Nghề khóc mướn và chuyện bi hài bên chiếc quan tài
gia gia đình bão
Nhiều hôm chỉ vì tập khóc mà anh phải đóng hết cửa rồi ngồi luyện giọng vì sợ hàng xóm láng giềng nghe tiếng rồi chê cười anh đi làm cái nghề giả tạo ấy. Nhưng dù có cố giấu nhưng hàng xóm vẫn nghe văng vẳng tiếng anh khóc hằng ngày.Hội Thích Cười
Cuộc sống hiện tại ngày càng thay đổi, người ta càng bận rộn và giàu có, người ta càng ít có thời gian quan tâm đến cha mẹ hay người thân khi còn sống, nhưng lúc chết lại thi nhau đi mướn người khóc hộ... Họ chỉ việc bỏ tiền ra và xem những người khác khóc mướn như là một công cụ để chứng tỏ sự hiếu nghĩa của họ với mọi người. Xung quanh câu chuyện của người khóc mướn, có không ít chuyện bi hài mà không phải ai cũng biết, hiểu và thông cảm cho những giọt nước mắt cá sấu của họ.
Nghề bán "nước mắt cá sấu"
Làm trong đoàn nhạc hiếu cũng được ngót nghét gần 10 năm nên anh Đoàn Công Chất (Thuận Thành, Bắc Ninh) dường như đã trở thành một người gạo cội trong nghề. Trước đây, trong đoàn nhạc, anh thường chơi kèn hay đàn bầu, nhưng giờ anh kiêm luôn cả nhiệm vụ làm "khóc sĩ" cũng bởi năng khiếu bộc lộ cảm xúc của mình.
Theo anh Chất, nếu như trước kia, đây chỉ là nghề phụ của một số người có "năng khiếu" trong những đoàn nhạc hiếu thì bây giờ, nghề khóc thuê này cũng cần phải chuyên môn hóa, phải được đào tạo, luyện tập. Bởi có cầu ắt có cung, mà người ta bỏ tiền ra đều mong thuê được những người khóc giỏi, khóc giống như thật và phải làm người khác xiêu lòng.
Anh Chất tâm sự: "Lúc đầu khi mới bước chân vào nghề, mình cũng chỉ nghĩ chỉ khóc lóc theo cảm xúc, rồi lấy những câu khóc thực tế mà vận dụng vào. Nhưng sau này, khi công việc nhiều hơn, những người đi khóc thuê cũng phải soạn 'giáo án' và tập trước. Tùy quan hệ của từng người thân với người đã mất mà có những lời khóc khác nhau. Thậm chí trong quá trình khóc còn phải nỉ non, ngân nga sao cho giống khóc thật, bên cạnh đó còn phải ngắt nghỉ theo nhịp điệu nhạc".
Anh cho biết, vì mỗi gia đình một hoàn cảnh, nên cho dù có sửa soạn hay chuẩn bị kỹ đến đâu thì cũng gặp phải những tình huống ngoài lề. Do đó, người khóc thuê cần phải nhạy bén, linh hoạt trong mọi tình huống. "Lúc đầu cũng hơi khó khăn nhưng sau cũng quen dần, dù ai, ở bất kỳ độ tuổi nào mình cũng đều ứng phó được hết, tiếng than vãn cứ thế tuôn ra theo dòng cảm xúc và theo kinh nghiệm đã được tích lũy được qua những đám tang trước" - anh Chất chia sẻ.
Một người khóc thuê ở Trung Quốc.
Thông thường, việc khóc mướn là nghi thức bắt buộc trong các chương trình của đám tang mà đoàn nhạc hiếu phải thực hiện. Và tiền công khóc mướn cũng được tính chung vào công việc như thổi nhạc, dẫn lễ viếng... Tuy nhiên, mỗi lần khóc mướn các "khóc sĩ" lại được từng gia chủ trả thêm công. Nếu gia chủ đông người thì tiền khóc mướn cũng được kha khá. Số tiền ấy sẽ được chia đều cho mọi người trong đoàn nhạc.
Trước khi trở thành một tay khóc mướn chuyên nghiệp, anh Chất cũng đã phải trải qua quá trình tập luyện tương đối và nhất là những lời dị nghị của những người xung quanh. Thời gian đầu mới làm công việc khóc thuê, mỗi lần về nhà anh lại mường tượng ra những tiếng khóc thảm thiết, ai oán, não nề, tưởng tượng ra hoàn cảnh bi thương của người chết để tập khóc. Anh nhập hết vai nọ đến vai kia, từ người mẹ già cho đến đứa trẻ nhỏ để khóc sao cho có hồn, sao cho giống như thật.
