Header Ads

Chính sách tinh giản biên chế: "Làm tốt thì không cần nghị định"

(CATP) Mặc dù dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế đang trong giai đoạn lấy ý kiến, nhưng đã có nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của chính sách này khi đi vào cuộc sống. Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương  (ảnh) đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên:Ông đánh giá thế nào về chính sách tinh giản biên chế đang được dự thảo hiện nay?

- Ông Nguyễn Sỹ Cương: Phải nói rằng đây là chủ trương đúng, các nước trong khu vực đều thực hiện. Dự thảo trình Chính phủ lần này đã có một số đánh giá mạnh dạn như chúng ta đã không giảm được các đối tượng cần giảm, mục tiêu tinh giản không làm được... Đó là những đánh giá thẳng thắn, xác thực nhưng bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần đặt ra như có thể còn sự trục lợi từ chính sách này. Cơ quan Nhà nước cơ bản thực hiện đúng, nhưng có cơ quan còn tiếp tay cho một số cán bộ công chức (CBCC) lợi dụng chính sách này không phải là hiếm.

-Phóng viên:Ở góc độ của người làm luật, ông còn điều gì quan ngại nếu chính sách này được triển khai?

- Ông Nguyễn Sỹ Cương:Nói thẳng luôn, Bộ Nội vụ đưa ra con số tinh giản 100.000 người và 8.000 tỷ kinh phí chi trả cho chế độ cho việc tinh giản biên chế, đều không có cơ sở. Bản thân cơ quan soạn thảo cũng không giải trình được con số này. Trong khi đó đây lại là mấu chốt của nghị định vì liên quan tới trình tự thủ tục, cách thức triển khai chế độ chính sách. Nếu anh không làm rõ được căn cứ nào đưa ra con số đó thì sẽ giống như tình trạng bốc thuốc, muốn bốc bao nhiêu thì bốc.

Đã có nhiều người đặt vấn đề về con số 100.000 CBCC phải tinh giản. Tại sao lại là 100.000, sao không ít hay nhiều hơn? Có thể nó tương đương với gần 3% tổng số CBCC hiện nay (theo báo cáo có khoảng 2,8 triệu CBCC). Trong số 2,8 triệu CBCC ấy có bao nhiêu người đủ trình độ năng lực, có bao nhiêu người làm đúng ngành nghề, có bao nhiêu người đủ điều kiện tiêu chuẩn ngành, đủ sức khỏe...? Khi có số liệu chính xác thì mới đặt ra có ngần này người không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ sức khỏe, không đủ trình độ, đang đứng trong ngạch mà không đủ tiêu chuẩn cần tinh giản thì mới ra được con số cụ thể, từ đó đưa ra lượng kinh phí.

Một điểm nữa tôi muốn nói đến là quá trình làm việc của mỗi CBCC rất khác nhau, có người làm việc rất lâu, cống hiến nhiều, chế độ chính sách sau tinh giản như thế nào? Có người lại mới vào. Vậy thì anh phải dựa vào số liệu cụ thể, con số cụ thể cần giảm, từ đó phân tích cụ thể mới ra được tổng kinh phí chứ không thể tính bình quân để đưa ra số tiền được.

- Phóng viên:Hiện ở Việt Nam tồn tại một "luật" bất thành văn là "đã vào thì không ra, đã lên thì không xuống". Theo ông, dự thảo nghị định nếu được ban hành có hóa giải được "luật" này không?

- Ông Nguyễn Sỹ Cương:Không hóa giải được. Tinh giản biên chế đặt ra hai vấn đề: thứ nhất tổ chức sắp xếp lại và dôi ra. Thứ hai là qua đánh giá CBCC xác định số lượng tinh giản, có thể nhận thêm người vào vị trí cần. Cả hai đều thực hiện không rõ ràng.

