Yêu cầu TQ xử lý nghiêm hành động bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam
việt nam bão ngư dân vi phạm đại sứ quán trung quốc quảng ngãi người lao động tổng thư ký khai thác thiệt hại xử lý nghiêm bồi thường thiệt hại
(GDVN) - "Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam".
Cabin tàu QNg 96382 bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi ngày 20/3 (Ảnh: báo Người lao động)
Một loạt hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Ngày 25/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết:
"Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam".
Ông Lương Thanh Nghị nói tiếp: "Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc".
Trước đó, ngày 19/3, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia đã nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình "Tam Sa" và đài truyền hình vệ tinh "Tam Sa"; cử Biên đội tàu Hải Giám 83 cùng trực thăng Hải giám B-7103 và các tàu Hải Giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàucá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này, và mới đây nhất là cử tàu khảo sát khoa học nghề cá Nam Phong đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị |
Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam".
Cần bảo vệ cho hành động khẳng định chủ quyền Tổ quốc
Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Giáo dục Việt Nam, ông Trần Cao Mưu- Tổng thư ký Trung ương Hội nghề cá Việt Nam nêu quan điểm của Hội:
"Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động trên của phía Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động sai trái trên, không được gây cản trở đến hoạt động sản xuất khai hải sản của ngư dân Việt Nam. Đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động, kế hoạch, dự án xâm phạm đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối và có biện pháp thật quyết liệt, hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân khi đi khai thác trên biển, góp phần gìn giữ an ninh quốc phòng và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ Quốc".
Ông Mưu cũng cho hay: "Nếu trong quá trình khai thác mà có một sự gây hấn nào đó thì rất cần một lực lượng nào đó ở bên cạnh để bảo vệ cho ngư dân khai thác. Trung Quốc đã làm việc này từ lâu và chúng ta cũng nên làm như thế trên vùng biển của chúng ta.
Trong thời gian tới, vì lực lượng bảo vệ của chúng ta còn mỏng nhưng với các đoàn thuyền đánh cá lớn mà có được những tàu tuần tra, hộ tống thì ngư dân sẽ yên tâm hơn rất nhiều trong quá trình khai thác hải sản. Đương nhiên sự bảo vệ và hộ tống này không phải là để gây sự và đánh nhau mà mục đích là tăng cường sự bảo vệ, ngăn cản những hành động sai trái từ phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam".
"Có thể lực của chúng ta còn yếu nhưng sự bảo vệ này là cần thiết bởi việc ngư dân ra đánh cá không chỉ là việc liên quan đến vấn đề kinh tế mà đó còn là một sự khẳng định về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Trần Cao Mưu nói.
Lời kể của chủ tàu bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi cabin
Chủ tàu cá QNg 96382 bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi cabin là ông Bùi Văn Phải (thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn - Quảng Ngãi) kể: "Khi phát hiện tàu tuần tra Trung Quốc đuổi theo, tôi vội nhảy lên cabin cầm lái và kéo ga cho tàu chạy thật nhanh hướng vào đất liền. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc công suất lớn nên nhanh chóng kẹp sát tàu chúng tôi, uy hiếp buộc dừng lại. Không nói không rằng, chỉ ít phút sau, đạn lửa từ tàu tuần tra Trung Quốc bất ngờ trút xuống cabin tàu chúng tôi làm toàn bộ anh em hoảng loạn.
Tôi vội ra lệnh anh em ra phía mũi tàu, đưa tay lên đầu, còn tôi và một người ở lại cabin để điều khiển tàu và gỡ máy định vị giấu đi. Trong lúc đó, vì trúng đạn lửa nên cabin cháy bừng bừng, 4 bình gas trên cabin có nguy cơ nổ nên chúng tôi liều mình lao ra, tạt nước biển dập lửa. Thấy tàu chúng tôi cháy, tàu Trung Quốc vội vã nổ máy quay đầu bỏ đi. May là kịp thời dập lửa chứ 4 bình gas đồng loạt phát nổ thì không biết chuyện gì xảy ra".
Sau khi tích cực chữa cháy, khoảng 30 phút sau lửa trên tàu được dập tắt. Tuy nhiên, toàn bộ áo quần, mền, chiếu... của ngư dân bị cháy rụi. Vì không còn quần áo, lương thực nên tàu QNg 96382 TS đành quay về, chấp nhận tổn thất hàng trăm triệu đồng".
(Báo Người lao động)
tổng thư ký ngư dân bão vi phạm xử lý nghiêm người lao động khai thác đại sứ quán quảng ngãi thiệt hại việt nam bồi thường thiệt hại trung quốc
Post a Comment