Chính phủ không chỉ đạo mỗi Bộ có một hệ thống ID riêng
(VOV) -Hệ thống số liên quan đến công dân không chỉ liên quan đến Bộ Công an và Bộ Tư pháp mà còn nhiều ngành khác.
Về việc xây dựng mới bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân (ID), trả lời câu hỏi tại họp báo chính phủ chiều 29/3 là liệu có sự lãng phí khi chúng ta đã có những dữ liệu về mã số cá nhân rồi mà không sử dụng (cụ thể của Ủy ban Quốc gia về Dân số Kế hoạch hóa Gia đình) mà bây giờ lại xây dựng mới, Chính phủ có cân nhắc hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Đúng là việc xây dựng hệ thống (tạm gọi là mã số định danh) đã được nghiên cứu từ lâu. Vừa qua có câu chuyện giữa Bộ Công an và Bộ Tư Pháp, báo chí đã phản ánh (Bộ Tư Pháp đã khẳng định sẽ không xây dựng mới bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân mà sẽ sử dụng dữ liệu từ kho của Bộ Công an-PV).
Quan điểm của Chính phủ là: "Chúng ta hướng tới xây dựng một hệ thống mã số định danh, không chỉ đơn thuần liên quan đến dân cư. Điều quan trọng là tiến tới chúng ta phải xây dựng được một hệ thống mã chung, để mỗi người sinh ra có một mã số của mình" - Bộ trưởng Đam nói.
Mã số này, theo ông Đam, không chỉ liên qua đến người dân, nếu xử lý tốt cả hệ thống thì sẽ còn liên quan đến một loạt các hệ thống mã số khác tầm quốc gia, phục vụ tốt cho việc quản lý bằng điện tử.
Riêng đối với hệ thống số liên quan đến công dân, cũng không đơn thuần chỉ liên quan đến Bộ Công an và Bộ Tư Pháp. Chúng ta khi sinh ra là được khai sinh, do Bộ Tư pháp thực hiện, trước đây thực hiện việc này là Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa Gia đình.
Nhưng với hệ thống mã mà chúng ta hướng tới, là ngay khi đó, người y tá, hộ sinh đã có thể lập tức có những thông tin ban đầu liên quan đến cháu bé, sức khỏe, nhóm máu... như vậy là liên quan ngay đến ngành Y tế. Sau này khi cháu bé đi học, sẽ liên quan đến nhà trường, học bạ điện tử. Khi hết 14, sang 15 tuổi sẽ có chứng minh thư nhân dân. Rồi bắt đầu có thu nhập cá nhân, có mã số thuế. Ai làm công chức sẽ có hồ sơ công chức, đảng viên sẽ có hồ sơ đảng viên, nếu ai vi phạm pháp luật sẽ có hồ sơ phạm tội. Khi lập gia đình sẽ có đăng ký kết hôn... Cuối cùng đến lúc mất đi là thủ tục khai tử của Bộ Tư Pháp. Nhưng vẫn chưa hết, vì còn liên quan đến thừa kế. Nếu có tác phẩm nghệ thuật thì 50 năm sau khi chết vẫn còn liên quan.
"Như vậy đây là hệ thống phải dùng chung, tất cả các bộ ngành, cơ quan chức năng phải cùng làm, cùng sử dụng, không thể cát cứ được. Có thể có một số việc cụ thể hay do một số phát ngôn cụ thể đã dẫn tới sự hiểu nhầm là Bộ Công an làm một hệ thống riêng, Bộ Tư pháp làm một hệ thống riêng. Tôi khẳng định là Chính phủ không chỉ đạo như vậy, và hiện nay các Bộ cũng không làm như vậy" - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cho rằng, đây là việc rất khó khăn, không hề đơn thuần là đưa ra một hệ thống đánh số bình thường. Nếu chúng ta tiến hành đồng bộ và dùng chung cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tiến tới khi công dân thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, ký các hợp đồng với các công ty... cũng dựa trên hệ thống này./.
Post a Comment