Không tạo "điểm nghẽn" trong giải quyết thất nghiệp
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Luật Việc làm là một luật mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta tới việc chăm lo việc làm cho người lao động (NLĐ). Các đại biểu QH đều mong muốn luật ban hành sẽ đi ngay vào cuộc sống, làm cho vấn đề việc làm phát triển tốt lên, tạo điều kiện cho NLĐ.
Về các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) và qua giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thì thấy rằng cần phải khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội (CTXH) tham gia vào quá trình giải quyết việc làm. Trên thực tế, các TTDVVL của quân đội làm rất hiệu quả, đặc biệt là giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Nhưng nếu Điều 38 của dự thảo luật được thông qua thì số phận của các trung tâm này sẽ như thế nào. Vì vậy nên bổ sung vào khoản b, Điều 38 nội dung "TTDVVL do các tổ chức CTXH và quân đội thành lập" cho phù hợp với thực tiễn.
Việc quy định TTDVVL phải do Bộ LĐTBXH phê duyệt bằng văn bản thì quá ôm đồm. Nên giao việc này cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, TP; vừa thuận lợi trong thực hiện quyền chủ động của chủ tịch UBND cấp tỉnh; vừa tạo điều kiện cho các trung tâm.
Về nhiệm vụ của TTDVVL, tôi thấy giải trình của UBTVQH không nhất quán và có mâu thuẫn. Giải trình nêu "tạo điều kiện bình đẳng cho tất cả các TTDVVL" thì tại sao trung tâm của các tổ chức CTXH lại không được làm? Không cần thiết việc để TTDVVL lại "ôm" luôn quản lý chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Dự thảo thể hiện sự ôm đồm, độc quyền, không bình đẳng giữa các TTDVVL và "đẻ" thêm ra bộ máy cồng kềnh, tăng thêm chi phí.
Tôi đã liên hệ với BHXH Việt Nam, thì được biết: Năm 2013 dự kiến chi trả cho quản lý là 213 tỉ đồng; nếu thực hiện như dự thảo thì chi phí cho quản lý sẽ tăng lên 243 tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc quản lý chi trả bảo hiểm thất nghiệp nếu giao cho TTDVVL (cả tỉnh mới có một trung tâm) thì làm sao giải quyết hết cho NLĐ. Có những NLĐ di chuyển từ nơi sinh sống đến trung tâm phải đi lại hàng trăm cây số, rất vất vả. Thế mà giải trình của UBTVQH lại nói rằng làm như thế là tạo thêm thuận lợi cho NLĐ.
Tôi thì thấy rằng làm thế sẽ tạo ra "điểm nghẽn" trong giải quyết quyền lợi NLĐ. Vì vậy, tôi đề nghị nên giao việc giải quyết chi trả BHTN cho cơ quan BHXH, đặc biệt là BHXH cấp quận, huyện.
Điều 38. Trung tâm dịch vụ việc làm 1. Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, bao gồm: a) Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước thành lập; b) Trung tâm dịch vụ việc làm do tổ chức chính trị - xã hội thành lập. 2. Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập phải phù hợp với quy hoạch và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập trung tâm dịch vụ việc làm được quy định tại khoản 1 Điều này phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. (Dự thảo Luật Việc làm) |
Post a Comment