Nga bán SU-35 và tàu ngầm Lada cho Trung Quốc - Đừng mơ!
Đã dính quá nhiều "phốt" trong các thương vụ bán vũ khí cho Trung Quốc nên ngành công nghiệp quốc phòng Nga chắc chắn sẽ chẳng thể nào "tự bắn vào chân mình" thêm lần nữa bằng việc đồng ý xuất khẩu tiêm kích Su-35 và tàu ngầm lớp Lada - những công nghệ hiện đại nhất của họ.
Tiêm kích Sukhoi Su-35 hiện đại nhất của Nga. |
Những ngày qua, thị trường vũ khí thế giới đã có một phen vô cùng xôn xao khi xuất hiện thông tin trong chuyến thăm Nga của vị tân chủ tích Trung Quốc Tập Cận Bình, 2 nước đã ký một bản hợp đồng trong đó Nga sẽ bán cho Trung Quốc 24 chiếc tiêm kích thế hệ 5 Su-35 hiện đại nhất hiện nay của Nga cùng với đó là việc 2 nước sẽ cùng hợp tác sản xuất 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada có hệ thống khí đẩy độc lập và sau đó sẽ xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Nếu thông tin này là chính xác thì đây sẽ là bản hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất trong lịch sử quan hệ giữa 2 nước và là bản hợp đồng "bom tấn" bởi nó đều là những công nghệ quốc phòng hiện đại nhất của Nga đến nay.
Trong bản tin phát đi ngày 25/3, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tuyên bố: "...Theo bản hợp đồng, 2 nước sẽ cùng nhau sản xuất 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada sau đó bán cho Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn quyết định mua 24 chiếc tiêm kích Su-35 của Nga. Giới chuyên gia cho rằng Su-35 sẽ giảm áp lực cho Trung Quốc trong việc buộc phải nâng cao năng lực phòng thủ trước khi các mẫu tiêm kích tàng hình của Trung Quốc được đưa vào sử dụng. Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Trung Quốc quyết định mua những loại vũ khí quan trọng của Nga. Bộ quốc phòng 2 nước tin tưởng việc này sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì sự ổn định trong khu vực".
Các nhà bình luận và giới chuyên gia quân sự quốc tế đặc biệt chú ý đến "bản hợp đồng kỳ lạ" này bởi nếu có, nó sẽ gây chấn động thị trường vũ khí thế giới khi ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ được tiếp cận với công nghệ sản xuất động cơ tiêm kích hiện đại nhất thế giới cũng như công nghệ đẩy khí độc lập (Air Independent Propulsion - AIP) sử dụng trên tàu ngầm.
Với số vũ khí này, Trung Quốc sẽ thay đổi cơ bản cán cân tiềm lực quân sự của mình và sẽ đẩy các vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Hoa Đông sang một hướng khác.
Tàu ngầm lớp Lada |
Tuy nhiên, theo tờ Tin tức Quốc phòng (Defense News) và một loạt báo chí Nga khác, "bản hợp đồng" này thực chất chỉ là sự "hoang tưởng quá mức" của Trung Quốc.
Tờ Defense News trích lời ông Vasiliy Kashin, một chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ của Moscow cho biết: "Điện Kremlin đã chính thức lên tiếng phủ nhận việc buôn bán vũ khí giữa 2 nước trong chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình". Một nguồn tin đáng tin cậy khác cũng cho tờ Defense News biết rằng: Điều này là không hợp lý và rất không logic bởi trong lịch sử quan hệ giữa 2 nước, các nhà lãnh đạo cấp cao không bao giờ bàn thảo đến việc mua bán một loại vũ khí cụ thể nào đó mà chỉ đề cập đến một cách rất chung chung. Nếu có, nó sẽ được tiến hành bởi các quan chức cấp thấp hơn nhưng hiểu biết nhiều hơn, cụ thể hơn về vũ khí.
Khác với tờ Defense News, giới báo chí truyền thông Nga đã tỏ ra khá "bực bội" khi biết tin này và cho rằng Trung Quốc đã cố tình "xỏ xiên" để gây nhiễu thông tin và âm mưu chia rẽ Nga với các nước châu Á khác. Trên thực tế, hồi tháng 12/2012, Nga và Trung Quốc mới chỉ một biên bản ghi nhớ trong đó có nói rằng 2 nước sẽ tiến hành xem xét và thảo luận về lời đề nghị mua động cơ đôi dùng trên tiêm kích Su-35 và tàu ngầm lớp Amur từ Nga của Trung Quốc "vào một thời điểm thích hợp".
Sự "giận dữ" của báo giới Nga là dễ hiểu. Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần khiến Nga "ngậm đắng nuốt cay" bằng những lần "chơi bẩn". Khi Nga đồng ý bán Su-27 cho Trung Quốc, ngay lập tức Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ và sao chép để cho ra đời hàng loạt tiêm kích J-11. Mới đây thôi, khi Trung Quốc tuyên bố sản xuất được mẫu máy bay chiến đấu J-15 có khả năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, giới tình báo Nga đã nhận ra rằng đó chỉ là một bản sao chép có chút cải tiến của những chiếc Su-33 của Nga.
Những vụ điển hình này đã dạy cho Nga một bài học kinh nghiệm và nếu có việc Trung Quốc đề nghị mua Su-35 hay tàu ngầm lớp Lada thì Nga chắc chắn sẽ rất ngần ngại và không thể quyết định một cách dễ dàng như thế kể cả trong giai đoạn mối quan hệ giữa 2 nước đang rất "nồng ấm" như hiện nay. "Nga sẽ chẳng ngốc nghếch đến nỗi tiếp tay cho Trung Quốc trở thành một kẻ cạnh tranh địa chiến lược của mình trong tương lai và tự mua rủi ro về cho mình như vậy", một tờ báo Nga phân tích.
Bằng việc đánh cắp bí quyết công nghệ và sao chép kiểu dáng tiêm kích Su-27 của Nga, Trung Quốc đã cho ra đời hàng loạt chiến đấu cơ J-11 và trang bị cho không quân nước này. |
Chưa hết, người ta còn nhớ thông tin Trung Quốc đã chính thức vượt Anh để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới vừa được đưa ra cách đây mấy ngày. Ai có thể đảm bảo Trung Quốc không mang những công nghệ hiện đại này của Nga, sản xuất hàng loạt vũ khí "Made in China" bán ra thị trường thế giới với giá rẻ và tát thẳng vào mặt ngành công nghiệp quốc phòng Nga?
Chắc chắn Nga không thể không biết việc này. Một bản hợp đồng "béo bở" có thể sẽ mang về cho Nga sự sung túc trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, đó sẽ là một thảm họa cho chính họ.
Nhưng câu hỏi đặt ra: Làm thế nào mà Đài truyền hình trung ương Trung Quốc có thể phát đi công khai và "dõng dạc" về bản hợp đồng bí ẩn đó đến như vậy? Phải chăng Trung Quốc muốn tạo ra dư luận ảo để làm sức ép đối với Nga hay sau khi đã "trót dại" ký hợp đồng với Trung Quốc, Nga mới bàng hoàng nhận ra đó là một sai lầm nên vội vã đưa tin phủ nhận?
Post a Comment