Vì sao Petersburg không có cung điện mùa Xuân?
Quảng trường phía trước cung điện mùa Đông luôn không thiếu du khách - Ảnh: H.Đ.
Và đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lại không có cung điện mùa Xuân ở Petersburg? Có khá nhiều lý giải cho điều này, nhưng thời tiết và phong cảnh có lẽ là câu trả lời hợp lý nhất.
Ở nhiều nước phương Tây, mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) đánh dấu giai đoạn chuyển dần từ lạnh lẽo sang ấm áp. Nhưng ở Nga, mùa xuân vẫn hoàn toàn lạnh giá. Đến tận khoảng cuối tháng 3, nhiệt độ ở nhiều thành phố ở Nga, bao gồm Petersburg vẫn dưới mức 0 độ C.
Cung điện mùa Hè - Ảnh: Imperiya
"Ở Petersburg, mùa xuân là mùa tuyết tan. Một số thời điểm trong giai đoạn này thậm chí lạnh hơn cả mùa đông (tuyết khi tan sẽ hấp thụ nhiệt lượng trong không khí, vì thế lạnh hơn khi tuyết rơi). Ngoài ra, tuyết tan khiến mọi thứ rất nhếch nhác và bẩn, chẳng có chút gì đẹp đẽ cả", anh Aren Kurzhov - một chủ khách sạn người Nga giải thích.
Phong cảnh không đẹp, và vì thế mùa xuân hiếm đi vào văn thơ Nga như những hình ảnh lãng mạn của mùa hè, mùa thu hay mùa đông. Giới quý tộc vì thế cũng không muốn xây dựng cung điện gắn liền với thời điểm này trong năm.
Cung điện mùa Thu nhìn tư bên ngoài - Ảnh: H.Đ.
Xét về thời tiết, nước Nga thật ra chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa hè và mùa đông. Cái tên "cung điện mùa Thu" vì thế không phải là một cái tên chính thức. Cung điện mùa Thu tên đúng là cung điện Catherine, đặt tên theo vị nữ hoàng đầu tiên của Nga (1721-1725).
Điểm đáng nhớ nhất của cung điện Catherine là căn phòng hổ phách huyền ảo, nơi được xây nên bởi 6 tấn hổ phách.
Trong thế chiến thứ II, căn phòng bị quân đội Đức tháo dỡ và đến cuối thập niên 1980, nó mới dần được tái thiết. Đến tận ngày nay, việc tái thiết vẫn chưa xong nhưng vẫn có hàng ngàn du khách xếp hàng đến thăm cung điện Catherine vào mỗi ngày trong mùa du lịch.
Du khách xếp hàng dài dằng dặc để vào tham quan cung điện mùa Thu - Ảnh: H.Đ.
Vậy tại sao cung điện Ekaterina còn có cái tên dân gian là cung điện mùa Thu? Có lẽ vì nơi nó tọa lạc, nằm ngay trong thị trấn Pushkin (một thành phố nhỏ nằm phía nam Petersburg) - nơi gắn liền với những năm tháng thăng trầm của "mặt trời thi ca Nga".
Nhắc đến Pushkin, người ta lại nói đến mùa thu. Và hiển nhiên nơi mang tên ông là một trong những địa điểm ngắm lá vàng mùa thu đẹp nhất ở nước Nga.
2 cung điện còn lại, cung điện mùa Hè và cung điện mùa Đông đã quá nổi tiếng. Đặc biệt là cung điện mùa Đông nằm ngay trung tâm của Petersburg là địa điểm quen thuộc để tổ chức các lễ hội, sự kiện quan trọng.
Các sinh viên đại học đến quảng trường cung điện mùa Đông làm lễ tốt nghiệp - Ảnh: H.Đ.
Cả những sinh viên tốt nghiệp cũng thường đến đây chụp hình lưu niệm. Hôm tôi đến, một nhóm sinh viên trường ĐH bang Petersburg tổ chức lễ tốt nghiệp tưng bừng, với rượu champagne và cả thức ăn trong phần quảng trường phía trước cung điện mùa Đông.
Vì khu vực quảng trường rất rộng lớn, bầu không khí hội hè tưng bừng do các du khách lẫn dân bản địa tạo ra không ảnh hưởng gì đến không gian nghệ thuật bên trong cung điện mùa Đông. Tòa nhà chính của cung điện ngày nay là bảo tàng Hermitage - nơi trưng bày 3 triệu tác phẩm nghệ thuật.
Trong khi đó, cung điện mùa Hè (thường được gọi là cung điện Peterhof) nằm ở phía Tây thành phố sở hữu kiến trúc độc đáo, khu vườn tuyệt đẹp cùng những bức tượng điêu khắc mạ vàng rực rỡ.
Chưa có nạn nhân VN trong vụ khủng bố ở Saint Petersburg
TTO - Trưa 4-4, tân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết đến nay chưa có công dân Việt Nam là nạn nhân vụ đánh bom ngày 3-4 tại TP Saint Petersburg, Liên bang Nga làm nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Source https://tuoitre.vn/vi-sao-petersburg-khong-co-cung-dien-mua-xuan-20180616025311538.htm
Post a Comment