Header Ads

Ưu tiên hàng đầu là xây dựng một quân đội hiện đại

chiến lược nâng cao chất lượng quân đội quốc phòng bão trang thiết bị xây dựng máy bay quân sự thủ tướng kỹ thuật

QĐND - Nga coi ưu tiên hàng đầu là xây dựng một quân đội hiện đại và củng cố an ninh quốc gia. Tuyên bố trên được Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) đưa ra trong Thông điệp Liên bang 2012 một lần nữa nhấn mạnh, Mát-xcơ-va không cho phép bất kỳ ai nói chuyện bằng "ngôn ngữ sức mạnh", đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả một cách nhanh chóng và thích đáng đối với mọi nguy cơ nhằm bảo vệ hòa bình, các lợi ích và chủ quyền Liên bang Nga...

Xây dựng quân đội chính quy, hiện đại là ưu tiên hàng đầu của LB Nga. Ảnh: Flick.com

Trong bối cảnh thế giới đang có những biến động, mức độ nguy cơ đe dọa quân sự hiện hữu và tiềm tàng đối với Liên bang Nga có thể tăng đáng kể trong những năm tới. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang LB Nga, Thượng tướng Va-lê-ri Ghê-ra-xi-mốp (Valery Gerasimov) cho rằng, mức độ đe dọa quân sự đối với Nga sẽ được xác định bởi cuộc chiến giữa các nước hàng đầu, tranh giành các nguồn tài nguyên năng lượng, thị trường tiêu thụ hàng hóa và không gian sống. Để bảo đảm quyền tiếp cận đến các nguồn tài nguyên này, tiềm năng quân sự sẽ được sử dụng một cách tối đa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Xéc-gây Sôi-gu (Sergey Shoygu), xác định các "điểm nóng" hiện đang nằm ngay sát biên giới nước Nga. Do đó, để đáp trả mọi thách thức, đe dọa, nước Nga cần có một lực lượng quân đội bảo đảm khả năng chiến đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc các lực lượng vũ trang Nga sẽ tăng cường hiệu quả chỉ huy, trang bị vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại, cải thiện công tác đào tạo quân nhân, hoàn thiện việc cung ứng vật chất-kỹ thuật và nâng cao chất lượng giáo dục trong quân đội.

Hiện nay, chiến lược quân sự của Nga được xây dựng trên cơ sở "Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đến năm 2020" và Học thuyết quân sự Nga. Về dài hạn (năm 2020), Nga tiếp tục kiện toàn Lực lượng vũ trang Liên bang, các quân binh chủng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong mọi diễn biến của cục diện chính trị, quân sự. Trong trung hạn (năm 2015), tích cực tạo diện mạo mới về chất cho Lực lượng vũ trang Liên bang Nga (cải cách quân đội) và duy trì tiềm lực hạt nhân chiến lược, hoàn thiện cơ cấu biên chế, tổ chức và bố trí các đơn vị của các quân binh chủng ở từng khu vực, tăng số lượng các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác huấn luyện tác chiến, phối hợp giữa các quân, binh chủng.

Bên cạnh đó, chiến lược quân sự của LB Nga tập trung ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang, răn đe và phòng ngừa các cuộc xung đột quân sự, cải tiến tổ chức quân sự, hình thức và phương pháp hoạt động của các Lực lượng vũ trang, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho quốc phòng và an ninh của Liên bang Nga, đồng thời bảo đảm lợi ích của các đồng minh...

Lực lượng vũ trang LB Nga đang triển khai kế hoạch cải cách và hiện đại hóa quân đội với mục tiêu xây dựng quân đội tinh gọn, tăng cường tính cơ động và khả năng tác chiến. Theo đó, đến năm 2020, quân đội Nga sẽ tiếp nhận 600 máy bay chiến đấu hiện đại Su-34 và Su-35, 1000 trực thăng mới, chủ yếu là trực thăng vận tải Mi-26, máy bay đa dụng Mi-8 và Mi-35M. Hải quân Nga sẽ được trang bị 20 tàu ngầm, 100 tàu chiến các loại. Tất cả các lữ đoàn tên lửa của quân đội Nga sẽ được chuyển sang tổ hợp tên lửa "Iskander" vào năm 2020. Ngoài ra, đến thời điểm này cũng sẽ xuất hiện các tổ hợp tên lửa S-500, S-300B và Buk-3M.

Về vũ khí bộ binh, Nga đang hoàn thiện súng tiểu liên AK đời mới (AK-200) để thay cho các loại AK hiện có (AK-100). Nga cũng sẽ nghiên cứu thử nghiệm và đưa vào trang bị các loại vũ khí mới như bom chân không sử dụng công nghệ na-nô, tàu chiến vũ trụ và vũ khí la-de.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Nga sẽ đặc biệt tập trung vào sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo máy bay và đóng tàu, điện tử, công nghiệp tên lửa vũ trụ và hạt nhân. Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev) khẳng định, tổ hợp công nghiệp quốc phòng sẽ nhận được nguồn lực quan trọng, nó phải trở thành nguồn mạch của những đổi mới công nghệ, cả trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự. "Trước mắt phải tạo nền tảng khoa học kỹ thuật cho việc phát triển các mô hình vũ khí và trang thiết bị quân sự tiềm năng, thực hiện hiện đại hóa các doanh nghiệp bằng việc tái trang bị kỹ thuật để sản xuất hàng loạt những sản phẩm có khả năng cạnh tranh", Thủ tướng Nga nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Nga Đmi-tri Rô-gô-din (Dmitry Rogozin), kiêm Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quốc phòng thuộc Chính phủ Nga, Chính phủ Nga sẽ chi hơn 20.000 tỷ rúp (khoảng 668 tỷ USD) cho chương trình hiện đại hóa quốc phòng cho đến năm 2020 và thêm 3000 tỷ rúp (khoảng 100 tỷ USD) cho chương trình này đến năm 2025.

BÌNH NGUYÊN

quốc phòng trang thiết bị thủ tướng quân đội máy bay xây dựng kỹ thuật chiến lược quân sự bão nâng cao chất lượng

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.