Chủ tịch Đại học FPT: "Vụ nâng điểm ở Hà Giang nếu không can thiệp sớm sẽ không còn dấu vết"
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT. |
Ngày 17/7, Bộ GD&ĐT và Ban chỉ đạo Hội đồng thi THPT tỉnh Hà Giang đã họp báo thông tin kết quả điều tra bước đầu đối với vụ điểm thi "cao bất thường" ở Hà Giang vừa qua. Theo đó, cơ quan điều tra đã xác định ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang đã sửa trực tiếp vào file kết quả các bài thi của thí sinh trước khi gửi đĩa CD1 về Bộ; ông Lương cũng thực hiện việc mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và tiến hành sửa đáp án bài thi trắc nghiệm trên giấy cho các thí sinh. ICTnews đã có cuộc phỏng vấn với TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT xung quanh vụ việc này:
Là một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục cũng như trong lĩnh vực CNTT, xin ông chia sẻ quan điểm, ý kiến của ông về vụ gian lận, sửa điểm thi tại Hà Giang vừa qua?
Về khía cạnh kỹ thuật, có thể đánh giá là việc nâng điểm cho thí sinh ở Hà Giang được thực hiện rất tinh tế - tinh tế theo nghĩa tác động vào những khâu ít ai ngờ tới, làm cả mẻ lớn vài trăm bài thi cho cả trăm thí sinh - và nếu như dư luận không phát hiện, Bộ GD&ĐT không can thiệp sớm thì chỉ sau một thời gian ngắn là không còn dấu vết gì.
Thực tế là, ông Lương đã không can thiệp vào quá trình thi, vì việc thi cử diễn ra trước mắt các giám thị và nhiều thí sinh. Ông Lương cũng không can thiệp vào bài thi sau khi thí sinh nộp, vì khi đó bài thi được niêm phong quản lý nghiêm ngặt và chưa có đáp án để biết câu trả lời đúng. Bài thi được quét vào máy tính ở dạng file hình, xuất ra một bản gửi cho Bộ GD&ĐT (đĩa CD1) theo đúng quy trình. Khi đó ai cũng yên tâm là dữ liệu quét rồi, gửi Bộ rồi, lưu rồi, nên lơ là cảnh giác, khi đó cũng là lúc Bộ gửi đáp án để chấm - và ông Lương ra tay. File hình được nhận dạng chuyển sang file Excel có đầy đủ số báo danh, mã đề thi và thông tin bài làm của thí sinh, ông Lương thao tác trên máy tính copy một phần đáp án đúng vào những bài cần nâng điểm trước mắt các cán bộ khác, ai nhìn thấy cũng cho rằng ông đang thực hiện phần mềm nghiệp vụ theo quy trình bình thường. Từ file Excel đã sửa đổi này phần mềm chấm thi tính ra điểm của các thí sinh và kết quả được công bố rộng rãi.
Việc tiếp theo ông Lương cần làm là sửa bài thi gốc của các thí sinh cho phù hợp với việc nâng điểm. Thời điểm này do bài thi gốc đã quét nên không còn được quản lý chặt nữa, vì vậy ông Lương dễ dàng ôm các thùng bài thi về Sở GD&ĐT "xử lý nghiệp vụ" tẩy các ô làm sai và tô lại theo ô làm đúng. Việc cuối cùng ông Lương sẽ phải làm là chờ khi nào có thời gian sẽ quét lại các bài thi thay thế cho file hình cũ là xong. Khi đó dữ liệu về bài thi, file hình và file Excel/điểm số hoàn toàn phù hợp với nhau. Chỉ có nội dung CD1 gửi về cho Bộ GD&ĐT trước đó là còn lưu dữ liệu gốc, nhưng chỉ cần gửi đĩa CD hỏng cho Bộ, nói chung chẳng khi nào Bộ dùng tới đĩa CD này, và nếu có dùng thì việc đĩa CD hỏng là lỗi kỹ thuật.
Việc phát hiện ra tính bất thường trong điểm thi tại Hà Giang lại do một điều ít ai ngờ tới là đề thi năm nay khó, ít điểm cao, và ông Lương nâng điểm lên quá nhiều bài, quá cao theo phổ điểm năm trước vì nghĩ rằng như vậy mới đủ điểm vào được các trường đại học hàng đầu - cho nên Hà Giang có phổ điểm dị biệt. Nếu như ông Lương chỉ nâng lên 7-8 điểm thì vụ việc đã được thực hiện một cách hoàn hảo, một số bất thường nho nhỏ - chẳng hạn phát hiện về việc điểm thi không tương xứng với sức học thì cũng có lý do để biện minh là thi trắc nghiệm nên có may rủi.
