mùa đông. Đấy là sau này lớn lên nghe phân tích, mới thấy rõ như vậy chứ tuổi thơ mình hồn nhiên như hòa vào cây, vào rừng, vào suối, vào thác thì đâu đã biết phân tích ra là như thế.
Ngày ấy, mỗi mùa trong một năm gắn liền với một vài tín hiệu gây nên những thích thú và khoái chí của tuổi thơ, chẳng hạn như:
Ve sầu non và búp ổi non
Mùa hạ bắt đầu đến khi những tiếng ve đơn lẻ, rồi sẽ thành một đại dàn nhạc ra rả suốt ngày đêm trên những tầng cây. Đám trẻ ở các bản Tây Bắc chúng tôi hồi xưa có một món ăn rất "man rợ". Đó là ăn ve sầu. Tất nhiên là bây giờ nghĩ lại thì thấy thế thôi, chứ ngày đó thì là một thú vui ghê lắm. Đang ngồi trong lớp học bên rừng, bỗng nghểnh tai lên vì một vài tiếng ve rụt rè đâu đó. Sau buổi học, tót ra khỏi lớp là nghiêng ngó dưới những gốc cây rừng, thấy một vài cái vỏ ve lột thì nhớ lấy. Ban đêm soi đuốc đến, tìm những con ve vừa từ dưới đất bò lên, vừa bò vừa lột. Có thằng táo tợn thì quấn ve sống đang ngọ ngoậy với búp ổi non cho vào mồm ăn ngon lành. Nếu chưa quen thì nướng con ve qua trên lửa rồi mới ăn. Cũng lạ là nhai một lúc thì thấy nó cũng bùi và... ngon. Sau đêm ăn ve với búp ổi non thì chả mấy chốc nữa là mùa hè thực sự về. Mùa của các loại quả cây có thể hái trộm trong vườn, mùa của vô vàn loại quả cây rừng trên núi cao. Mùa của tắm suối, vợt rêu đá về đồ trong chõ xôi và lặn xuống dưới đáy suối bắt cá trong những hốc đá suốt những ngày dài và đêm ngắn...
Cơn lũ cuối cùng và mùi cơm lam
Mùa hè ở Tây Bắc thường kết thúc bằng một vài cơn lũ rừng thật lớn. Ngày xưa lũ cũng lớn lắm nhưng không gây thiệt hại dữ dội như bây giờ. Chẳng hiểu sao như thế? Lũ tràn về sùng sục trên mặt suối Nậm La mênh mông. Những cây gỗ to trôi băng băng. Chúng tôi thường phải vào rừng hái củi, gánh những gánh nặng rụt cổ lên dốc, xuống dốc mãi mới về tới nhà thì đây là dịp an nhàn nhất, cứ lựa theo dòng nước lũ mà bơi ra dìu dần những cây gỗ to ấy vào bờ, ghếch lên bờ, lũ rút là tha hồ bổ ra thành củi mang về. Sau một, hai cơn lũ lớn cuối mùa, nước suối hiền hòa. Khi những váng lũ trên thân cây, trên đá khô đi là trăng đã vào mùa, sáng trong xa rộng như đẩy cái mùi thơm cơm lam mới đốt đêm ăn chơi của nam, nữ tụ tập đầu bản đi thật xa. Và những thằng con trai phổng phao mới lớn đã bắt đầu ti toe bàn chuyện đi chọc sàn tán gái. Bài học đầu tiên là ép mình nín thở xem các anh chọc sàn trước rồi rủ các chị đi ra rừng tán tỉnh nhau ra sao...
Sương muối
Đấy là tín hiệu báo mùa đông đã hoàn toàn chiếm lĩnh. Buổi tối chỉ có ngồi bên bếp lửa là ấm, còn nhào ra ngoài xa một chút là đã thấy lạnh tê người rồi. Có đứa nào chịu khó mặc thật ấm xuống dưới chân sàn mang lên gốc sắn (củ mì) vừa nhổ ở nương lúc chiều, gọt vỏ trắng tinh, bọc vào mảnh lá chuối nướng trên than cho khô rồi bỏ lá chuối nướng cho chín vàng thơm ngào ngạt, ăn trong đêm đông chí ấy thì không gì thú bằng. Bà bảo thế nào đêm nay cũng có sương muối. Sáng ra, trên mái gianh nhà sàn, ở đám cỏ già nơi bờ ruộng thường có những lớp bột trắng mỏng như muối đọng lại trên ruộng chạt làng muối. Đấy chính là sương muối. Chạy lại chỗ các ống nước để đầu sàn nhà, thọc tay vào gặp ngay một lớp băng mỏng nổi bên trên, ràn rạn dưới tay và buốt đến thót người. Đến lớp học, trên đường đi được mẹ chuẩn bị cho cái lon sữa bò có dây thép làm quai, thả vào đó đầy những cục than củi gỗ ban, để thêm ấm dọc đường. Sau một, hai đêm sương muối, cây cối có thể sẽ bị táp y như bị đại hạn. Phải chặt ngay những cây mía trong vườn ăn vội ngọt sắc, chứ để một tuần sau, nó đã chua thoảng mùi bỗng rượu.
Bắt cá trong chặng
Con suối Nậm La im lìm suốt mùa đông. Nước trong veo và buổi sáng thường thấy nước bốc hơi lên như đang bị ai nấu. Lạ là trời có lạnh đến mấy thì xuống bến nhúng tay xuống nước, vẫn thấy nó như ấm hơn thật.
Người Thái có một cách bắt cá mùa đông rất hay: Tại những đoạn suối sâu nước lững lờ chảy, người ta xếp đá, chặt cây thả xuống thành đống lớn dưới đáy cho cá vào trốn rét gọi là chặng cá. Khi thấy người ta đốt đống lửa lớn trên bờ, rồi quây đống cây, đá dưới suối bằng những tấm mành đan bằng tre rộng xung quanh. Lần lượt những cây đá được vớt lên ném ra ngoài chặng và tấm mành được thu hẹp dần. Những con cá béo hú được ném từ chặng lên cho người ở trên bờ bắt lấy quẫy đạp trên nền đất khô. Trên đống lửa lớn đã có vài con được xiên qua cành tre tươi nướng trên than, mùi thơm bay điếc mũi. Thế có nghĩa là sắp đến Tết rồi đấy. Những con cá ngon nhất sẽ được thả vào đâu đó đợi Tết về làm món cá nhồi rau thơm nướng pa pỉnh tộp trứ danh của miền Tây Bắc.
Tiếng trống hội xuân sắp dập dồn khi hoa đào, hoa mận đã ủ nụ căng trong vườn nhà. Lại tha hồ mà ném còn, chơi mắc lẹ, súng xính quần áo mới. Cho đến khi những đám hoa ban trắng bùng lên như những đám lửa trắng trên những sườn núi cao là đang giữa mùa xuân đấy. Khi những đám lửa này nhạt dần, nhạt dần rồi biến mất trong màu xanh sung mãn của núi, của rừng là bắt đầu vắt sang mùa hạ để tiếp nối một vòng quay mới của thời gian...
mông
Post a Comment