Điều ước thứ 7 tặng mơ ước cho cô gái vẽ tranh bằng chân ở Huế
Chị Huỳnh Thị Thảnh ra hiệu cho mẹ dừng lại trước bức tranh Áo dài của mẹ - Ảnh: NHẬT LINH
Có lẽ người xem đến đây ngoài thưởng tranh còn là vì cảm phục nghị lực sống của tác giả - chị Huỳnh Thị Thảnh.
Chị Thảnh (sinh năm 1990, trú thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) là người bị dị tật tứ chi bẩm sinh. Mọi sinh hoạt của chị đều do người mẹ già yếu là bà Huỳnh Thị Liên chăm sóc.
Dù bị dị tật, tay chân co quắp, teo lại nhưng Thảnh đã làm được điều kỳ diệu: vẽ tranh bằng chân. Không thể ngồi thẳng dậy như người bình thường, Thảnh phải nằm ra giữa nền nhà để vẽ. Kẹp bút chì, ngòi màu vào giữa các đốt ngón chân, cô gái 28 tuổi bắt đầu nguệch ngoạc ước mơ.
Chủ đề trong tranh của Thảnh rất đơn giản, đó là hình ảnh mẹ của chị mặc áo dài tím đi học, cảnh hai mẹ con cõng nhau đi chơi... Những chủ đề bình dị ấy là những ước mơ vô cùng xa vời đối với Thảnh.
Để tạo động lực cho con tiếp tục đam mê, bà Liên thường nói dối con rằng tranh của Thảnh đã được một số người mua. "Nói rứa cho hắn vui. Hắn còn mong tranh hắn vẽ được đi dự triển lãm như trên tivi nữa" - bà Liên nói trong nước mắt.
Những bức tranh của Thảnh vẽ không chỉ bằng niềm đam mê, mà bằng cả niềm khát khao được sống, được yêu thương như một người bình thường. Tôi thực sự ấn tượng và cảm phục nghị lực của cô gái này
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ
2 mẹ con cô Huỳnh Thị Thảnh tại triển lãm tranh Thảnh vẽ ước mơ - Ảnh: NHẬT LINH
Biết được câu chuyện cảm động trên, một số họa sĩ ở Huế đã cùng với chương trình Điều ước thứ 7 của Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức một cuộc triển lãm dành riêng cho cô (chương trình sẽ phát sóng ngày 24-3).
Để tạo sự bất ngờ, những người tổ chức triển lãm đã bí mật lấy hơn 54 bức tranh do Thảnh vẽ rồi đem đóng khung, treo trang trọng tại phòng tranh Art Gallery Sông Như của họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
Mọi chuyện đều được giữ bí mật với Thảnh đến giờ khai mạc triển lãm. Thấy tranh của mình được treo lên trang trọng, cả hai mẹ con cô gái yêu hội họa đều xúc động không nói nên lời, nước mắt lăn dài trên gò má. Hình ảnh ấy đã khiến mọi người có mặt tại triển lãm không cầm được nước mắt.
Ngồi trên xe lăn và được mẹ đẩy đi quanh phòng tranh, Thảnh tỏ ra vô cùng vui sướng và luôn miệng nói cảm ơn mọi người. Khi đến bức tranh vẽ một người phụ nữ mặc áo dài tím, Thảnh ra hiệu cho bà Liên dừng lại và nói lí nhí: "Mẹ! Mẹ đó. Mẹ đẹp lắm".
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ (trái) tặng chiếc áo có in tranh của cô Huỳnh Thị Thảnh vẽ cho chính tác giả. Chiếc áo này sẽ được bán tại hệ thống nhà hàng chay của cô Huệ tại TP Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Hỏi ra mới biết do gia cảnh khó khăn, lại phải chăm con tật nguyền nên bà Liên không có tiền để may cho mình một bộ áo dài - chiếc áo truyền thống mà nhiều phụ nữ Huế đều có cho mình một bộ. Thương mẹ, Thảnh đã cố gắng nắn nót vẽ và tô màu bức tranh Áo dài của mẹ để tặng bà.
Xúc động trước tình mẹ con của Thảnh, họa sĩ Viết Bảo lúc đó có mặt tại triển lãm đã quyết định tặng bà Liên một bộ áo dài tím với họa tiết y hệt như trong bức tranh mà chị Thảnh vẽ.
Cảm phục nghị lực của Thảnh, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ hứa sẽ dạy vẽ miễn phí cho Thảnh. Không chỉ vậy, cô cho biết sẽ in tranh của Thảnh lên áo và bán cho khách du lịch tại hệ thống nhà hàng chay Thiện Tâm của mình ở TP Huế nhằm gây quỹ giúp đỡ hai mẹ con.
Giữa những nét cọ bị chao đi vì khó nhọc, những ước mơ đang bước ra ngoài tranh vẽ.
VTV xin lỗi về chương trình "Điều ước thứ 7"
TTO - Lúc 18g30 tối 16-1-2015, VTV đã xin lỗi về những sai sót trong chương trình Điều ước thứ bảy phát ngày 10-1-2015. Đây là điều mà công chúng chờ đợi sau khi báo chí chỉ ra những sai sót trong chương trình này.
Post a Comment