Header Ads

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt

việt nam nhà nước thế giới an toàn giảm thiểu rủi ro người dân thị trường khó khăn quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả tài chính kinh tế thế giới thách thức giải pháp tăng trưởng doanh nghiệp hàng hóa nền kinh tế chính sách ngân hàng ổn định tái cấu trúc kinh tế gia linh hoạt nhu cầu bão

QĐND -Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 mang khá đậm dấu ấn chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2013, trước những thời cơ và thách thức mới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn kiên trì chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để phát huy những thành quả đạt được và chung tay cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2013 là tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong ảnh là hoạt động của Ngân hàng BIDV. Ảnh Kiều Linh

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả

Trong bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, bất ổn, nội tại của kinh tế trong nước còn một số vấn đề hạn chế, nhưng với quyết tâm chính trị của Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh tế vĩ mô có bước chuyển theo hướng ổn định hơn. Lạm phát đã được kiềm chế. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực. Dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng ở mức cao; khu vực dịch vụ phát triển khá, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng...

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 nêu trên mang khá đậm dấu ấn của ngành Ngân hàng. Dư luận đánh giá cao những nỗ lực điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua các nhóm giải pháp chủ yếu trong năm, như: Điều hành linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các kênh đưa tiền ra và thu tiền về để điều hành cung ứng tiền phù hợp với mục tiêu đề ra; giảm mạnh, liên tục lãi suất; đặc biệt là việc bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Từ đầu năm 2012, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo 4 nhóm tổ chức tín dụng, tiếp tục loại bỏ một số nhu cầu vay vốn ra khỏi phạm vi kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích. Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn, dòng tiền ách tắc do chưa tiêu thụ được hàng hóa, hàng tồn kho tăng cao, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ. Đây là các giải pháp hết sức thiết thực của ngành Ngân hàng nhằm chia sẻ khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt trong năm 2012 đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản cho toàn hệ thống và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, ổn định giá trị đồng Việt Nam.

Đối mặt với những thách thức mới

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong năm 2012, nền kinh tế cũng đã phải chấp nhận sự đánh đổi. Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức khoảng 5,2%, tiêu thụ hàng hóa khó khăn khiến hàng tồn kho tăng cao, tình trạng doanh nghiệp khó khăn và phá sản gia tăng. Hàng tồn kho và nợ xấu ngân hàng được ví như "cục máu đông" cản trở sự lưu thông vốn trong nền kinh tế. Trong khi đó, năm 2013 cũng vẫn còn tồn tại những rủi ro đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN, đó là giá hàng hóa thế giới biến động phức tạp, yếu tố tâm lý trong lạm phát kỳ vọng hiện chưa được neo bền vững... Điều này đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2013 là làm thế nào để cân bằng giữa giữ ổn định lạm phát và tiếp tục hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những rủi ro, yếu kém tiềm ẩn của nền kinh tế, cũng nổi lên những điểm thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ. Thứ nhất, giá hàng hóa thế giới như năng lượng, lương thực biến động khó lường. Mặc dù sức cầu thế giới được dự báo vẫn chưa thể hồi phục nhưng bất ổn chính trị tại Trung Đông và sự yếu đi của đồng Đô-la Mỹ là những yếu tố có thể gây rủi ro tăng giá năng lượng, kéo theo sự tăng giá của những mặt hàng khác. Thứ hai, yếu tố tâm lý trong lạm phát kỳ vọng hiện chưa được neo bền vững. Một khi lạm phát kỳ vọng gia tăng trở lại do bất kỳ nguyên nhân gì, nó cũng sẽ gây nguy hiểm cho NHNN trong việc kiềm chế lạm phát. Thứ ba, áp lực vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng trong việc đẩy mạnh hơn nữa cung ứng vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất trắc, tuy nhiên trọng trách này không đơn giản bởi tình trạng hàng tồn kho vẫn tiếp diễn và nợ xấu ngân hàng còn diễn biến phức tạp. Thứ tư, giai đoạn một về củng cố thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng về cơ bản đã hoàn thành nhưng căn bệnh này để giải quyết dứt điểm sẽ vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước.

Thực hiện sứ mệnh kép

Nhận thức được những rủi ro, thách thức chính sách nêu trên, năm 2013 và những năm tới, ngành Ngân hàng phải làm sao để thực hiện tốt sứ mệnh kép: Vừa góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định, tập trung kiềm chế lạm phát, vừa tiếp tục triển khai tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng một cách an toàn, không gây xáo trộn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Để thực hiện được sứ mệnh đó, NHNN sẽ vẫn kiên trì chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để phát huy những thành quả đạt được trong năm 2012 và chung tay cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện tại. Chính sách tiền tệ phối kết hợp với chính sách tài khóa nhằm kích thích cầu trong nước phù hợp với điều kiện của đất nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN sẽ vừa thực hiện xử lý nợ xấu, vừa cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng đối với nền kinh tế theo hướng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tiếp tục tiến hành các bước để lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro. Công cuộc này đòi hỏi không chỉ các nguồn lực tài chính mà các cơ quan quản lý cũng cần phải có sự hiểu biết chuyên sâu, có quá trình nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn kỹ càng những mô hình tái cấu trúc đã được thực hiện trên thế giới, vận dụng chúng linh hoạt để phù hợp với đặc thù của Việt Nam. NHNN cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia tích cực vào Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), cùng thúc đẩy quá trình giám sát tài chính khu vực, ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng.

Đối với nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, NHNN đã và đang nỗ lực hết sức để triển khai kế hoạch đề ra. Với sự quyết tâm của toàn hệ thống, sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, dù có thể không dễ dàng nhưng khó khăn thách thức sẽ được khắc phục.

Lượng tiền mặt đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu Tết của người dân

Đã thành lệ vào cuối năm âm lịch, nhu cầu tiền mặt tăng mạnh do các doanh nghiệp phải chi lương, thưởng cuối năm, thanh toán công nợ. Người dân cũng cần tiền mặt mua sắm Tết, trong đó có cả tiền mới mệnh giá nhỏ để lì xì, lễ chùa. Nhu cầu rút tiền tại các máy tự động (ATM) vì thế tăng đột biến, nhiều máy trong tình trạng hết tiền... Nhưng năm nay, theo ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN), lượng tiền mặt hiện rất dồi dào, đủ cơ cấu mệnh giá và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu Tết của người dân. Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các phương án dự phòng, dù tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi tiêu Tết của người dân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

NGUYỄN HỒNG

việt nam ổn định kinh tế tín dụng chính sách nhà nước linh hoạt giải pháp an toàn bão quản trị rủi ro thách thức nhu cầu gia hàng hóa tăng trưởng doanh nghiệp nền kinh tế tài chính ngân hàng tái cấu trúc khó khăn hiệu quả thị trường thế giới kinh tế thế giới người dân giảm thiểu rủi ro

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.