Phạm Duy: Người yêu đất nước mình
việt nam bão âm nhạc
Hồi còn học ở trường Thiếu nhi Việt Nam sơ tán sang Quế Lâm Trung quốc, chúng tôi học giảng văn theo giáo trình do thầy cô người Việt Nam biên soạn. Đó là những áng văn thơ sáng tác trong kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Quang Dũng... mà cho đến nay vẫn còn rung động trái tim tôi mỗi khi nhắc đến. Chúng đã thấm vào máu vào thịt để rồi lắng lại như một chất keo gắn bó chúng tôi với số phận của đất nước.
Dĩ nhiên chất keo đó còn được tạo nên từ nhiều ca khúc kháng chiến, đầu tiên là những ca khúc của Phạm Duy. Những ca khúc đó đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu quê hương, đất nước, nơi có những bà mẹ Gio Linh, những cô thôn nữ nghèo và những người thương binh trong ngày trở về... Người nhạc sĩ nổi tiếng kiêu bạc này có lúc lại hồn nhiên như một đứa trẻ. Lần đầu tiên tôi gặp ông là tại giảng đường Đại học Paris 7 khi ông sang đó cùng con trai Duy Cường trình bày bản Kiều ca ông mới sáng tác một vài chương đầu. Ấn tượng của bản nhạc đối với tôi không mạnh mẽ bằng việc được nhìn thấy ông bằng xương bằng thịt ngay trước mắt mình. Phải nói ông có vẻ đẹp của một ông già phong độ đầy sự quyến rũ và lãng mạn. Sau phần giới thiệu âm nhạc, cha con ông thu xếp máy móc, đồ nghề như một gánh hát rong hoàn thành xong phần trình diễn. Rồi rất tự nhiên ông yêu cầu mọi người mua giúp vài đĩa CD Kiều ca ông vừa giới thiệu. Ông bày luôn chồng đĩa trên mặt bàn rồi ngả chiếc mũ phớt ra để bên cạnh. Hầu như tất cả cử tọa hôm ấy ai cũng hưởng ứng. Cái mũ phớt của ông đầy ắp tiền. Tôi thấy ông hào hứng ra mặt như một đứa trẻ nhận tiền lì xì ngày Tết. Tôi biết những năm tháng ly hương nơi đất khách quê người đời sống của ông không dễ dàng gì. Nhưng ở đâu và lúc nào ông cũng rất ga lăng, ăn mặc đúng mốt. Cái hồn nhiên ở con người ông làm tôi lại thấy gần ông hơn bởi tôi hiểu ra rằng: ông cũng là người trần mắt thịt, chỉ khác là có tài, có quá nhiều tài. Do đó âm nhạc của ông tuy cao sang nhưng lại không xa lạ và bình dị như hơi thở. Một lần trở lại Paris, chị Thụy Khuê làm ở một đài phát thanh cho biết nhạc sĩ Phạm Duy có nhờ chị tìm cuộn băng video phim Bao giờ cho đến tháng 10 của tôi. Hồi đó chưa có đĩa DVD và trong tay tôi lúc đó cũng không có băng video nào. Mãi sau này khi ông về nước tôi mới có dịp gửi tặng ông đĩa DVD bộ phim đó. Tôi biết ông ấp ủ ý định trở về Việt Nam sinh sống từ lâu. Thoạt đầu ông trở về với tư cách Việt kiều về thăm quê. Sau vài lần về như vậy ông có ý định về sống hẳn ở quê hương. Câu chuyện trở về của ông đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Tôi cũng có một kỷ niệm nho nhỏ với ông liên quan đến sự kiện này. Lần ấy tôi được mời sang Mỹ giới thiệu phim của mình tại một số trường đại học. Một hôm, một anh bạn Việt kiều nói với tôi hôm nay là sinh nhật của nhạc sĩ Phạm Duy, anh có muốn gọi điện chúc mừng không? Vậy là từ San Fransisco tôi đã được nói chuyện với ông ở Los Angeles. Ông than phiền rằng đã gửi đơn xin về Việt Nam lâu rồi mà không có hồi âm. Ông buồn lắm. Tôi hỏi ông gửi đi đâu? Ông bảo gửi cho Bộ Công An. Tôi cắt nghĩa cho ông rằng họ không hồi âm là phải vì đó không phải là trách nhiệm của họ. Ông phải gửi về Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, tại 32 Bà Triệu, Hà Nội và gửi đúng tên ông Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm của Ủy ban. Sau đó, trở