Văn hóa ẩm thực: "Thực má đường"
cuộc sống ổn định mông
PN - Tôi nhớ, hồi đó, tới bữa cơm, mấy đứa con nít thường tập trung dưới tán cây vú sữa giữa xóm, Mỗi đứa bưng một tô, vừa ăn vừa dòm ngó tô cơm đứa bên cạnh. Tô cơm của chị em tôi lúc nào cũng nhiều rau, ít thịt cá nhưng lại hay bị tụi nó xin "thử một miếng", lý do tại: "má tao nói cơm nhà mày có thuốc bổ". Điều đó làm chị em tôi hãnh diện về má, cho dù má chỉ là một người bán rau ngoài chợ.
Hàng rau của má đa phần là rau trái hái từ vườn nhà và vườn hàng xóm. Mùa nào thức nấy, mưa nhiều thì có rau càng cua, dền cơm, mồng tơi, các loại lá giang, lốt, cách, bụp giấm, đọt kèo nèo, móp gai, choại, trái đu đủ, khế; mùa nắng thì có bầu, bí, mướp, đậu bắp, đậu rồng, khổ qua, rau thơm, rau lang, rau má; thỉnh thoảng có thêm cái bắp chuối, bó lá xông, sả với túm gừng, nghệ, chùm bao.
Đi theo bán phụ má riết, tôi quen với cảnh khách tới cà kê hỏi ý kiến coi bữa nay trời nóng, nấu canh gì ăn cho giải nhiệt. Ông xã lên "tăng-xông", ăn món nào để hạ. Đau nhức mình mẩy dùng thứ rau chi cho hết? Má nhanh tay vừa sắp rau vừa nói, muốn mát thì nấu canh rau dền tía với đầu khô tra, canh mồng tơi nấu cua đồng; ổn định huyết áp thì cần ta xào thịt bò, cà tím um tía tô, còn nhức mỏi gân cốt đã có lá lốt trị hay nhứt xứ. Lá lốt làm được vô số món, nhưng nếu lu bu quá, thì lặt đọt non luộc chấm nước mắm tỏi ớt cũng "đúng bài".
Món lá lốt của má thì chị em tôi quen lắm. Lá lốt được má tôi trồng dưới gốc mấy cây mít, đu đủ trong vườn, thứ này chịu mát nên quanh năm dày đặc, xanh um. Hôm nào trong nhà có người bị cảm lạnh nhức đầu thì má nấu canh lá lốt với hột gà, thêm vài lát gừng đập giập để ấm tỳ vị. Lá non má nấu canh với tôm tép, cá tràu, nghêu, hến, xào thịt bò; lá hơi cứng má đem cuốn lươn, nấm mối, nấm rơm, đậu hủ... làm món nướng ăn với bánh tráng hay bánh hỏi rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.
Nhiều người nhận xét chỉ riêng rổ rau sống của má cũng đủ "ăn tiền" rồi. Rau cắt từ vườn nhà tươi chong, lại còn kết hợp mùi, vị của từng loại, bên cạnh lá lốt, lá cách có tính ấm, vị cay, thơm nồng, trị cảm hàn, nhức xương khớp, còn có đọt non cây cát lồi, vị chát, hơi chua, giúp thông tiểu, mát gan. Rau má vị nhân nhẩn, giúp thanh lọc máu rồi thêm rau dấp cá, lá quế, tía tô, húng chanh có tính giải độc, trị viêm phế quản, long đàm, cảm cúm, ho.
Con nít dễ gì chịu ăn rau thơm, vậy mà chị em tôi bị má dụ từ từ, đâm ghiền. Cách của má là cho ăn từ ít đến nhiều, ví dụ như với mấy món tẩm bột chiên, thế nào má cũng xắt nhuyễn rau quế trộn vào bột. Rau quế không chỉ làm tăng thêm sức hấp dẫn cho món ăn nhờ những lấm tấm xanh nổi bật trên nền vàng của bột, mà theo má, rau quế có tác dụng trợ tiêu hóa, đi cùng món nhiều dầu mỡ sẽ cho người ăn đỡ ngán, mau tiêu, lại có vị thơm rất riêng.
Má hay thầm thì với mấy chị em: "Phụ nữ mình phải tập ăn rau thiệt nhiều. Dấp cá, tía tô, rau quế, rau má, húng chanh, kinh giới, ngò gai, cần nước... thứ nào cũng có tính giải độc, bồi bổ khí huyết, điều hòa kinh nguyệt, làm đẹp da, an thai, lợi sữa". Dù thuở ấy, chuyện an thai, lợi sữa còn xa xôi lắm, nhưng nghe ba chữ phụ nữ mình đã thấy sướng, lại thêm đẹp da nữa, chị em tôi khoái, ăn rau ào ào.
