Nhà thơ Nguyễn Duy nói về đề thi văn: Để đừng đánh mất tiềm lực
Hành trình ra đời bài thơ Đánh thức tiềm lực được đăng trên Tuổi Trẻ Xuân 2006. Bài thơ đã được in trong tập thơ Mẹ và em (NXB Thanh Hóa, 1987), Thơ Nguyễn Duy (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2010), Ánh trăng - Cát trắng - Mẹ và em (NXB Hội Nhà Văn, 2018)
Nhưng cũng có người băn khoăn trích đoạn được viết cách nay hơn 30 năm đặt trong bối cảnh này đã không còn phù hợp.
Tuổi Trẻ giới thiệu chia sẻ của chính tác giả bài thơ được nhiều người tâm đắc.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):
Truyền cảm hứng
Chọn chủ đề "đánh thức tiềm lực" của đất nước để đưa vào đề thi môn văn THPT quốc gia năm nay thực sự rất ý nghĩa. Đề thi yêu cầu thí sinh viết về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước là tạo cơ hội cho những công dân trẻ phải suy nghĩ, phải trăn trở, phải quan tâm và thể hiện trách nhiệm của người công dân đối với vận mệnh của đất nước. Đây là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đề thi năm nay có mang hơi hướng chính trị nhưng rất tế nhị và nhẹ nhàng.
Đọc đề thi môn văn về bài thơ Đánh thức tiềm lực, tôi thấy vui và mừng. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi này thuộc dạng khó, gây bất ngờ cho học sinh. Tôi cũng cùng quan điểm ấy.
Người ra đề thi đã rất ý thức giới hạn mức độ khó của đề; họ cũng đã "giảm tông" mức độ khó xuống cho phù hợp với trình độ thực tế của học sinh THPT. Khó là vì những bài văn được dạy trong nhà trường khác hẳn với kiểu loại như thế này.
Từ xưa đến nay, hễ nói văn chương là cứ nói đến chuyện… "giời ơi", nào là trăng, sao, mây, gió… Bàn thơ là toàn bàn đến cái đẹp của thiên nhiên, tình nghĩa con người thôi… Còn bài thơ này thì đi vào thực tế của đời sống, của dân, của nước.
Dù đề khó, theo tôi, rất cần thiết. Cần thiết cho học sinh làm quen với khuynh hướng mở. Cần thiết có những bài theo dạng đề tài này trong chương trình giảng dạy của nhà trường bậc phổ thông để chuẩn bị cho học sinh làm quen, có kiến thức và có tâm thế để nhận thức về những vấn đề đặt ra trong loại văn chương thế sự.
Bài thơ này tôi làm trong 2 năm, từ năm 1980-1982, vừa làm vừa sửa. Đến mùa thu năm 1982, tiễn ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy thôi giữ chức bí thư Thành ủy TP.HCM ra làm chức phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, chúng tôi có làm bữa tiệc rượu trong một nhóm nhỏ mấy anh em, gồm tôi, anh Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn…
Bữa tiệc đó mời ông Sáu Dân đến uống rượu, tôi công bố bài thơ này với đề từ là "Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế". Tôi dồn hết cả tâm huyết trong thời hậu chiến lại để mà làm. Nói gì thì nói, lúc ấy đất nước còn đói khổ lắm, từ tiềm lực, tiềm năng về kinh tế thì nhiều nhà lãnh đạo nói lắm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để đánh thức nó dậy?...
Trở lại đề thi môn văn vừa ra cho thí sinh, đề thi chỉ sử dụng đoạn mở đầu của bài thơ. Thực ra, phần đầu bài thơ còn rất "nhẹ" và "lạc hậu" với bây giờ. Tiềm lực tài nguyên thiên nhiên không còn là niềm hi vọng cao độ như cái thời tôi làm bài thơ này nữa.
Dẫu sao, phần quan trọng của bài thơ là nửa cuối và đoạn kết, đến hôm nay vẫn còn nguyên hiện thực mà thơ vẫn còn phải kiên trì đánh thức, để đừng đánh mất tiềm lực:
Tiềm lực còn ngủ yên/ trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/ tiềm lực còn ngủ yên/ trong bộ óc mang khối u tự mãn/ tiềm lực còn ngủ yên/ trong con mắt lờ đờ đục thủy tinh thể/ tiềm lực còn ngủ yên/ trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ/ tiềm lực còn ngủ yên/ trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm/ tiềm lực còn ngủ yên trong lớp da biếng lười cảm giác/ năng động lên nào, từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan/ cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi.
Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị xử tội/ lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường.
Cần lưu ý/ có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ có cái môi mỏng ráp hơn lá mía/ hôn má bên này bật máu má bên kia.
Cần lưu ý có lắm nghề lạ lắm/ nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau/ nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo/ nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào/ có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả/ thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề/ bộ sưu tập những điều ngang trái ấy/ phù chú ma tà ru tiềm lực ngủ mê.
Rồi tôi chợt mộng mơ, có một ngày đẹp trời nào đó loại tác phẩm kiểu nhưĐánh thức tiềm lựcnày được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.
* Ths Hồ Hoài Khanh(giáo viên Trường THPT Đông Đô, TP.HCM):
Khơi gợi tình yêu Tổ quốc
Việc đặt vấn đề tiềm lực đất nước để giới trẻ viết về nó chính là một ẩn ý của người ra đề: ca ngợi tiềm lực, tài nguyên của đất nước chính là khơi gợi cho giới trẻ tình yêu Tổ quốc, yêu đất nước. Mà tình yêu đất nước trước hết phải bắt đầu từ việc bảo vệ chủ quyền và độc lập lãnh thổ. Sau đó sẽ đến việc đánh thức tiềm lực đất nước. Đánh thức không chỉ là khai thác đúng, khai thác tiềm lực đất nước một cách hiệu quả mà phải bảo vệ, giữ gìn và sử dụng đúng những tiềm lực mà đất nước đang có.
Tôi có cảm giác đề thi văn năm nay như một cuộc khảo sát xem giới trẻ có thái độ, quan điểm nhìn nhận như thế nào về những vấn đề nóng bỏng của đất nước.
Trích đoạn bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy trong đề thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018:
Hãy thức dậy đất đai!
Cho áo em tôi không còn vá vai
Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...
xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm
rồi đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn.
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông, bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
***
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy làm chi những lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
Nghe Nguyễn Duy dẫn thơ, từ chuyện làng sang chuyện nước
TTO - Nhà thơ Nguyễn Duy có cuộc gặp mặt với những người yêu thơ ông và bạn bè, đồng nghiệp tại Đường sách TP.HCM sáng 15-6 với nội dung theo cách gọi của ông là nói chuyện thơ từ chuyện làng sang chuyện nước...
Post a Comment