Sân thơ trẻ trở thành "điểm nóng"
việt nam nghệ thuật văn hoá tình yêu
QĐND - Đến hẹn lại lên, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI năm 2013 mang chủ đề "Tuổi trẻ với Tổ quốc" được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào ngày 24-2 (tức Rằm tháng Giêng). Ngày thơ Việt Nam năm nay tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các ngành, các địa phương và đặc biệt là người dân trên cả nước. Đáp lại sự kỳ vọng của những người yêu thơ, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI cũng đã nỗ lực sáng tạo làm mới chương trình để Ngày thơ Việt Nam năm nay thực sự là ngày hội tôn vinh thơ ca và thể hiện sự tin yêu thế hệ trẻ.
Nhiều điểm mới
Điều làm đau đầu Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm nay là làm sao nghĩ ra những hoạt động mới, bởi sau 10 lần tổ chức các "chiêu trò" đã quá quen thuộc với người xem. Từ kinh nghiệm thu được qua các lần tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam đã sớm lập kế hoạch tổng thể, phân công từng mảng công việc cho các thành viên Ban tổ chức nên công tác chuẩn bị đã hoàn thành sớm trước khi các hoạt động diễn ra.
Tiết mục ca, múa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. |
Sự đặc biệt của Ngày thơ Việt Nam năm nay là ngoài hoạt động chính tập trung vào ngày Rằm tháng Giêng như mọi năm, còn có hoạt động bên lề bắt đầu từ tối 13 tháng Giêng, đó là cuộc thi thơ và văn nghệ của 8 trường đại học phía Bắc. Chứng kiến việc chuẩn bị, tập luyện của các trường đại học trước khi cuộc thi bắt đầu, có thể thấy đội văn nghệ các trường đều cố gắng thể hiện sức trẻ, tình yêu thơ ca và bản sắc ngôi trường qua các tiết mục để giành kết quả cao nhất chứ không chỉ góp mặt kiểu "đánh trống ghi tên". Ngoài những trường đại học nghệ thuật có thế mạnh là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, những trường đại học khác như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng không hề kém cạnh khi huy động các hạt nhân văn nghệ toàn trường tham dự với hàng loạt tiết mục đặc sắc. Nhà thơ Đỗ Trung Lai-thành viên Ban giám khảo nhận xét: Tình yêu với thơ ca của các bạn trẻ là vô biên. Các tiết mục được dàn dựng công phu nhưng đương nhiên các trường đại học nghệ thuật nhỉnh hơn đôi chút. Những tiết mục phù hợp sẽ được Ban giám khảo lựa chọn để trình diễn vào ngày Rằm tháng Giêng.
Các khán giả được xem các phần thi của các trường đại học đều có chung cảm giác thích thú và thừa nhận đây là hoạt động sáng tạo của Hội Nhà văn Việt Nam mang lại màu sắc mới mẻ cho Ngày thơ Việt Nam năm nay. Tuy nhiên, hơi đáng tiếc là số lượng các trường tham dự chưa đông và chưa đầy đủ các vùng miền.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI còn đáng chú ý khi xuất hiện một đám rước thơ hoành tráng gồm 120 người do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện với rừng lọng xanh, cờ thơ trên nền âm nhạc dân tộc. Ngày thơ Việt Nam năm nay còn trưng bày phiên bản lớn bản đồ cổ về chủ quyền biển, đảo và dự kiến sẽ có hàng nghìn phiên bản bản đồ cổ với kích thước nhỏ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu sưu tầm của người yêu thơ và du khách tham dự. Ngoài ra, Ngày thơ Việt Nam năm nay còn có triển lãm nhân 70 năm Hội Văn hóa cứu quốc ra đời, chọn lựa những hình ảnh, hiện vật, tác phẩm, tượng chân dung của 19 nhà văn trong thời kỳ này. Sân Thái Miếu sẽ là nơi diễn ra lễ hội thơ và thả những câu thơ hay lên bầu trời. Các câu lạc bộ thơ gồm 19 gian hàng thơ dự kiến sẽ xuất hiện ở Hồ Giám với chủ đề "Vườn thơ đất nước".
Tin yêu thế hệ trẻ
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ có hai sân thơ là sân thơ chính dành cho các nhà thơ thành danh từ sau năm 1975 và sân thơ trẻ với sự góp mặt của số đông các nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 8X.
Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý-tham gia điều hành sân thơ chính cho biết: Sân thơ chính sẽ là nơi các nhà thơ tên tuổi như: Anh Ngọc, Hải Đường, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Việt Chiến, Hữu Việt, Đoàn Mạnh Phương, Hoàng Trần Cương... tự đọc các bài thơ của mình về Tổ quốc, về biển đảo và một số bài thơ để chúc phúc, cầu cho quốc thái dân an.
Sau một số lần tổ chức gần đây chưa gây được nhiều tiếng vang, sân thơ trẻ được kỳ vọng sẽ trở lại ấn tượng, đặc biệt khi chủ đề Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI là "Tuổi trẻ với Tổ quốc". Điểm nhấn của sân thơ trẻ là nhóm "Link hương cửu kiếm" bao gồm 9 nhà thơ trẻ trên các vùng miền trong toàn quốc sẽ trình diễn chung với các tiết mục của sinh viên các trường đại học.
Tiết mục mở màn ở sân thơ trẻ sẽ hâm nóng sân khấu qua nền nhạc rock Việt "Bay qua Biển Đông" của nhóm nhạc đình đám M4U. Sau đó, "Link hương cửu kiếm" gồm chín nhà thơ gây được sự chú ý trong những năm qua gồm: Vũ Thiên Kiều (đại diện khối dân vận) đến từ Kiên Giang; Nguyễn Minh Cường (Quân đội) đến từ Bắc Ninh; Bình Nguyên Trang (Công an) đến từ Hà Nội; Miên Di (Dân tộc thiểu số) đến từ Tây Nguyên; Du Nguyên (Thanh niên) đến từ Nghệ An; Nguyễn Anh Vũ (Nghệ sĩ) đến từ Hà Nội; Lữ Thị Mai (Phụ nữ) đến từ Thanh Hóa. Riêng nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (khối Nhân dân) và dịch giả Thụy Anh (khối Nước ngoài) kiêm giữ cả vai trò người dẫn chương trình. Các nhà thơ sẽ cùng với nhau trình diễn, kết nối hương thơm của thi ca (link hương) trong hai tổ khúc "Tổ quốc" và "Tình yêu".
Việc lấy chủ đề Tuổi trẻ với Tổ quốc, sân thơ trẻ trở thành "điểm nóng", đưa sức trẻ đi đầu làm chủ thể để phô diễn ngôn ngữ về đất nước, mùa xuân, tình yêu bằng những bài thơ độc đáo, ẩn chứa nhiều thông điệp thời cuộc, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc. Ngay từ cuộc thi thơ và văn nghệ của 8 trường đại học, người nghe đã xúc động trước bài thơ lấy cảm hứng từ tình yêu đất nước như bài "Về quê" của nhà thơ trẻ Lê Xuân Hiệp (sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) viết về Bộ đội Hải quân đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo lên trên hết: "Anh trai đang ở ngoài đảo xa/ Trái bàng vuông anh gửi về năm trước/ Giỗ mạ năm nay liệu anh kịp viếng thăm...".
Có thể nói, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI không chỉ thể hiện kết tình yêu Tổ quốc, sự kết tinh tài năng thơ ca của các nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ mà còn là những nghĩ suy về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG
nghệ thuật việt nam tình yêu văn hoá
Post a Comment