Chuyên gia tư vấn chiến lược gợi ý đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia từ góc độ quản lý rủi ro
Ông Đào Trung Thành, CTO của Media Ventures Vietnam Group, chuyên gia tư vấn chiến lược đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. |
Những ngày gần đây, dư luận và cả giới chuyên gia giáo dục, chuyên gia CNTT đều đặc biệt quan tâm đến vụ việc cán bộ ngành giáo dục Hà Giang nâng điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 cho nhiều thí sinh của tỉnh nhà.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, CTO của Media Ventures Vietnam Group, ông Đào Trung Thành nêu quan điểm: trước tiên cần ý thức tầm quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi này ảnh hưởng đến rất nhiều người, cả triệu thí sinh và gia đình; có tác động sâu sắc đến toàn thể xã hội. Và chính vì thế, cần có một chiến lược kỹ lưỡng cho kỳ thi THPT Quốc gia.
Là chuyên gia tư vấn chiến lược đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, ông Đào Trung Thành cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia nên được xem xét, đánh giá từ góc độ Risk management - Quản lý rủi ro, từ môi trường, con người, công nghệ và quy trình; sau đó xem xét từng bước thực hiện.
Nhấn mạnh quan điểm việc quản trị rủi ro là một trong những công việc cần phải thực hiện nghiêm túc và cẩn thận, vị chuyên gia này phân tích, quản trị rủi ro có các bước như Nhận dạng rủi ro, Đánh giá rủi ro và Biện pháp đối phó với rủi ro. Trong đó, về nhận dạng rủi ro trong kỳ thi PTTH Quốc gia, theo chuyên gia tư vấn chiến lược Đào Trung Thành, cần xem các yếu tố liên quan đến môi trường thi, con người, công nghệ và quy trình. Sau đó thực hiện đánh giá các rủi ro dựa vào tuần suất xuất hiện và mức độ rủi ro; phân loại ưu tiên để xử lý.
Ông Thành cũng cho biết thêm, về biện pháp kiểm soát rủi ro, có 4 chiến thuật gồm Né tránh rủi ro - Risk Avoidance; Chấp nhận rủi ro - Risk Acceptance; Chuyển giao rủi ro - Risk Transfer và Giảm thiểu rủi ro - Risk Mitigation.
Trong đó, né tránh rủi ro được hiểu là sự chủ động né tránh từ trước khi rủi ro xảy ra bằng cách loại bỏ những nguyên nhân gây ra rủi ro. Chấp nhận rủi ro là chủ động bỏ qua rủi ro này nếu tần suất thấp và mức độ tác động nhỏ. Chuyển giao rủi ro là thực hiện chuyển các rủi ro cho bên thứ ba như mua bảo hiểm...; và Giảm nhẹ rủi ro - nếu như các rủi ro là không tránh khỏi thì biện pháp nào để giảm thiểu.
Ông Thành cho rằng, với bất kỳ phương án nào đều cần có quản lý rủi ro. Và trên thực tế việc quản lý rủi ro vẫn đang được chúng ta thực hiện, chỉ có điều là không lượng hóa được các yếu tố rủi ro. Khi lựa chọn một phương án nhất định cho kỳ thi THPT Quốc gia, các nhà quản lý giáo dục phải thấy rõ các rủi ro của nó để có biện pháp đối phó. "Lấy ví dụ đơn giản như, trong 2 phương án đều có rủi ro và thuận lợi thì chúng ta cần đánh giá các tác động và cho điểm (định lượng), sau đó chọn phương án ít rủi ro nhất", ông Thành nêu.
Đề xuất sửa đổi hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm
Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, ngay trong chiều ngày 17/7/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6756/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý điểm thi bất thường kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang. Theo đó, cùng với việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT Quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia.
Về vấn đề trên, chuyên gia Đào Trung Thành nhấn mạnh: "Dưới góc độ chuyên môn, theo tôi quy trình của kỳ thi THPT Quốc gia nên được làm chặt chẽ hơn để đề phòng những lỗ hổng".
Bàn thêm về quy trình chấm thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Đào Trung Thành nhận định, hiện nay đang có tình trạng loạn cách giải thích về Quy chế chấm thi trắc nghiệm.
Bày tỏ sự không thống nhất với cách lý giải của cựu Cục trưởng Cục CNTT-Bộ GD&ĐT Quách Tuấn Ngọc cho rằng "…anh Lương sửa trực tiếp vào file kết quả rồi gửi về Bộ đĩa CD1. Xong, anh ta bình tĩnh quay sang sửa bài trên giấy…", qua nghiên cứu Quy chế thi THPT Quốc gia và hướng dẫn chi tiết trong Phụ lục số 6 - Hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm ban hành kèm theo công văn số 991/BGDĐT-QLCL ngày 15/3/2018 của Bộ GD&ĐT, ông Thành cho rằng: "Theo ông Ngọc, thì ông Lương đã thực hiện thao tác can thiệp kết quả thi ở Bước 2, bước Đọc ảnh và xử lý ảnh. Việc xử lý ảnh do 1% lỗi như thống kê trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhất là những bài thi điểm chỉ có 1,2 điểm thành 8,9 điểm thì là rất lâu, không thể chỉ 6 giây được (là thời gian trung bình sửa điểm 1 bài thi của hơn 2 tiếng thao tác can thiệp 330 bài thi)". Theo ông Thành, ông Lương đã sửa điểm thi của các thí sinh ở Hà Giang trong Bước 3 - Sửa lỗi của thí sinh.
Góp ý về quy trình chấm thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT dưới góc độ chuyên môn CNTT, ông Thành đề xuất, ở Bước 1 sau khi xuất file ra CD1 thì cần có checksum (MD5, SHA1) để đảm bảo tính integrity phát hiện các file bị sửa đổi sau này. Còn với Bước 3, cần có 2 người xử lý độc lập thay vì chỉ 1 người. Ngoài ra, cần bổ sung thêm bước nữa là một người sẽ kiểm tra (audit) lại kết quả nếu có sự sai lệch từ 1 người.
"File định dạng đọc được (readable) từ Excel cũng là mối quan ngại lớn nhất. Vì thế, cần lưu cả file này trước và sau khi sửa đổi. "Hậu kiểm liên quan đến file này. Theo thống kê chỉ có 1% cần phải sửa đổi nhưng có khi người ta lại sửa điểm trực tiếp như ông Lương làm vì thế những thay đổi này cần xem xét kỹ. Việc này có thể tập trung ở Bộ", ông Thành nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, thành phần Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm Tổ trưởng là lãnh đạo Ban chấm thi, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên, bộ phận giám sát gồm Công an do Chủ tịch hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra. Theo quy định, mỗi môn thi phải có ít nhất 3 cán bộ chấm thi. Thế nhưng, theo họp báo về vụ việc ở Hà Giang thì các cán bộ thanh tra không nắm rõ quy trình để ông Lương qua mặt. Vậy họ thanh tra cái gì nếu không nắm quy trình? Vì thế, ông Thành đề xuất cán bộ thanh tra phải rõ quy trình và những rủi ro có thể có của công tác chấm thi. "Ngoài ra, có lẽ nên tổ chức theo cụm thi thay vì tổ chức tại hội đồng thi địa phương do có va chạm về lợi ích (conflict of interest)", vị chuyên gia này chia sẻ.
Post a Comment