Header Ads

Những điều kỳ lạ chỉ có ở rắn

động vật

So với các loài động vật khác, ở rắn có nhiều điều kỳ lạ mà các động vật khác không hề có, đó là: sự lột xác, di chuyển không nhờ chân, có đôi mắt nhìn xuyên đêm tối và cái đuôi phát ra âm thanh... Vậy ở rắn còn điều kỳ diệu nào nữa mà ta chưa biết tới?

Rắn lột xác như thế nào?

Rắn cũng như các loài bò sát khác đều có lớp vảy sừng bao bọc bên ngoài, đó là một trở ngại cho việc lớn lên của cơ thể. Chính vì vậy mà ở các động vật này thường xuyên có hiện tượng lột xác chứ không phải đợi tới khi rắn già mới lột như một số người lầm tưởng. Quá trình này xảy ra từ phần đầu và kết thúc ở phần đuôi giống như người ta lột vớ (tất). Sau khi lột xác xong, rắn tìm nơi hoang vắng để yên nghỉ, vài ba ngày sau lại đi tìm mồi và quá trình lớn lên lại tiếp diễn.

Vì rao rắn đi được khi không có chân?

Nhờ có 300-400 đốt sống mà loài rắn có thể di chuyển một cách rất mềm dẻo.

Như chúng ta đều biết, rắn là động vật có cơ thể thon dài mà phần cột sống của nó bao gồm từ 300 - 450 đốt sống có cấu tạo đồng nhất. Các đốt sống thân đều mang xương sườn linh động, các sườn này có đầu tựa lên các giáp bụng. Giáp bụng có thể giương lên và xếp lại nhờ cơ dưới da. Khi con vật muốn tiến về phía trước, nó chỉ việc cử động các đốt sống làm cho cơ thể uốn mình theo chữ S từ trước ra sau, cơ dưới da làm giương các vảy bụng và chỗ tựa khi ấy là các đầu xương sườn. Rắn có cơ thể dài, đặc biệt những loài có đuôi dài chuyển vận nhanh hơn những loài rắn có thân hình mập và đuôi ngắn. Da nhám, xù xì cũng giúp cho con vật chuyển vận nhanh hơn. Rắn không những bò trên mặt đất mà có khả năng leo bò trên cây rất nhẹ nhàng, linh hoạt.

Đôi mắt rắn nhìn xuyên đêm

Trong những đêm tối trời, người ta vẫn nghe những con rắn bò sột soạt trên lá khô đi tìm mồi. Loài động vật này hoạt động về đêm vì chúng có những cấu tạo thích nghi với cuộc sống trong đêm tối, đặc biệt là thị giác và khứu giác.

Trong các loài rắn hoạt động về đêm, phải kể tới hầu hết các loài rắn độc. Ở võng mạc mắt của chúng tập trung nhiều tế bào hình que giúp cho con vật có thể nhìn được trong đêm tối một cách dễ dàng. Ngược lại, ban ngày chúng bị lòa ánh sáng, cho nên mắt khép lại làm ta chỉ còn thấy một cái khe dọc như ở loài rắn lục. Thêm vào đó, ở loài rắn lục có bộ phận thụ cảm là một cái hố nhỏ nằm giữa mắt và mũi, gọi là hố má. Bên trong hố này có một màng mỏng ngăn làm đôi, ở vách màng mỏng có một mạng thần kinh nhạy cảm với tia nhiệt. Nhờ cơ quan này mà rắn có thể săn mồi trong đêm tối khi mà từ cơ thể con mồi phát ra những tia nhiệt, có khi chỉ thay đổi vài phần mười độ.

Cái đuôi kỳ lạ của rắn đuôi kêu

Rắn đuôi kêu có cái đuôi cấu tạo đặc biệt trông tựa như cánh của mũi tên. Khi gặp kẻ địch, đuôi rắn cong lên và phát ra những âm thanh "ro ro... ro" rất kỳ lạ. Đó là những sóng siêu âm phát ra, tạo ra âm thanh để đe dọa và xua đuổi kẻ địch. Cần nói thêm, rắn đuôi kêu có nọc độc rất mạnh. 1g nọc độc của chúng có thể giết được 50 con bò từ 200 - 250kg hoặc 200 người. Ở nước ta chỉ có 2 loại rắn đuôi kêu: loài Agkistro - donronhodostoma sống ở các vùng rừng núi các tỉnh phía Nam và ở vùng núi cao Sa Pa (độ cao 1.500 - 1.800m so với mặt biển).

Thân mình mềm mại đến lạ kỳ

Là loài bò sát máu lạnh không có chân nhưng loài rắn được phú cho khả năng mềm mại tới lạ kỳ. Chúng di chuyển bằng cách uốn lượn để thân mình trườn đi trên mặt đất. Do tất cả các loài rắn đều là động vật ăn thịt nên chúng buộc phải có khả năng di chuyển linh hoạt cùng vận tốc nhanh để bắt giữ con mồi.

Dù giết chết con mồi bằng chất độc hay lực siết của cơ thể thì loài rắn vẫn phải cuốn chặt con mồi trước khi nuốt để làm gãy xương của con vật. Những điều kiện sinh tồn đó tạo cho loài rắn khả năng mềm dẻo tuyệt vời mà không loài động vật nào có được. Và sự mềm dẻo này được thể hiện rõ nhất trong quá trình duy trì nòi giống của loài rắn.

Hoài Vũ

động vật

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.