Nhiều hôm chỉ vì tập khóc mà anh phải đóng hết cửa rồi ngồi luyện giọng vì sợ hàng xóm láng giềng nghe tiếng rồi chê cười anh đi làm cái nghề giả tạo ấy. Nhưng dù có cố giấu nhưng hàng xóm vẫn nghe văng vẳng tiếng anh khóc hằng ngày.
Anh nhớ lại: "Hôm đó đang mải mê tập khóc nên tôi không để ý, dù đã đóng hết cửa nhưng hàng xóm đã kéo tới cổng nhà tôi vì nghe thấy tiếng khóc phát ra từ trong nhà, họ bảo không biết có chuyện gì nên tò mò tới xem. Lúc tôi mở cửa bước ra và giải thích thì ai nấy đều ồ lên, thậm chí có người còn ác ý bảo cái nhà anh này hay nhỉ, bố mẹ còn sống sờ sờ ra đấy mà cứ khóc tu tu lên thế, đúng là vô công rỗi nghề".
Từ đó mọi người thường có mặc cảm với nghề của anh, anh cũng biết vậy nhưng đành làm ngơ, vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống. Và anh cũng nghĩ đó là một nghề chân chính, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền chứ dễ dàng gì.
Sau này khi nghề khóc thuê trở nên phổ biến và không còn bị người ta soi xét, dị nghị nữa, những người khóc thuê như anh Chất mới không còn mặc cảm, tự ti với nghề, thậm chí nhiều lần anh còn tự hào vì công việc của mình.
"Có nhiều trường hợp gia đình rất thương tâm, mình nhìn con cháu mà cũng rơi nước mắt. Nhưng nhiều người vì không hiểu và không thông cảm thì họ nói toàn là nước mắt cá sấu, khiến nhiều khi những cảm xúc thực trong cuộc sống của chúng tôi bị cho là giả dối, nhưng cũng có không ít người khen chúng tôi khóc giỏi, khóc y như thật, có cảm xúc. Đó cũng là chút động lực để chúng tôi cố gắng và phấn đấu hơn trong nghề" - anh Chất chia sẻ.
Anh Chất cho biết, hiện nay nghề khóc muớn đã trở thành một nghề "thời thượng" hầu hết đám hiếu nào cũng cần đội ngũ khóc thuê, bởi không phải ai cũng có thể hiện sự thương tiếc, cảm xúc thành lời. Do đó, nghề khóc thuê cũng đem lại những khoản thu nhập kha khá. Và để làm nghề này, người ta không chỉ có năng khiếu, có cái duyên với nghề, mà còn phải đi học và làm thực tế.
Hơn nữa nghề khóc thuê cũng đòi hỏi người làm nghề phải trải qua thử thách. Có nhiều người theo đoàn để học khóc, một vài năm rồi nhưng vẫn không có tiến bộ, đành phải bỏ. Thức đêm thức hôm, khóc lóc vật vã, nhiều khi sáng dậy cổ khản đặc nói không ra hơi, phải ngậm muối, ngậm thuốc, uống nước giá đỗ cho đỡ rát.
Những lúc rảnh rỗi thì phải luyện tập cực khổ, từ âm điệu giọng khóc sao cho sầu thảm bi ai, não nề, đến cách kéo nhị, trống phách, đàn kèn sao cho đúng nhịp, hài hòa với nhau. Bởi vậy mới nói, con người ta sinh ra đã biết khóc, nhưng để khóc thành nghề, theo ý của mình thì không phải ai cũng làm được.
Những câu chuyện cười ra nước mắt
Để đảm bảo không khí trang trọng, đau thương và tang tóc của đám tang thì khi khóc thuê, khuôn mặt của những "khóc sĩ" cũng phải buồn rầu, ủ rũ.
"Mỗi khi tiếng nhạc dừng lại thì chúng tôi phải bắt đầu cất tiếng khóc. Không phải lăn sả vào quan tài, đeo khăn tang khóc thảm thiết như ở bên nước ngoài, chúng tôi chỉ cần ngồi ở chiếu, cầm micro và khóc theo tiếng nhạc đệm, theo yêu cầu của từng người thân trong gia đình" - anh Chất cho biết.
