Một thoáng Châu Giang
Là 1 trong 12 làng Chăm danh tiếng nhất của vùng biên giới An Giang, làng chăm Châu Giang ở Tân Châu từ lâu đã mang trong mình vẻ cuốn hút đầy bí ẩn. Ngoài những tấm lụa thổ cẩm đặc sắc đẹp đến mê hồn là những chiếc khăn xà rông độc đáo mà nếu chỉ thoáng qua, nhiều người ngỡ như mình đang lạc vào một thế giới đạo Hồi bên Trung Đông nào đó.
Vũ điệu Chăm
Ảnh: T.L
Những tòa Thánh đường nguy nga tráng lệ với hai màu xanh trắng thông thường nhưng rất đặc biệt bởi những kiến trúc vòng cung mà điển hình là mái vòm mang hình củ tỏi độc đáo. Tuy nhiên, Châu Giang không chỉ có vậy mà trên hết, những con người thân thiện và vô cùng hiếu khách nơi đây mới là điều mà bạn sẽ nhớ mãi, nếu một lần lạc bước vào vùng đất hoang sơ này.
Cách đây ít thời gian, lúc đi công tác ở vùng Tân Châu - một trong những điểm thượng nguồn của dòng sông Tiền chảy vào Việt Nam, khi đi qua bến phà Châu Phong, chúng tôi đang chạy xe chợt dừng lại vì một vẻ đẹp ngỡ ngàng lướt qua. Thấp thoáng, bên khung cửa sổ của gian nhà gỗ cũ kỹ, dưới chiếc khăn thổ cẩm đặc trưng của những người con gái Chăm nơi đây, là một gương mặt đẹp thánh thiện đến mê hồn. Có lẽ, cái sống mũi, gò má và nét mày thanh tú kia chỉ thường gặp trong những tác phẩm hội họa, những thước phim mà thôi. Và, càng bất ngờ hơn nữa, vẻ đẹp mặn mà có một không hai ấy lại xuất hiện ở nơi heo hút vùng thượng nguồn biên giới này, ngay bên bờ sông Tiền mênh mông thơ mộng. Cũng chính vì vẻ đẹp hút hồn bất chợt ấy, lòng người lữ khách phương xa như chúng tôi cũng xôn xao và gần như không còn đủ sức đi tiếp. Thế là, cả hai bèn dừng xe, vừa để nghỉ chân và cũng là để tìm lại khoảnh khắc tuyệt vời đã qua. Ngồi bên một quán nước nhỏ ngay ngã ba tỉnh lộ 951, nhìn ra dòng sông Tiền mùa nước cạn lặng lẽ, anh bạn đồng hành ướm hỏi bà cụ bán nước, vùng này là đâu mà nhiều người con gái đẹp thế cụ. Nghe vậy, bà cụ lấy thêm đá cho vào ly cà phê rồi mỉm cười, chắc các chú người vùng xa mới đến đây nên không biết chứ ở đây là vùng Châu Giang, 1 trong 12 làng Chăm danh tiếng nằm rải rác ven sông Tiền, sông Hậu. Có một đặc điểm mà đến nay, nhiều người vẫn không sao giải thích nổi là chỉ những người con gái Chăm Châu Giang mới đẹp chứ những người con gái thuần Việt khác sinh sống trong vùng cũng chỉ...thường thường bậc trung mà thôi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo những bậc cao niên sinh sống ở các thánh đường người Chăm vùng An Giang, mặc dù có cùng nòi giống với người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng người Chăm vùng An Giang lại có tổ tiên ở bên Campuchia di cư sang. Về vấn đề này, một số ông Cả làng Chăm khẳng định, tổ tiên của họ đã di cư từ cách đây khoảng 300 năm. Đó chính là những phụ nữ Chăm xinh đẹp bị đại quân của Nguyễn Hữu Cảnh, người đã đem quân chinh phục xứ Chân Lạp ngày xưa bắt về làm mỹ nữ. Những người con gái sắc nước hương trời bị bắt theo đoàn quân chiến thắng năm đó cùng với những tù binh người Chăm khác đã bị bỏ lại và trốn thoát khi quân Nguyễn Hữu Cảnh dừng lại ở một số cù lao bên bờ sông Tiền, sông Hậu trên đường về nước. Đó cũng chính là khởi nguồn các làng Chăm Châu Giang danh tiếng sinh sống giữa cộng đồng người Kinh như ngày nay. Có lẽ, do tổ tiên là các mỹ nữ sắc đẹp tuyệt vời nên bây giờ, hàng trăm người con gái Chăm đều mang trong mình một vẻ đẹp kiều diễm ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.
Vẻ đẹp Chăm bên khung dệt thổ cẩm
Ảnh: T.L
Về những người con gái đẹp nổi tiếng ở vùng Châu Giang có lẽ tôi không cần nói thêm nhưng những hình ảnh về nó cứ ám ảnh tôi mãi. Thú thực, trong ánh mắt của những cô gái Chăm mà tôi biết, và nhớ luôn đọng lại những điều bí ẩn, huyền hoặc mà không làm sao cắt nghĩa được. Thế nên, theo nhiều giải thích khác thì phụ nữ người Chăm Châu Giang họ đẹp cũng một phần bởi do khí hậu nơi đây hiền hòa, quanh năm sống gần sông nước, kênh rạch khiến cho vẻ đẹp người con gái cứ ngày càng trở nên thanh thoát hơn. Ở đó, dưới bóng mát của những vườn cây trái, bên những ngọn gió hiu hiu đầy hương phù sa mát lành của thượng nguồn sông Tiền cũng ngày càng làm đẹp thêm những người con của xứ sở diệu kỳ này.
ĐOÀN XÁ
Post a Comment