Header Ads

Tăng lương tối thiểu: Người lao động muốn tăng - doanh nghiệp muốn giảm

(PetroTimes) - Dù Chính phủ đang dự định tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp năm 2014 chỉ 14-15% thay vì 36% như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, tăng lương không khác gì đẩy họ vào ngõ cụt khi họ đang khốn đốn vượt khó trong khủng hoảng.

Cơ quan đại diện cho người lao động đề nghị tăng 21-36%, phía doanh nghiệp phản đối kịch liệt và đề nghị chỉ tăng hơn 10%. Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp hàng chục phiên về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2014. Đại diện giới chủ và người lao động tranh cãi "nảy lửa", kết quả cuối cùng sẽ "ngã ngũ" ra sao vào tháng 10 này?

Ngay từ tháng 8, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia công bố họp bàn về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2014, cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ, việc tăng lương vào thời điểm này không khác gì đòn chí tử giáng xuống đầu doanh nghiệp đang ngắc ngoải. Hiện tiền lương đang chiếm khoảng 10% trong chi phí đầu vào của sản xuất, nếu tăng thêm 17%, chi phí đầu vào đội lên cao, chưa kể giá điện và xăng cũng liên tục tăng, càng khiến doanh nghiệp bế tắc trong việc giải bài toán sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp mà cả Chính phủ cũng đang phải "đau đầu" để tìm ra lời giải hợp lý nhất cho bài toán tiền lương, khi mà doanh nghiệp đang khó khăn vì khủng hoảng, còn người lao động cũng phải chật vật đối phó với cuộc sống, bởi tiền lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu. Đa phần người lao động trong các khu công nghiệp không có tích lũy vì tiền lương chỉ đủ chi trả tiền nhà và các sinh hoạt thiết yếu. Không tăng lương sẽ không đảm bảo cuộc sống của người lao động, gia tăng đình công, tăng lương lại không khác gì đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó khăn hơn.

Làm chính sách tiền lương đúng như Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân ví von, giống diễn viên đi thăng bằng trên dây. Một bên là lợi ích của người lao động, một bên là lợi ích doanh nghiệp, còn diễn viên chính là nền kinh tế, lệch về bên nào diễn viên cũng ngã. Dù vậy, trong thời điểm này, có thể một số doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa nếu tăng lương, nhưng đây cũng là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, phải chấp nhận loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém. Lương tối thiểu hiện quá thấp nên chắc chắn sẽ phải tăng dần để đảm bảo đời sống người lao động. Tuy nhiên, tất cả sẽ phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ công bố vào tháng 10 này, sau khi tính toán cân đối nhằm hài hòa tối đa lợi ích các bên cũng như nền kinh tế vĩ mô.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã nhận được mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1-1-2014 khoảng 14-17% của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Theo Bộ trưởng Đam, hiện Chính phủ vẫn đang tiếp tục bàn bạc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cái khó của chính sách tiền lương là người lao động luôn muốn tăng, còn doanh nghiệp lại muốn giảm. Ngoài ra, chính sách tiền lương là vấn đề luôn có tác động hai mặt, đặc biệt là với môi trường kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đời sống của công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn vì lương thấp, tăng lương sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động. Nhưng ngược lại, theo Bộ trưởng Đam, tăng lương tối thiểu vùng lại tác động rất lớn đến sự tồn tại của doanh nghiệp, cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, để quyết định mức tăng này, Chính phủ đã phải tính toán rất kỹ các bài toán kinh tế. "Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế thu hút đầu tư với nhân tố nhân công rẻ, nên nếu tăng lương tối thiểu nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Vì thế, điều chỉnh tăng là cần thiết, nhưng cũng phải tính toán cân đối hài hòa lợi ích", Bộ trưởng Đam lý giải.

Bằng chứng là trước khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra mức đề xuất tăng 14-17% lương tối thiểu vùng năm 2014, cơ quan đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị mức tăng cao nhất tới 36%. Trong khi đó, cơ quan đại diện các doanh nghiệp sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại đưa ra mức tăng đề xuất cao nhất chỉ hơn 10%. Với vai trò như một trọng tài trong việc tính toán cân bằng lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp và xét tới tác động với nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài đang khiến phần lớn doanh nghiệp rơi vào tình trạng "sống mòn", cơ quan tham mưu tiền lương cho Chính phủ là Hội đồng Tiền lương Quốc gia chỉ "dám" đưa ra mức tăng tối thiểu và tối đa tương ứng 14-17%.