Theo quan niệm của mọi người thì màn khóc lóc của gia chủ nào hoành tráng nhất, con cháu khóc đông đủ thì chứng tỏ nhà đó quan tâm và có hiếu với bậc ông bà, cha mẹ sinh thành. Đám tang nào mà không có nước mắt hay sự khóc lóc thảm thiết của con cháu thì sẽ bị dân làng chê trách.
Hơn 10 năm đi khóc mướn, anh đã khóc cho không biết bao nhiêu người, bao nhiêu thành phần trong xã hội. Người giàu cũng nhiều, mà người nghèo cũng không ít, từ trẻ em tới người già, từ người khỏe mạnh tới người bại liệt. Mỗi người một hoàn cảnh, tâm trạng, một mối quan hệ với người đã mất khác nhau. Cũng chính vì sự thuê mướn này mà không ít chuyện bi hài, trớ trêu đã xảy ra quanh chiếc quan tài người vừa nhắm mắt.
Tiếng khóc cất lên: "Mẹ ơi, chúng con có tội tình gì mà mẹ lại bỏ chúng con. Mẹ đi rồi, lấy ai cơm bưng nước rót cho mẹ, mẹ ơi...". Trớ trêu thay, người "con dâu" vừa lên tiếng khóc than ấy đang nằm vật bên chân giường ngủ thiếp đi vì mệt.
Rồi tiếng khóc chưa dứt lời thì đứa con gái của cụ bà quá cố để 20.000 đồng vào đĩa, ghi tên tuổi, quan hệ với người đã mất vào giấy rồi nhờ khóc mướn. Anh Chất lại tiếp tục: "Bà ơi, cháu gái 8 tháng tuổi khóc bà đây. Bà ơi sao bà bỏ con đi, bà đi rồi thì ai bế ẵm con, ai chơi cùng con, đỡ đần bố mẹ con bây giờ. Ới bà ơi".
Trong khi đứa cháu thật của người đã mất còn chưa được chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Nhưng vì thể hiện sự đau buồn, sự kính trọng bà mà bố mẹ của đứa trẻ ấy đã thuê người khóc muớn để "khóc bà hộ cho cháu nó một tiếng".
Rồi một tiếng khóc khác lại vang lên: "Mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con, bỏ cháu mẹ đi. Các con con chúng còn nhỏ, cần có mẹ để nương tựa. Mẹ đi rồi, chúng con biết trông cậy vào ai, mẹ ơi ...". Đó là nỗi niềm của cậu con trai cả với mẹ. Thế nhưng oái oăm thay, trong khi tiếng khóc thảm thiết ấy vang lên thì người con ấy lại đang ngồi cười nói với khách đến viếng, rồi rót rượu mời cùng dăm ba câu chuyện làm ăn.
Cứ thế, màn khóc lóc của con cháu trong nhà cứ diễn ra cho tới tận tối khuya. Những "khóc sĩ" thay nhau khóc. Số tiền trên đĩa thì cứ đầy dần. Khóc những người đã khuất không chỉ có con cháu thân thiết trong gia đình, chồng khóc vợ, con khóc mẹ, cháu khóc bà, thậm chí cả người hàng xóm đang giúp trông xe cho khách cũng kịp chạy tới bở mười nhìn đồng vào đĩa nhờ khóc hộ, rồi được phát thanh trên chiếc loa để tít ngoài đầu ngõ.
Khi đêm đã khuya, khách cũng đã vãn, con cháu cũng đã khóc hết lượt, mấy ông thợ khóc sẽ được chủ nhà mời ăn cơm đêm. Sáng mau, trước khi đưa tiễn người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng, người ta sẽ lại được nghe con trai, con dâu trưởng lên tiếng khóc lần cuối. Xếp lại đàn cò, sáo nhị, xếp lại những "đau thương, mất mát", các ông giờ ngồi bốc xôi, gặm thịt gà và tán gẫu.
"Đó là những câu chuyện hết sức bình thường mà bất cứ người khóc thuê nào khi đã bước chân vào nghề cũng sẽ gặp phải. Lúc đầu người ta thấy hài hước, buồn cười, lố bịch, thậm chí là cảm thấy giả tạo, nhưng rồi cũng quen và giờ trong bất cứ đám tang nào, dịch vụ khóc thuê cũng trở nên không thể thiếu. Những người làm nghề như chúng tôi cũng bớt đi những sự tự ti, mặc cảm" - anh Chất tâm sự.
Hôn Nhân & Pháp Luật
gia bão gia đình
Post a Comment