Google, Amazon, Apple, Facebook... là nhà xuất bản nổi tiếng nhất
Bà Claudia Kaiser đang giới thiệu bức tranh ngành sách trên thế giới - Ảnh: L.Điền
Đây là thông tin từ bà Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - trong buổi gặp gỡ với các đơn vị làm sách tại TP.HCM sáng 21-3.
Cuộc gặp này do Văn phòng đại diện phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, mục đích nhằm giới thiệu các đơn vị làm sách của Việt Nam với đại diện Hội chợ sách Frankfurt để lắng nghe, trao đổi các thông hữu ích.
Trong khuôn khổ một cuộc chuyện trò, bà giới thiệu ba mảng nội dung: khuynh hướng phát triển sách sắp tới của thế giới; những vấn đề giao dịch bản quyền tại hội chợ sách Frankfurt; và Việt Nam có thể làm được gì tại hội chợ sách quốc tế này.
Về khuynh hướng sách hiện nay và sắp tới, điểm đáng chú ý là các nhà xuất bản tên tuổi hiện nay được biết đến nhiều nhất lại chính là Google, Amazon, Apple, Facebook...
Trong khi cùng với những thách thức về bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ do công nghệ phát triển đang tạo ra nhiều loại hình kinh doanh mới, thì tại thị trường phương Tây như nước Đức, trong 2 năm qua đã có hàng triệu người không mua sách nữa mà chuyển sang mua các chương trình giải trí trên mạng.
Theo bà Claudia Kaiser, các công ty sách phải tìm kiếm mô hình kinh doanh thích hợp để bảo đảm doanh số trong thời kỳ mới - Ảnh: L.Điền
Điều này chỉ ra một thực tế: Ngành sách đang đánh mất độc giả của mình. Và nó diễn ra tại nhiều nước, kể cả tại 7 quốc gia được xem là có nền xuất bản lớn nhất thế giới: chiếm 2/3 lượng người đọc toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn Độ.
Sự phát triển của công nghệ số và kỹ thuật số hóa nội dung sách cũng là một thách thức cho ngành xuất bản. Ở lĩnh vực e-book, thách thức cũng chính là phải làm ra sản phẩm mới chứ không chỉ dừng lại ở hình thức phiên bản của sách giấy.
Một trong những dự báo đáng chú ý cho tương lai ngành sách là có thể mai này các sản xuất bản phẩm sẽ đi trực tiếp từ nhà xuất bản đến độc giả chứ không phải từ nhà xuất bản đến các cửa hàng sách như lâu nay. Song song đó, tự xuất bản dựa trên nền tảng công nghệ cũng là một xu hướng tạo ra thách thức cho xuất bản truyền thống.
Với bối cảnh như vậy, một nền xuất bản đang phát triển như Việt Nam cần cân nhắc kỹ khi đến với các hội chợ sách quốc tế như Frankfurt thì trước hết mục tiêu là gì?"Các bạn muốn mua bản quyền, muốn bán nội dung sách, hai việc này là rất khác nhau", bà Claudia lưu ý.
Việt Nam khi đến hội chợ sách Frankfurt cũng cần xác định mảng sách nào quan tâm, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để tham gia hội chợ, tìm hiểu các "tay chơi" tại Frankfurt, và quan trọng là cần tự xem xét mình sẽ tham gia được những sự kiện nào, nội dung gì của hội chợ to lớn này.
Cũng theo bà Claudia Kaiser, mấy năm gần đây lượng khách hàng Mỹ tại hội chợ sách Frankfurt giảm đi, trong khi các khách hàng châu Á lại tăng.
Bà Lệ Chi (đứng) - giám đốc Chibooks - đang trao hỏi bà Claudia Kaiser về các khả năng tham gia Asean forum tại hội sách Frankfurt sắp tới - Ảnh: L.Điền
Bên cạnh những khó khăn và thách thức như đã nêu, bà Claudia dẫn lời của CEO tập đoàn Penguin Randomhouse phát biểu hồi tháng 10-2017 vừa qua rằng:
Ngành sách toàn cầu đang phát triển tốt nhất trong 50 năm qua.Lý do là ngành sách có mô hình kinh doanh ổn định hơn các ngành kinh tế khác trong thời kỳ biến động toàn cầu này.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có nền dân số trẻ nên lượng bạn đọc tăng lên đáng kể, nhất là mảng sách dành cho thanh thiếu niên qua thống kê cho thấy phát triển mạnh nhất trong 10 năm qua.
Dù vậy, một chia sẻ tâm huyết mà bà Claudia Kaiser dành cho giới làm sách ở Việt Nam là tất cả phải không ngừng nghiên cứu, mở ra các mô hình kinh doanh mới thích ứng với thời đại mới để bảo đảm doanh số của ngành.
Bà cũng lưu ý rằng một trong những yếu tố quan trọng để nền xuất bản một quốc gia phát triển được và hội nhập thành công với quốc tế là phải có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Chẳng hạn một quốc gia được trở thành khách mời danh dự tại Hội chợ sách Frankfurt - chỉ dấu cho việc hội nhập quốc tế về xuất bản - thì Chính phủ quốc gia ấy phải xem đây là một "dự án triệu đô", với mức đầu tư để được kết quả ấy phải từ 5 triệu USD đến hàng chục triệu USD tùy theo quy mô.
Suy nghĩ từ Hội chợ sách Frankfurt 2015
TTO - Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt 2015 (Đức) trưng bày một số cuốn sách nhưng đa số đều bằng tiếng Việt, khá "lép vế" so với các nước khác.
Source https://tuoitre.vn/google-amazon-apple-facebook-la-nha-xuat-ban-noi-tieng-nhat-20180321150725982.htm
Post a Comment