Lạng Sơn: Cỗ cưới không quá 30 mâm
quy định gia gia đình
Thường khi nhắc đến các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, trong suy nghĩ của nhiều người vẫn mặc cảm rằng nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: nạn cưới tảo hôn; trọng nam khinh nữ, phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường; ma chay, cưới xin kéo dài ngày...
Người dân hào hứng tham gia lễ hội truyền thống tại Lạng Sơn |
Nhưng có dịp đến xã vùng III đặc biệt khó khăn Hữu Lân, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn tìm hiểu về đời sống, phong tục tập quán của người dân mới biết xã đã có những cách làm riêng, rất hiệu quả.
Ông Lường Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hữu Lân cho biết: Cũng như nhiều địa phương khác, từ nhiều năm trước, người dân có phong tục đám cưới ăn uống linh đình, kéo dài ngày gây tốn kém, lãng phí.
Vì vậy, xã đã bàn bạc, tìm giải pháp và thống nhất trong nhân dân đưa những quy định về văn minh trong việc cưới vào hương ước của thôn ngay từ những ngày đầu khi hương ước mới được lập vào năm 1998 như: phải đăng ký kết hôn trước khi cưới, không tổ chức cưới tảo hôn, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu khi tổ chức cưới; không được thách cưới cao, xem số, không được tổ chức cưới linh đình, kéo dài ngày, đám cưới không quá 30 mâm... được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Để những quy định của hương ước đi vào cuộc sống, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành những quy định về văn minh trong việc cưới. Do đó, từ năm 1998 đến nay, hầu hết các gia đình chỉ tổ chức đám cưới trong 1 ngày, không tổ chức ăn bữa phụ. Hộ nào làm nhiều cũng chỉ 30 mâm. Trong đó, nhiều hộ gia đình khi dựng vợ gả chồng cho con cả tổ chức 30 mâm, đến người con thứ 2 chỉ làm đơn giản trên dưới 20 mâm.
Để thực hiện tốt các quy định về văn minh trong việc cưới, cán bộ, đảng viên trong xã luôn là những người tiên phong đi đầu. Ông Ma Văn Thiết, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: Là đảng viên nên gia đình ông luôn gương mẫu thực hiện nghiêm túc những quy định của hương ước. Bởi bản thân ông hiểu những người như ông có thực hiện tốt hương ước thì bà con, dân bản mới nghe theo, làm theo, những quy định của hương ước mới đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với ông cũng như các hộ gia đình trong xã, điều quan trọng hơn cả là sau đám cưới các con được hạnh phúc.
Xã vùng III Hữu Lân có nhiều đổi thay từ việc thực hiện hương ước |
Không chỉ đưa vào hương ước những quy định về văn minh trong việc cưới, văn minh trong việc tang cũng được xã quan tâm đưa vào hương ước để tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín. Vì vậy, ngay sau khi có hương ước, các gia đình khi có đám tang đều không để quá 36 tiếng đồng hồ. Nếu như trước kia còn có tình trạng khi gia đình có người qua đời thì tất cả những người con trai đều tổ chức đám tang riêng, gây lãng phí và rất tốn kém.
Từ khi có hương ước, trên địa bàn xã gia đình nào có người qua đời, dù có 2-3 hay 4 người con trai thì đều quy về một mối, chỉ tổ chức một đám tang. Trong đám tang tuyệt đối không tổ chức ăn uống linh đình gây lãng phí, tốn kém. Đặc biệt, trong mỗi thôn khi có người qua đời đều có hội hiếu, lo tổ chức kèn trống phục vụ đám tang do thôn tự lập ra mà không có một đám tang nào phải tốn kém tiền thuê đội kèn, trống.
Có thể nói, do thực hiện tốt văn minh trong việc cưới, việc tang mà các đám cưới ở nơi đây thực sự là niềm vui của mỗi gia đình, của các đôi vợ chồng trẻ. Còn các đám tang cũng trở nên rất nhẹ nhàng, không là gánh nặng của các gia đình khi có người qua đời.
Theo Baovanhoa.vn
gia đình quy định gia
Post a Comment