Dù quyết định cuối cùng chưa được Chính phủ đưa ra, nhưng với thông tin mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra, nhiều khả năng mức tăng 14-15% mà Chính phủ đang cân nhắc sẽ được áp dụng vào thực tế, đồng thời sớm được công bố trong tháng 10 này, để dành thời gian cho doanh nghiệp có phương án cân đối thu chi.

Vấn đề là, mức tăng dự kiến này dẫu chưa bằng một nửa đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho rằng, tăng lương vào thời điểm này vẫn không khác gì "ép chết" doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Hiện tại, lương tối thiểu từ vùng I đến vùng IV lần lượt là 2,35-2,1-1,8 và 1,65 triệu đồng/tháng. Theo ông Lê Huy Quân, người phát ngôn Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), thực tế với mức tăng này, lương thực lĩnh của người lao động không tăng, bởi hiện tại đa phần doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu này từ lâu.

Cụ thể như tại Xi măng Bỉm Sơn, lương trung bình của người lao động hiện ở mức từ hơn 3-4 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc tăng lương chỉ khiến doanh nghiệp phải trả thêm phần trăm đóng bảo hiểm xã hội, còn cuộc sống của người lao động không được cải thiện, bởi không được nhận thêm đồng lương nào. "Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh đang quá khó khăn, doanh nghiệp vốn đã phải hoạt động cầm chừng từ lâu. Với hơn 2.000 công nhân, chúng tôi sẽ mất thêm cả tỉ đồng đóng bảo hiểm xã hội cho lao động, chi phí đầu vào tăng thêm, hàng hóa lại càng khó tiêu thụ. Doanh nghiệp thay vì hoạt động ngắc ngoải sẽ chết hẳn", ông Quân bình luận. Bên cạnh đó, theo ông Quân, nếu cầm cự được, doanh nghiệp cũng sẽ phải tìm cân đối thu chi bằng cách cắt giảm chi phí, hạ các khoản phụ cấp ngoài lương, tiêu cực hơn là sa thải bớt lao động. Khi đó, việc tăng lương còn gây ra tác động ngược thay vì cải thiện cuộc sống người lao động.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Giày Phúc Yên (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, là đơn vị 100% gia công cho các đối tác nước ngoài, đơn hàng của công ty vài năm gần đây sụt giảm đáng kể do thị trường tiêu thụ của đối tác sụt giảm vì suy giảm kinh tế. Là đơn vị gia công nên lợi nhuận vốn đã không cao, nay lại mất thêm rất nhiều chi phí bảo hiểm xã hội nếu tăng lương với hơn 1.000 công nhân. Người lao động cũng không được thêm đồng lương nào với mức tăng này, bởi lương trung bình công ty trả cho lao động hiện cũng đã gần 3 triệu đồng/tháng, cao hơn mức tăng mà Chính phủ đề xuất.

Cũng theo ông Toàn, lợi thế lao động rẻ của Việt Nam với các nước trong khu vực hiện cũng không còn nhiều, bởi chênh lệch tiền lương không lớn, mà lợi thế chủ yếu hiện nay là chính sách đầu tư thuận lợi, môi trường chính trị, kinh tế ổn định. Nếu cứ đà tăng lương liên tục hàng năm như hiện nay, đối tác nước ngoài sẽ chuyển dần đơn hàng sang các nước lân cận Việt Nam, doanh nghiệp trong nước sẽ hết cửa cạnh tranh.

Phan Linh

Từ khoá: chi phí đối tác quyết định diễn viên lao động chi phí bảo hiểm công nhân công ty cổ phần kinh tế khó khăn đồng bảo hiểm lợi ích phí bảo hiểm việt nam cạnh tranh khủng hoảng bảo hiểm công ty doanh nghiệp gia chính sách chính phủ nền kinh tế bảo hiểm xã hội bài toán người lao động bão

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.