Header Ads

Tiết kiệm để "đương đầu" với năm 2014

GiadinhNet - Năm 2014, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước là 5,8%. Mục tiêu này không hề dễ dàng cho Việt Nam trước bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đầy những khó khăn và nhóm các nước mới nổi không còn là "phao cứu sinh" cho nền kinh tế thế giới. Lo lắng ấy càng có cơ sở khi tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ đạt 5,42% - thấp hơn so với chỉ tiêu 5,5%.

Năm 2014 được cho là sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, đòi hỏi Chính phủ có các giải pháp điều hành kiên quyết. Ảnh: Việt Nguyễn.

Tiết kiệm tiền

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và 63 địa phương vào cuối tháng 12/2013, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo rằng trong năm 2012 có tới 2.043 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài, trong năm 2013 có giảm nhưng vẫn tới 1.029 đoàn (riêng ở cấp tỉnh, thành phố, số lượng này còn lớn hơn khi năm 2012 có 5.800 đoàn, năm 2013 là 4.926 đoàn). Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc có quá nhiều đoàn liên tiếp đi công tác nước ngoài đã dẫn tới sự trùng lặp, lãng phí không cần thiết cho ngân sách.

Vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, cần chấn chỉnh ngay để tránh lãng phí cho ngân sách, tránh làm xấu đi hình ảnh Quốc gia.

Do đó, tại dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành cho năm 2014, Chính phủ đã đưa "triệt để tiết kiệm" vào nhóm đầu tiên trong 9 nhóm giải pháp, cùng với việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ; Phát triển trị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa... để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý vấn đề này, cân nhắc số đoàn, số người, yêu cầu đi nước ngoài để tránh lãng phí.

Cụ thể hơn, để tiết kiệm trước bối cảnh khó khăn này, trong năm 2014 sẽ rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt; Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); Quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn...

Đề xuất xử lý hình sự nếu "trốn" bảo hiểm

Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dự thảo Nghị quyết điều hành năm 2014 của Chính phủ dự kiến giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh như: Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động; Gian lận, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khẳng định sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, như: "Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia". Chính phủ cũng xác định sẽ rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét, quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách, kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hiệu quả cao hơn.

Tiết kiệm người

Hai con số 30% và 1% có thể sẽ tiếp tục gây sự chú ý trong năm 2014 này. 30%, nói theo dư luận, là lượng cán bộ, công chức không làm được việc, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Trong khi đó, nói theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, con số này thực ra chưa đến 1%. Bởi về việc này, cũng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ cuối năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn: "Vấn đề này đang rất bức xúc, yêu cầu phải nhanh chóng làm rõ". Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chỉ đạo, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị đều phải làm rõ chức năng nhiệm vụ từ Bộ cho tới vụ, cục, phòng ban... Từ đó, xác định chức danh, tiêu chuẩn của từng người, vị trí công việc của từng người. Ngoài ra, phải ban hành bộ tiêu chí để đánh giá các công chức hoàn thành nhiệm vụ. Nếu nhiệm vụ không rõ, chức danh, vị trí việc làm không rõ thì không đánh giá được.

Những chỉ đạo này cũng là nội dung trong dự thảo Nghị quyết điều hành năm 2014. Cụ thể, đến hết năm 2016, cơ bản sẽ không tăng thêm tổng biên chế. Bộ Nội vụ được giao rà soát sắp xếp lại biên chế hiện có theo vị trí việc làm, xây dựng chính sách tinh giản biên chế và có phương án xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại. Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức sẽ tiếp tục với nhiều vấn đề, như: Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, thu hút người có tài năng; Tăng cường công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu và kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; thí điểm chế độ tập sự, thực tập lãnh đạo quản lý; Đổi mới và nâng cao chất lượng thi tuyển, nâng ngạch công chức, sát hạch công chức, viên chức...

Trong khi đó, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì việc áp dụng các biện pháp ghi nhận ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, coi đây là một căn cứ đánh giá cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật.

 

Việt Nguyễn

Từ khoá: quản lý nhà nước nguyễn tấn dũng thủ tướng nền kinh tế đồng bảo hiểm bảo hiểm xã hội gia tiết kiệm hiệu quả lao động người lao động giải pháp khó khăn dự thảo bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ bão chính phủ kinh tế thế giới chính sách kinh tế trục lợi bảo hiểm nâng cao chất lượng xử lý nghiêm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.