Năm nào, vào ngày mùng bốn cúng đưa ông bà, má cũng nấu một nồi cháo bầu với cá lóc, nêm thật nhiều rau ngò gai. Má giải thích, bầu có nhiều vitamin, giải nhiệt, lợi tiểu; ngò gai trị đầy hơi, ăn không tiêu. Cả hai sẽ làm cho món cháo trở thành bài thuốc làm tan những thứ khó chịu tích tụ trong mấy ngày Tết.
Nhà có giỗ, má lên thực đơn tận dụng những thứ có sẵn trong vườn như món lươn nướng lá lốt rắc đậu phộng rang bên trên, cuốn bánh tráng với rau sống, chuối chát, khế, chấm mắm nêm là để cường kiện gân cốt. Kế là món gỏi dưa rang tôm thịt, dành cho mấy ông nhậu, vì dưa gang có tác dụng giải độc rượu, lợi tiểu, mát gan. Thêm món gà xào lá quế, làm đẹp da, khỏe mắt, dễ tiêu cho phụ nữ. Cuối cùng là món dựng bò nấu cháo với đu đủ non, nghệ tươi nêm lá quế dành cho người lớn tuổi vì nhiều dinh dưỡng lại dễ tiêu hóa. Trong trí nhớ của má dường như luôn có vài cái thực đơn như vậy, vì tôi thấy mỗi khi có người hỏi thì má lại kể thao thao y như đang ngồi trước một cuốn sách dinh dưỡng.
Mấy năm gần đây, khi đã có tuổi, cuộc sống ổn định, má không đi bán rau nữa, quanh quẩn chăm sóc vườn, cùng với mấy bà bạn trong xóm nghiên cứu nấu ăn sao cho sống vui, sống khỏe. Thực đơn mỗi ngày của má thay đổi theo thời tiết và những thứ có trong vườn nhà. Nắng nóng, má trộn thau rau càng cua ăn để phòng cảm mạo, tăng huyết áp, đau lưng. Mưa bão, má làm một nồi canh chua cá bông lau với kèo nèo (trị đau lưng, nhức mỏi, mát gan lợi tiểu), lá bụp giấm (kích thích tiêu hóa, tăng tiết mật, lợi tiểu, hạ huyết áp, giảm cholesterol), đọt móp gai (phòng ngừa viêm gan, xơ gan). Trời trở lạnh, đêm nghe tiếng ai đó khúc khắc là sáng mai má đi chợ sớm, về làm một chảo bún lòng xào nghệ với giá hẹ vàng lườm, ăn vô tới đâu nghe ấm tới đó. Đến trưa, má bồi tiếp một nồi lẩu gà hầm sả ớt với rau vườn như dền gai, mồng tơi, mướp khía, đọt choại, rau ngót, rau sam. Nhìn quanh mâm, ai cũng đổ mồ hôi ròng ròng, vậy mà cứ hít hà thêm chén nữa, chén nữa...
Gần đây, má còn kiêm thêm nghề "chữa bệnh" tại gia. Nghe cậu Năm gọi điện thoại thăm chị mà giọng... nghèn nghẹt. Má la, bắt ghé nhà liền. Trưa đó, má nấu nồi canh rau má với tép đồng. Vị nhân nhẩn mà ngọt hậu của món này có tác dụng hạ sốt; bồi thêm đĩa nghêu xào lá quế và ơ cá chạch kho nghệ tươi cay nồng, ăn một miếng thông lên tới óc. Cậu Năm gọi đó là mâm cơm giải cảm. Nửa năm trước, thấy vợ chồng đứa cháu đi chữa trị nhiều nơi mà chưa có con, má khuyên về cố gắng thường xuyên ăn canh rau má, rau ngót nấu tôm, canh lá nhàu non xào thịt bò hoặc cuốn lươn đem nướng, coi sao. Ai dè, kết quả quá tốt, hai vợ chồng đồn rần...
Bà con họ hàng, bạn bè của chị em tôi nghe tiếng, thường tìm đến má hỏi han, tâm sự. Thằng cháu tôi nảy ra sáng kiến, hay là để con làm tấm bảng "Thực má đường" gắn trước cổng nghen. Má cười móm mém, chửi thằng nhỏ: "Đường bà nội mày chớ đường", mà ánh mắt dịu dàng khiến đám con cháu càng nhìn càng mê....
Kim Chi
cuộc sống ổn định mông
Post a Comment