Còn nhiều bất cập trong xử lý vi phạm BHXH, BHYT
VOV.VN -Mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp... là nguyên nhân dẫn đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập.
Chiều nay (6/11), Đoàn Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị-Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thu, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH, BHYT) của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ủy viên Bộ Chính trị-Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Theo kết quả báo cáo của ông Lê Bạch Hồng - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2013, số người tham gia BHXH, BHYT đạt trên 61.812.339 người (tăng 4.2%) so với cùng kỳ năm 2012; số thu BHXH, BHYT đạt trên 114.650 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Về tình trạng nợ BHXH, BHYT: tính đến hết tháng 9/2013, số tiền nợ là 9.915 tỷ đồng, bằng 7,37% tổng số thu, tăng 2.234 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012, cụ thể: Nợ BHXH là 6.757 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 589 tỷ đồng (ngân sách địa phương nợ 303 tỷ đồng), nợ BHYT là 2.569 tỷ đồng (ngân sách địa phương nợ 1.599 tỷ đồng). Trong đó, doanh nghiệp nhà nước nợ 1.230 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 4.468 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp tư nhân nợ 51 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 1.315 tỷ đồng.
Đặc biệt, không ít trường hợp chủ doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì doanh nghiệp mới chịu nộp. Một số trường hợp Thanh tra lao động ra quyết định xử phạt hành chính về nợ tiền đóng BHXH, BHYT nhưng doanh nghiệp không chịu nộp phạt.
Để xảy ra tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng do chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều bất cập như mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử phạt hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT; quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT thấp hơn mức lãi suất vay Ngân hàng nên đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT. Ngoài ra, nhận thức tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là trong khu vực ngoài nhà nước, do vậy cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHYT, BHXH cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch MTTQ Việt Nam-Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả đạt được của BHXH trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các bộ ngành liên quan cần sớm hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, BHXH để sớm trình Chính phủ và Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế, chính sách đang tồn tại. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần sớm phối hợp với Bộ Tư pháp để đưa vào Bộ luật hình sự tội danh trốn đóng BHXH, BHYT và xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm luật BHXH, BHYT. Năm 2014, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính Phủ, Bộ Tài Chính, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức những cuộc thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp từ đó có những giải pháp cụ thể hơn.
"Đề nghị phấn đấu đến quý 1 năm 2014, giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Bộ Lao động thương binh xã hội và Bảo hiểm xã hội có một thỏa thuận về cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến việc ra đời hoạt động của doanh nghiệp và khả năng giúp Bảo hiểm xã hội nắm được tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Chúng ta nên tổ chức một cuộc hội thảo ở cấp quốc gia với chủ đề Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để chúng ta hình thành được định hướng đổi mới", Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.
CTV Kim Anh/VOV online
Post a Comment