Chỉ 1/7 số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Nhiều người lao động vẫn chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Đặng Tiến
Sau 5 năm bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống:
Số DN nợ, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp ít, không kiểm soát được đối tượng tham gia BHTN... Đó là những vấn đề "nóng" tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách BHTN do Bộ LĐTBXH tổ chức vừa qua.
Con số báo động
Theo thống kê, đến hết tháng 9.2013, cả nước có khoảng 1,3 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp. Số NLĐ thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các thành phố như: TPHCM khoảng 30%; Bình Dương 20%; Đồng Nai 10%... Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 8,3 triệu NLĐ tham gia đóng BHTN. Như vậy, với 1,3 triệu/8,3 triệu NLĐ đăng ký thất nghiệp thì tỉ lệ 1/7 số NLĐ thất nghiệp được đăng ký BHTN là con số đáng báo động cho thị trường LĐ.
Tuy nhiên, ngay cả với những NLĐ bị mất việc làm, việc bổ sung kiến thức nghề với họ là quá xa vời. Họ chấp nhận mất thời gian tìm việc làm nhưng ngại bỏ ra khoảng thời gian từ 3-6 tháng để học nghề dù có hỗ trợ của Nhà nước. Thống kê cho thấy, số NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề tăng qua từng năm, nhưng so với số người thất nghiệp lại rất thấp.
Cụ thể: Năm 2010 có 270 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; năm 2011 có 1.036 người; năm 2012 có 4.776 người; 9 tháng đầu năm 2013 có 7.519 người. Điều này có nghĩa, gần 5 năm chính sách BHTN đi vào cuộc sống chỉ có 13.601 NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề trong tổng số 8,3 triệu NLĐ thất nghiệp.
Một vấn đề đáng quan tâm là tình trạng nợ, trốn đóng BHTN đang trở thành căn bệnh "nan y". Năm 2011 nợ 172 tỉ đồng; năm 2012 nợ 365,45 tỉ đồng, đến hết tháng 6.2013 nợ 555 tỉ đồng, (chiếm 48,9% tổng nợ).
Theo Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH - thì nhiều DN đã trích tiền BHTN của NLĐ qua tiền lương nhưng không thực hiện trách nhiệm đối với họ, khi NLĐ muốn chốt sổ BHXH gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều DN chỉ ký HĐLĐ với NLĐ dưới 12 tháng để tránh đóng BHTN cho NLĐ. Do vậy cơ quan chức năng không thể xác định được cụ thể số DN và NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Phải là chính sách an sinh xã hội?
Sau 5 năm thực hiện, một số chuyên gia cho rằng, chính sách BHTN vẫn chưa đi đúng với bản chất của một chính sách an sinh xã hội, mà mới chỉ ở việc tạm thời thay thế trợ cấp thôi việc hoặc mất việc theo quy định của Bộ luật LĐ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chính sách BHTN được áp dụng thống nhất sẽ tốt hơn so với trợ cấp thất nghiệp riêng lẻ của từng DN. Đồng thời cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN, cụ thể là áp dụng cho cả NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên. Về mức trợ cấp thất nghiệp, với quy định 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho NLĐ thất nghiệp...
Hiện nay, phần lớn NLĐ khi thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp, còn tham gia học nghề, đào tạo lại nghề không được chú trọng. Trong khi đó, về cơ bản, NLĐ thất nghiệp chỉ được đào tạo những nghề thuộc trình độ sơ cấp. Một vấn đề nữa là chi phí học nghề thấp vì phần lớn các DN chỉ tuyển LĐ phổ thông.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Lê Tiến Đạt - cho rằng, cần bổ sung việc bắt buộc tham gia học nghề vào mục 2, Điều 49 BHTN. Vì nhóm NLĐ phổ thông có nguy cơ mất việc làm cao khi DN cần giảm LĐ, do vậy cần phải bắt buộc tham gia các khóa đào tạo tư vấn, tập huấn, do đơn vị dịch vụ việc làm của Nhà nước đào tạo để họ có kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, tránh tái mất việc làm.
Post a Comment