Việc đánh giá CBCC bấy lâu nay vẫn làm theo kiểu hình thức, mà cứ theo cách thức như vậy thì chả ai không hoàn thành nhiệm vụ trừ mấy ông bị kỷ luật. Trên cơ sở đánh giá không chính xác thì làm sao đánh giá được người nào làm được việc, chưa kể nói tới nghịch lý trong quản lý sử dụng CBCC. Nhiều cơ quan, tổ chức lấy người về nhưng lại không có biện pháp sử dụng cho hết công suất, cứ ang áng, thiếu thì xin thêm biên chế, còn không có việc thì ngồi chơi. Cơ quan Nhà nước nào cũng thế, ai làm được việc thì tối mắt tối mũi, xin đi học cũng khó; còn đối tượng kia thì hoặc ngồi chơi hoặc xin đi học, học từ thạc sĩ cho đến tiến sĩ... Tới lúc tinh giản mới cười ra nước mắt, vì người ta nói tinh giản mấy ông trình độ thấp chứ tôi thạc sĩ, tiến sĩ sao lại tinh giản được!

- Phóng viên:Như ông nói, việc đánh giá CBCC vốn rất hình thức. Liệu có nảy sinh tiêu cực từ chính việc đánh giá này không?

- Ông Nguyễn Sỹ Cương:Chắc chắn có tiêu cực, nhất là nhiều người quen, con ông cháu cha trong cơ quan Nhà nước. Họ được ưu ái, giao nhiều việc. Thực tế là được làm việc hay không được làm việc còn phụ thuộc vào cách giao việc của người quản lý. Có thể ông không thích tôi thì không giao việc cho tôi, chứ không phải là tôi không đủ năng lực để thực hiện công việc ấy. Và khi ông không giao việc thì đương nhiên tôi không có việc gì để làm, dẫn đến rơi vào đối tượng bị tinh giản.

- Phóng viên:Vậy ông đánh giá thế nào về tính khả thi của chính sách tinh giản biên chế lần này nếu được ban hành?

- Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nói với Bộ Nội vụ thà các ông lấy các văn bản cũ sửa chút ít rồi ban hành còn hơn. Trong văn bản có rất nhiều câu kế thừa Nghị định 132/2007 và điều chỉnh một số ý. Ví dụ như chế định hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì tinh giản. Thực tế là Nghị định 132 đã đưa ra và chưa thực hiện được, giờ lại lấy cái này làm cơ sở cho dự thảo mới là không khả thi.

Sau Nghị định 132, đáng lý phải tổ chức tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả và những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ, lý giải những vấn đề mang tính bản chất của chính sách tinh giản biên chế. Việc tinh giản do bộ máy là một phần, quan trọng là các nhà quản lý của ta không thực sự đặt trách nhiệm lên trên hết. Chẳng hạn, khi thấy tổ chức như thế, tình trạng cán bộ chơi nhiều hơn làm như thế, thừa ra quá nhiều thì phải kiên quyết tinh giản. Đằng này cứ bỏ mặc như vậy, thấy rằng không phải tiền túi mình, ngân sách trả lương nên mặc kệ. Nói thật, chừng nào người ta thấy xót xa cho thiệt hại của ngân sách khi để CBCC ngồi chơi xơi nước thì chẳng cần có nghị định mà vẫn tinh giản được. Nghị định có chăng là căn cứ thực hiện chế độ chính sách, còn giảm thì không cần đưa ra nguyên tắc, không cần đưa ra đối tượng.

Một điều nữa chưa ai nói tới nhiều là việc thiệt hại từ tinh giản. Người ta mới thấy đó là mặt lợi nhưng mặt trái cũng có, nhất là trong điều kiện hiện nay. Mọi người có ý kiến lo ngại vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính việc tinh giản biên chế sẽ góp phần cho việc này vì một lượng về hưu trước tuổi. Khi số lượng hưởng chế độ chính sách BHXH tăng lên thì quỹ này sẽ gánh nặng hơn. Hiện số này là bao nhiêu thì chưa rõ, tuy chưa phải là lớn so với tổng thể, vài phần trăm nhưng cộng với số lượng nghỉ hưu đến tuổi thì sẽ là gánh nặng cho quỹ.

- Xin cám ơn ông!