Vụ sửa điểm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang vừa qua đặt ra những vấn đề gì cho ngành Giáo dục Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Trước hết khi kỳ thi có khe hở thì phải có các giải pháp kỹ thuật và các giải pháp quản lý để chặn các khe hở này lại. Tuy nhiên vụ việc xảy ra chứng tỏ một điều là xã hội đang có tình trạng chạy theo lợi ích bất chấp các quy định pháp lý, đạo đức, trách nhiệm - phụ huynh chạy điểm cho con cái, cán bộ giáo dục vì lợi ích trước mắt sẵn sàng làm bậy đi ngược lại đạo đức của ngành, thí sinh dù không làm được bài như khi được điểm cao biết là bất bình thường vẫn im lặng không lên tiếng.
Ở phương diện hẹp hơn là kỳ thi "2 chung " đang được Bộ GD&ĐT từ vụ sửa điểm thi trắc nghiệm, ông có đánh giá thế nào về quy trình tổ chức thi, chấm thi cũng như bảo mật dữ liệu, tài liệu liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia ?
Tôi cho rằng sau 5 năm tổ chức, vai trò của cuộc thi 2 trong 1 không còn như trước đây nữa. Ở khía cạnh xét tốt nghiệp, nếu chỉ dựa vào điểm thi THPT thì chỉ khoảng 40% tốt nghiệp. Để có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn 97% như hiện nay, công lao thuộc về điểm học bạ. Nói cách khác, điểm học bạ là yếu tố chính quyết định học sinh tốt nghiệp hay không, và nhiều khi chỉ cần không có điểm liệt là tốt nghiệp được. Ở khía cạnh xét tuyển đại học, theo lộ trình tự chủ, nhiều trường đại học có phương thức tuyển sinh riêng và chỉ dựa vào điểm thi một phần. Như vậy là vai trò cuộc thi THPT ngày càng hạn chế cả ở khía cạnh xét tốt nghiệp phổ thông lẫn khía cạnh xét tuyển đại học.
Tổ chức thi như hiện nay là "giết gà dùng dao mổ trâu", tốn nhiều công sức, phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh nhưng hiệu quả không còn cao như trước. Đã đến lúc xem xét lại tính hợp lý của cuộc thi này - chẳng hạn giao hẳn việc tuyển sinh về cho các trường đại học, còn thi tốt nghiệp THPT thì có thể đặc cách tốt nghiệp cho 80% học sinh khá giỏi, chỉ tổ chức thi cho 20% còn lại, và việc chấm thi trắc nghiệm tập trung chứ không phân cho các địa phương như hiện nay. Cũng cần loại bỏ bớt các yếu tố may mắn trong thi trắc nghiệm, chẳng hạn trừ điểm nếu chọn sai - để điểm thi gần với sức học của thí sinh hơn.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cho rằng, tổ chức thi THPT quốc gia theo cách thức hiện nay là "giết gà dùng dao mổ trâu", tốn nhiều công sức (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
TS Quách Tuấn Ngọc trong ý kiến chia sẻ về vụ nâng điểm ở Hà Giang đã chỉ ra lỗ hổng của Phiếu trả lời trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia và đề xuất chấm thi theo Cụm do trường Đại học chủ trì. Ông nghĩ sao về ý kiến, đề xuất này của nguyên Cục trưởng Cục CNTT-Bộ GD&ĐT?
Những giải pháp kỹ thuật ông Ngọc đề ra là hợp lý, góp phần bịt các lỗ hổng trong quy trình thi hiện nay. Nhưng về mặt nguyên tắc, chẳng bao giờ bịt hết được lỗ hổng, khóa nào cũng có chìa để mở. Rọc phách thì sẽ có cách đánh dấu bài. Không can thiệp vào dữ liệu gốc được thì sẽ can thiệp vào kết quả cuối cùng. Điều quan trọng là thay đổi tính chất của kỳ thi - từ đó loại bỏ hoặc giảm các lợi ích liên quan thì sẽ hạn chế được tiêu cực.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch với tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia. Theo ông, đâu là những giải pháp Bộ GD&ĐT cần tập trung thời gian tới?
Tôi đề xuất không gộp 2 kỳ thi làm một, thi THPT riêng và chỉ thi cho 20% học sinh. Khi đó đủ nguồn lực để tổ chức và đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, minh bạch.
Mở rộng bàn về cách thức thi của kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển đại học hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá cách thi trắc nghiệm đang không đánh giá đúng năng lực thí sinh, vậy ĐH FPT có lo ngại cho chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường?
Bản chất của thi đại học là làm sao chọn được các thí sinh có các tố chất phù hợp với ngành sẽ học và nghề sẽ làm sau này. Việc này khác với thi tốt nghiệp THPT là kiểm tra việc nắm bắt và vận dụng kết quả học phổ thông như thế nào. Các việc khó mà các trường đại học đang thực hiện như dạy sinh viên 4-5 năm với bao nhiêu môn thi, tổ chức nghiên cứu khoa học, hướng dẫn làm đồ án, quyết định sinh viên có tốt nghiệp mà còn làm được thì cũng sẽ biết cách lựa chọn được thí sinh phù hợp. Trường Đại học FPT vẫn có các đợt thi riêng để chọn thí sinh cho trường, việc tuyển sinh hàng năm chỉ dựa vào điểm thi THPT một phần.
Xin cảm ơn ông!
Post a Comment