về Việt Nam tôi gặp ông Bình, thuật lại câu chuyện trên. Ông Bình cười nói: "Anh bảo ông gửi về chỗ tôi là đúng địa chỉ". Không lâu sau đọc báo tôi biết tin Nhạc sĩ Phạm Duy đã ra Hà Nội để chính thức nhận lại quốc tịch Việt Nam. Từ khi ông về nước, sống tại TP.HCM, tôi có cơ hội gặp ông nhiều hơn. Lần gặp ông ở Huế trong dịp Festival năm 2006 là tôi nhớ mãi. Dịp ấy tôi được mời làm thành viên Ban chỉ đạo nghệ thuật của Festival. Chương trình đêm khai mạc đã hoàn tất, các tiết mục đã được lãnh đạo tỉnh duyệt lần cuối. Tôi vui mừng vô cùng vì trong chương trình có ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Ánh Tuyết biểu diễn. Tôi nghĩ đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt ghi dấu sự trở về của ông. Ông được ban tổ chức Festival mời dự đêm khai mạc như một khách mời đặc biệt. Ông được bố trí ở tại khách sạn Pilgrimage Village ngay cạnh phòng tôi. Tôi thấy ông rất vui và tôi cũng vui không kém. Còn gì vui hơn khi một ca khúc đã theo tôi suốt từ thời thơ ấu nay lại được cất lên tại một thành phố quê hương. Nhưng bỗng nhiên chiều trước đêm khai mạc, ban tổ chức cho biết 2 ca khúc Con đường cái quan và Tình ca sẽ không có trong chương trình. Hỏi những người có trách nhiệm thì chỉ biết đó là do phản ứng gay gắt của một số người. Tôi đi tìm nhạc sĩ Phạm Duy, định sẽ nói vài lời an ủi. Tuy nhiên, ông không còn ở phòng bên nữa. Anh Hoa, trưởng ban tổ chức Festival, cho biết ông đã khóc khi nghe tin này và rời Huế ngay chiều hôm đó. Đêm khai mạc Festival tôi không còn lòng dạ nào mà thưởng thức. Tôi hình dung hình ảnh người nhạc sĩ già tóc bạc trắng đang ngồi trên máy bay rời Huế mà lòng thấy quặn đau. Bây giờ bất cứ chương trình nào của nhạc sĩ Phạm Duy cũng đều không thể thiếu bài Tình ca. Lần gần đây nhất nghe ca khúc này trong chương trình Điều còn mãi tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 2.9.2012 do ca sĩ Nguyên Thảo hát mà nước mắt tôi cứ trào ra. Một hôm tôi nhận được một cú điện thoại từ TP.HCM của chị Phan Thị Lệ. Chị cho biết Công ty Văn hóa Phương Nam của chị đang soạn thảo hợp đồng mua bản quyền toàn bộ các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy kể cả bản quyền làm phim về cuộc đời của ông. Chị cho biết Nhạc sĩ yêu cầu ghi rõ trong hợp đồng tên người làm bộ phim đó là tôi. Tôi cảm động vô cùng trước sự tin cậy của ông nhưng lúc này đây, khi ông đã đi xa thì đó lại là niềm ân hận vô cùng. Tôi chưa thực hiện được bộ phim đó và bây giờ thì không còn cơ hội nào nữa. Nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho đời một gia tài vô giá. Một ngàn ca khúc của ông, mỗi bài một vẻ, nhưng để lại ấn tượng nhất cho tôi là một bài hát tôi chưa bao giờ được xem biểu diễn trên sân khấu mà chỉ được xem trên You Tube. Đó là ca khúc Việt Nam Việt Nam được phối khí cho dàn nhạc giao hưởng: ... Việt Nam đem vào sông núi Tự do công bình bác ái muôn đời Việt Nam không đòi xương máu Việt Nam kêu gọi thương nhau Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu Việt Nam trên đường tương lai, Lửa thiêng soi toàn thế giới Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời Tình yêu đây là khí giới, Tình thương đem về muôn nơi Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người... Phải chăng đó chính là khát vọng của tất cả chúng ta và nhạc sĩ Phạm Duy đã nói lên một cách tha thiết bằng âm nhạc? Xin cám ơn ông! |
âm nhạc việt nam bão
Post a Comment