Từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức ngành quân y trên tất cả các tuyến
xây dựng bệnh viện chất lượng trang thiết bị nhân viên sức khỏe oda triển khai nhà nước quan trọng quân đội đào tạo bão chăm sóc sức khoẻ quốc phòng thiết bị nâng cao chất lượng phát triển gia
QĐND- Thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Quốc phòng xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân là củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức Ngành Quân y, nhằm nâng cao trình độ, năng lực của cơ quan quân y các cấp.
Điều dễ nhận thấy trong 10 năm qua là đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y được chú trọng xây dựng quy hoạch đào tạo, sử dụng theo một lộ trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội. Bằng nhiều loại hình đào tạo, Ngành Quân y đã từng bước giải quyết tình trạng thiếu hụt cả về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên trên các tuyến. Đội ngũ Ngành Quân y không ngừng phát triển với 25.114 cán bộ, nhân viên, có hơn 53% cán bộ có trình độ sau đại học. Cùng với nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chú trọng giáo dục nâng cao y đức, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền".
Bác sĩ quân y Phú Yên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Ảnh minh họa/internet. |
Thực hiện quan điểm của Đảng: "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt", Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã từng bước điều chỉnh, bổ sung một số chế độ chính sách phụ cấp, trợ cấp đặc thù cho cán bộ, nhân viên Ngành Quân y, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ quân y làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo; những người trực tiếp làm các công việc nặng nhọc, độc hại, tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm...
Hệ thống vệ sinh phòng dịch trong những năm qua đã từng bước được đầu tư trang thiết bị chuyên sâu qua các dự án từ ngân sách nhà nước và ngân sách quốc phòng, phát huy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, góp phần giữ vững quân số khỏe. Đặc biệt là những dịch nguy hiểm đang có nguy cơ bùng phát lại và lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng lên ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ của hệ thống vệ sinh phòng dịch trong toàn quân, nên đã hạn chế đến mức tối đa việc lây lan các dịch bệnh ngoài dân vào quân đội, khi có dịch xảy ra đã nhanh chóng bao vây, khống chế, dập tắt kịp thời.
Hệ thống bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh hầu hết đã được đầu tư xây dựng cơ bản, một số bệnh viện được đầu tư quy hoạch, xây mới hoàn toàn. Hai bệnh viện loại A tuyến cuối (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện 175) được tham gia vào chương trình y tế chuyên sâu của Nhà nước. Từ 2004 đến nay, đã có 15 bệnh viện được đầu tư trang thiết bị y tế và cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn của Nhà nước theo Dự án "Đầu tư trang thiết bị y tế cho 15 bệnh viện quân đội" sử dụng vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Áo qua 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư 55.480.000 ơ-rô vốn vay ODA, 233,376 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước và đang chuẩn bị triển khai đầu tư giai đoạn 4 với 17,5 triệu ơ-rô vốn vay ODA. Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã làm thay đổi cơ bản hệ thống bệnh viện quân đội, tạo ra những bước nhảy vọt trong chất lượng thu dung, cấp cứu, điều trị và phát triển khoa học kỹ thuật của toàn ngành. Nhiều cơ sở quân y đã trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh trong cả nước như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện 175, Bệnh viện 354, Bệnh viện 105, Bệnh viện 13 (Quân khu 5), Bệnh viện 211 (Quân đoàn 3)... Các bệnh viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, giúp đỡ phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh xá tuyến cơ sở. Một số bệnh viện luân phiên các tổ quân y cho các bệnh xá trên các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, chất lượng khám và cấp cứu, điều trị ngày càng được nâng cao; nhiều ca bệnh nặng đã được cứu sống. Quân, dân trên các đảo, ngư dân đánh bắt xa bờ ngày càng yên tâm lao động, sinh sống và làm nhiệm vụ trên quần đảo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và phát triển KT-XH vùng biển, đảo.
Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo của quân đội đã đào tạo cho dân y hơn 8000 nhân viên y tế thôn bản; 6.807 y tá sơ cấp; 3.068 y tá trung cấp; 5.542 dược tá; 3.850 dược sĩ trung cấp; 4.508 y sĩ; 2.726 bác sĩ (trong đó 486 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ), 816 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 87 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 685 cao học; 193 nghiên cứu sinh. Trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo từ 40-60 y sĩ chuyên khoa sản nhi và y tế công cộng cho các đồn biên phòng và các đoàn KT-QP. |
Tuyến quân y đơn vị từ cấp đại đội tới cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương được xem như tuyến y tế cơ sở của Ngành Quân y, nơi trực tiếp tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội và nhân dân cũng đã được quan tâm đầu tư đúng mức. Ở tuyến đại đội, ngoài biên chế nhân viên y tá, đã từng bước khôi phục hoạt động của hệ thống chiến sĩ vệ sinh cấp trung đội ở một số đơn vị. Tuyến tiểu đoàn được trang bị đồng bộ thiết bị, doanh cụ, dụng cụ triển khai giường lưu tại buồng y sĩ tiểu đoàn, đồn biên phòng và tương đương. Hệ thống bệnh xá cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương, bệnh xá các đoàn KT-QP, các kho trạm, nhà máy,... tiếp tục được củng cố hạ tầng cơ sở và nâng cấp trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị...
Các cơ sở đào tạo và các hệ đào tạo tại các trường quân sự, hậu cần tại các đơn vị cũng được đầu tư, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo cho Ngành Quân y và cho Ngành Y tế nhân dân. Lưu lượng đào tạo liên tục tăng trong những năm gần đây, nhất là các đối tượng đào tạo hệ dân sự. Học viện Quân y được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các địa phương thuộc vùng khó khăn: Tây Nguyên, Tây Bắc. Các trường Trung học Quân y và các cơ sở liên kết đào tạo của các đơn vị đã triển khai chương trình đào tạo nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế thôn bản; trong đó đào tạo y tá theo địa chỉ, lấy từ nguồn quân nhân sắp hoàn thành NVQS, thực sự có ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào việc bổ sung sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho y tế thôn bản ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Những kết quả mà Ngành Quân y đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 đã góp phần quan trọng củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở trên toàn quốc, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân.
LÊ QUÂN
trang thiết bị nâng cao chất lượng thiết bị quốc phòng bệnh viện quan trọng bão quân đội oda nhân viên đào tạo nhà nước chất lượng xây dựng sức khỏe triển khai phát triển chăm sóc sức khoẻ gia
Post a Comment