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU RẤT QUAN TRỌNG

Nhu cầu giảm biên chế rất cần thiết, nhưng việc tuyển người vào để phục vụ chỗ thiếu cũng cần không kém. Cho nên dự thảo nghị định này phải xử lý cả hai vấn đề và tính khả thi của nó phải đáp ứng được hai yêu cầu: giảm một bộ phận cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu, không đúng trình độ ngành nghề đào tạo. Nhưng cũng rất cần tính toán đến một lượng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, có năng lực, có trình độ đáp ứng với yêu cầu của tổ chức để đưa vào làm việc. Nếu đưa ra mà không người thay thế những vị trí đó thì ai làm? Công chức của chúng ta hiện nay có chuyện là khi bình xét thì hầu như ai cũng là lao động tiên tiến, ai cũng xuất sắc hết. Vậy thì khi xem xét đưa ai ra là không có căn cứ, chưa nói đến việc người đứng đầu không khách quan sẽ loại bỏ người phản đối mình, giữ lại bè cánh của mình.

Chúng ta từng cải cách hành chính, nhưng cách làm không bài bản, không cương quyết, không có sự thống nhất tập trung cao của cấp ủy, của người đứng đầu, của các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quần chúng trong cơ quan. Bây giờ chúng ta lại giao trách nhiệm này cho người đứng đầu quyết định. Rõ ràng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng nhưng phải dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy Đảng thì lãnh đạo Đảng ở đây phải như thế nào, tổ chức trính trị công đoàn, thanh niên, phụ nữ vào cuộc như thế nào để đảm bảo khách quan. Người ta nghi ngờ là nghi ngờ như thế. Thứ nữa là người ta nghi ngờ tại sao anh lại đặt ra con số 100.000 trong lúc anh chưa xác định được tổng số công chức hiện nay là bao nhiêu. Trước nói 1% thì Quốc hội phản đối, dự báo 30% cũng bảo không phải. Vậy tại sao lấy căn cứ xác định là 100.000? Cái này cũng là một câu hỏi. Tuy nhiên, 100.000 hay 200.000 cũng chỉ là dự báo. Vấn đề là anh thực hiện thế nào. Nếu anh làm công khai, minh bạch thì chuyện giảm đi bao nhiêu cũng không có gì phải băn khoăn cả.

Cái khó nhất của công chức chúng ta là ai làm việc tốt, ai làm việc xấu, cái ranh giới để đánh giá, nhận xét CBCC không được đặt ra tiêu thức cụ thể mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan và cảm tính của người nhận xét, đặc biệt là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu. Cho nên mới nói là việc này phải có sự lãnh đạo, quyết tâm chính trị cao của Đảng, sự công minh chính trực của người đứng đầu, sự vào cuộc khách quan, dân chủ, công khai, bình đẳng của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể ở trong cơ quan đó thì mới làm được.

Vấn đề tinh giản biên chế hiện nay lợi thì có lợi nhưng vẫn có cái bất cập là ở chỗ có thể người giỏi người ta cũng ra đi, và có thể người không giỏi thì ở lại. Mà nếu làm không cẩn thận, không công khai, không dân chủ thì lại dẫn đến khiếu nại, tố cáo, rồi gây mất đoàn kết. Dù vậy, tôi nhắc lại tinh giản biên chế vẫn là việc phải làm. Báo chí nên ủng hộ vì đây là chủ trương hoàn toàn đúng. Tôi chỉ băn khoăn một cái là cách làm, cách thực hiện và ý chí của người đứng đầu.

HẢI TRIỀU (ghi)

TRƯỜNG HỢP NÀO SẼ TINH GIẢN BIÊN CHẾ?

Theo dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, đối tượng bị tinh giản sẽ là các CBCC, viên chức, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật (gọi chung là CBCC, viên chức), trong biên chế công chức hoặc số lượng người làm việc được cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền giao, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp:

+ Dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

+ Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.

+ Những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

+ Những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

+ Những người có 2 năm liên tiếp gần đây, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định một số đối tượng khác.

 

Từ khoá: bão đào tạo chính trị chuyên môn trách nhiệm dự thảo nghị định việc làm pháp luật bảo hiểm xã hội quỹ bảo hiểm nhà nước chính sách khám chữa bệnh quy định người lao động bhxh gia

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.