Đến lúc "tuýt còi" bác sĩ "chân ngoài dài hơn chân trong"
ĐBQH đoàn TP Hà Nội nêu quan điểm tại phiên thảo luận tổ về Luật BHYT sửa đổi chiều 14/11.
Theo ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh, sau 4 năm thực hiện, Luật BHYT bộc lộ những mặt hạn chế, do vậy đòi hỏi cần phải khi nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiệm việc sửa đổi cần xem xét kỹ lưỡng, làm sao các quy định sau khi điều chỉnh sẽ đảm bảo tính khả thi, tránh phải chỉnh sửa chỉ sau một thời gian ngắn có hiệu lực.
Về vấn đề BHYT bắt buộc, được áp dụng với mọi đối tượng, nghĩa là 2 loại hình bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc giờ chỉ còn lại duy nhất BH bắt buộc. ĐB Thanh đề nghị cần phải hết sức cân nhắc với quy định này.
ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi và các ĐB đoàn Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 14/11. (Ảnh Nguyễn Dũng) |
"Nếu quy định BHYT bắt buộc ngay lập tức sẽ thiếu khả thi. Bởi luật quy định như vậy thì cá nhân không tham gia BHYT sẽ bị xử lý" - ĐB Thanh nêu quan điểm.
Tương tự, về quy định hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu. Nữ ĐB cho rằng, quy định này một mặt bảo đảm chủ trưởng khuyến khích hộ gia đình tham gia BHYT, nhưng ngược lại vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì thực tế nhiều hộ gia đình có nhiều người sống ở các vùng khác nhau. Không ít trường hợp con cái lấy chồng rồi nhưng vẫn có hộ khẩu tại gia đình.
Mặt khác với các gia đình nông thôn việc tham gia BHYT gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi họ luôn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chỉ tập trung lo ăn, học cho con cái mà khó có điều kiện lo BHYT cho cả gia đình.
Bên cạnh đó, ĐB Thanh cũng cho rằng, phương thức đóng BHYT quy định 6 tháng hoặc 1 năm như dự thảo không phù hợp. Theo ĐB thời gian đóng nên quy định hàng tháng để các gia đình có thể tham gia.
Đồng tình với nội dung tờ trình, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi, người đang giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, liên Bộ Y tế - Tài chính thống nhất, phê duyệt mức giá chung đối với các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc là phù hợp.
Theo ĐB, trước đây việc xây dựng mức giá thông qua HĐND các tỉnh, thành có nhiều bất cập vì thời điểm áp dụng không thống nhất, và mức giá cũng không hợp lý. Sau khi thông tư 04 quy định về mức viện phí ban hành, có hiệu lực thì các tỉnh, thành phố lại mời các đơn vị xây dựng lại giá. Như vậy sẽ mất nhiều thời gian.
Đồng tình với báo cáo giám sát của Quốc hội về tỷ lệ chuyển tuyến, vượt tuyến tăng rất nhanh, theo ĐB Nhi nguyên nhân do người bệnh chưa tin tưởng vào chất lượng ở tuyến dưới, chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Nếu làm mệnh lệnh hành chính sẽ ảnh hưởng đến quyền của người bệnh. Nhưng nếu cứ để tùy tiện thì sẽ dẫn đến quá tải ở tuyến trên, và gây lãng phí ở bệnh viện tuyến dưới. Vì thế việc này nên cần phải thực hiện có lộ trình. Về lâu dài cần phải có giải pháp hữu hiệu để bệnh viện tuyến cơ sở thực sự vững mạnh, có cán bộ chuyên môn tốt, để bệnh nhân không phải vượt tuyến, và yên tâm điều trị" - ĐB Nhi nói.
Ngoài ra, đại biểu này cũng đề nghị nên chi trả BHYT cho "bệnh viện ban ngày" - mô hình ở nước ngoài hiện rất khuyến khích. Nếu chi trả BH theo hình thức này, người bệnh sáng đến bệnh viện khám điều trị, đến chiều hết giờ lại về nhà và vẫn được thanh toán bằng BHYT.
Cho rằng, tập trung đầu tư chăm lo cho lĩnh vực y tế, giáo dục là điều rất cần thiết, tuy nhiên theo ĐB Bùi Thị An đối với BHYT bắt buộc phải có gói dịch vụ cơ bản, nhà nước phải hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, và các gia đình chính sách.
Bên cạnh đó cũng nên đa dạng các gói BH khi thực hiện BHYT toàn dân để người dân lựa chọn. Người ít tiền sẽ dùng gói BH này, người nhiều tiền hơn sẽ lựa chọn gói kia, như vậy sẽ phù hợp với từng đối tượng.
Trước những bất cập trong ngành y tế thời gian qua, ĐB Bùi Thị An đề nghị: "Đến lúc cần đưa ra quy định để bác sĩ tham gia khám chữa bệnh bên ngoài bớt đi. Cứ để tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" sẽ khiến tinh thần chữa bệnh cứu người cũng giảm đi".
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Đinh Xuân Thảo đề nghị nên có quy các định mức đóng BH, chẳng hạn mức phổ thông, và các loại BH khác để người có điều kiện về kinh tế tham gia.
Theo ĐB Thảo, xu hướng phải sớm thực hiện BHYT 100% là rất tốt. Bởi những người bị mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt ở các vùng nông thôn sẽ thấm thía nếu không có BHYT.
Tuy nhiệm, ông cũng cho rằng, hình thức BH như hiện nay còn nhiều hạn chế, vì thế cần sửa đổi theo hướng ngày càng thuận lợi cho người đóng BH.
Post a Comment