Vén màn nguồn gốc chương trình hạt nhân của Iran
NDĐT- Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với hãng tin BBC, ông Akbar Etemad - người được mệnh danh là "cha đẻ chương trình hạt nhân của Iran" đã kể về quá trình bắt đầu dự án hạt nhân của Iran dưới thời Quốc vương Iran. Câu chuyện của ông Akbar đã phàn nào vén lên bức màn về nguồn gốc của một trong những vấn đề đau đầu của quốc tế hiện nay.
Ông Akbar Etemad, cha đẻ chương trình hạt nhân của Iran
Giờ đây, ở độ tuổi 80, ông Akbar Etemad vẫn còn nhớ rất rõ về chuyện người Mỹ đã tìm cách gây sức ép đối với ông khi ông đang đảm nhiệm vị trí phụ trách chương trình hạt nhân của Iran trong khoảng từ năm 1974 đến năm 1978. Thời điểm đó, ông Etemad là chủ tịch của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran và dưới sự chỉ đạo của ông, dự án hạt nhân của nước này đã được bắt đầu và đã đạt được những thành công nhất định.
Khi đó, Quốc vương Iran đã tuyên bố rằng ông ta muốn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Iran, một kế hoạch được Mỹ ủng hộ. Mục tiêu của dự án là làm sao để Iran có thể sản xuất được 23 nghìn megawatt điện mỗi năm. Nhưng ông Etemad cho biết, chẳng mấy chốc người Mỹ đã tìm cách áp đặt các điều kiện của họ.
Ông hồi tưởng lại, ban đầu những người Mỹ rất ủng hộ dự án này "bởi họ nghĩ rằng họ sẽ là một đối tác của Iran trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân. Tôi có ấn tượng rằng những người Mỹ muốn áp đặt quan điểm của họ lên đất nước Iran và tôi từ chối làm việc với họ. Chúng tôi đã thảo luận trong vòng bốn năm về những điều khoản của một hiệp định song phương và chúng tôi đã không bao giờ đạt được sự đồng thuận". Những người Mỹ đã nói với ông rằng "Iran không phải là một vấn đề đối với chúng tôi nhưng các điều kiện mà chúng tôi áp đặt lên Iran là những điều kiện mà chúng tôi muốn áp đặt lên các quốc gia khác" thí dụ như Nam Tư và Philippines.
Từ năm 1974 đến năm 1978, Iran đã có các cuộc tiếp xúc đều đặn với Mỹ, và các sinh viên Iran đã được gửi tới Mỹ để học về các ngành nghiên cứu hạt nhân. Và ông Etemad tiết lộ rằng Quốc vương Iran đã tỏ ý muốn bỏ ngỏ các lựa chọn trên bàn đàm phán về việc phát triển một quả bom hạt nhân. Ông nói: "Ở thời điểm đó, Quốc vương đã có ý tưởng rằng ông đã đủ mạnh so với các nước trong khu vực và ông có thể bảo vệ các lợi ích của chúng tôi trong khu vực và ông không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng ông nói với tôi rằng nếu điều đó thay đổi, chúng ta sẽ phải có vũ khí hạt nhân". Ông Etemad giải thích: "Nhiệm vụ của tôi là phải tìm kiếm mọi công nghệ có thể hình dung được trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân".
Sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, chương trình hạt nhân của nước này đã bị ngừng một thời gian. Ông Etemad cho biết: "Lúc đầu, những lãnh đạo của cuộc cách mạng nghĩ rằng công nghệ hạt nhân chỉ là một trong những chiến thuật của Mỹ nhằm can thiệp vào Iran. Sau đó, họ đã nhận ra rằng đó là một chương trình thành công và họ đã tiếp tục thực hiện nó".
Những nhà cầm quyền mới của Iran đã yêu cầu ông Etemad, khi đó đã rời khỏi đất nước, quay trở lại nhưng ông đã từ chối. Tại thời điểm đó, ông không chắc chắn về việc họ muốn làm gì. Ông giải thích, đầu tiên, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, giáo chủ Ayatollah Khomeini đã tỏ ra nghi ngờ tất cả mọi thứ, nhưng sau đó ông ta lại chấp nhận chương trình hạt nhân. Sau đó, ông Etemad cũng đã quay trở lại Iran nhưng ông không hề tham gia vào chương trình hạt nhân của nước này. Ông nói: "Đã quá muộn để tôi quay lại tham gia vào chương trình đó".
Từ nhiều năm qua, đã có nhiều vòng đàm phán tìm cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Vòng đàm phán gần đây nhất đã được tổ chức giữa Iran và nhóm các cường quốc P5+1 bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức. Các quốc gia này muốn Iran cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này rộng hơn so với hiện nay. Đồng thời, để Iran có thể trả lời các câu hỏi và giải tỏa những lo ngại của IAEA về những khía cạnh quân sự có thể có trong chương trình hạt nhân của nước này.
Các cường quốc cũng kêu gọi Iran ngừng việc làm giàu các thanh nhiên liệu Uranium có độ tinh khiết 20% và nên giới hạn việc làm giàu nhiên liệu hạt nhân ở mức tinh khiết dưới 5%. Và vòng đàm phán gần đây nhất đã kết thúc mà không đạt được giải pháp nào. Bình luận về bế tắc hiện nay, ông Etemad nói rằng "sẽ chẳng có lối thoát nào. Tôi nghĩ rằng Iran có quyền thực hiện các nghiên cứu mà họ đang làm và tôi không hiểu tại sao các nước phương Tây lại áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Họ đang gây sức ép lên Iran". Ông cũng đặt câu hỏi: "Tại sao họ không làm điều đó với Ấn Độ, Pakistan hay với Israel". Hiện ông Etemad không thấy có giải pháp nào phù hợp nhưng ông nghĩ rằng "Iran không nên từ bỏ". Và với những người nhắc tới việc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, ông tin rằng "cả Israel hay Mỹ đều không có quyền tấn công Iran".
Sau cuộc cách mạng, ông Etemad đã trở thành một nhà tư vấn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và ông đã thành lập một văn phòng ở Paris (Pháp). Khi đó, nhà cựu lãnh đạo Iraq, ông Saddam Hussein đã tìm cách thuyết phục ông làm việc cho Iraq. Ông đã từ chối và nói với ông Saddam Hussein rằng "chừng nào ông còn chống lại người dân của chúng tôi, tôi sẽ không tới Iraq. Ông là kẻ thù của tôi". Khi đó, Iraq đang có cuộc chiến tranh với Iran. Ông cũng đã từ chối lời mời của nhiều nước đề nghị ông tham gia vào chương trình hạt nhân của họ và lựa chọn cuộc sống lưu vong ở Paris.
MINH TRUNG
(Theo BBC)
Post a Comment