Lời từ phố biển!
khó khăn hạnh phúc gia đình gia
QĐND - Những ngày giáp Tết, ca khúc "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Hình Phước Long vang lên ở hầu khắp các mái ấm quân nhân trên bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Ca từ mềm mại, réo rắt như nhắn nhủ, như đợi chờ, như nói hộ nỗi lòng của những người vợ đang cầu chúc, cầu nguyện và gửi đi thông điệp về mùa xuân bình yên, hạnh phúc tới Trường Sa!
1. Không sôi động như chốn thị thành đón Tết, bán đảo Cam Ranh chỉ có những cơn gió rít réo rắt quanh những hàng phi lao đứng. Men theo con đường lất phất mưa, chúng tôi tới thăm gia đình chị Bùi Thị Minh, vợ của Thiếu tá Phạm Văn Đông, một sĩ quan đang phục vụ tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa).
Còn mấy ngày nữa mới đến Tết cổ truyền vậy mà gia chủ đã trang hoàng căn nhà đẹp đẽ hơn mọi ngày. Chị Minh cũng mua sẵn những gói trà thơm, đồ uống và một vài món ăn nhanh để chồng tiếp khách. Chị biết, anh được về thì Tết này gia đình sẽ đông khách hơn mọi năm.
Cưới nhau từ tháng 4-2001 đến năm 2008 anh Đông nhận nhiệm vụ đi Trường Sa, đúng lúc chị mang bầu đứa con thứ hai. Xa chồng, chị gặp không ít khó khăn trong công việc và cuộc sống. Những lúc con gái đầu đau ốm, bản thân vừa mang bầu, vừa thực hiện công việc của một cô giáo, nên chị cần lắm sự giúp đỡ, chở che của chồng. Thế nhưng, vì muốn chồng toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị đã tự động viên mình quyết tâm vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhìn cô con gái thứ hai âu yếm, chị chia sẻ: "Cháu đã hơn 3 tuổi rồi mà chỉ được ở với bố vỏn vẹn 3 tháng. Tết này anh được về, chắc con bé vui lắm...".
2. Chung cảnh xa chồng như chị Minh, chị Trần Thị Thắm-vợ của Trung úy QNCN Chu Đình Dũng, nhân viên bảo đảm hàng hải đảo Trường Sa Lớn cũng thường xuyên đón Tết vắng chồng. Lập gia đình từ năm 2002, thế nhưng cộng dồn thời gian lại, may ra chị chỉ ở bên chồng được vài tháng. Dù vậy, chị vẫn được xóm giềng tặng cho danh hiệu "Người vợ đảm". Ai cũng mừng cho Dũng vì may mắn có được cô vợ hiền thục, đảm đang. Yêu chồng, Thắm không quản khó khăn, chấp nhận xa quê, theo anh vào tận Cam Ranh lập nghiệp. Anh đi Trường Sa, chị vừa nuôi con ăn học, vừa vun vén, làm kinh tế gia đình, thay chồng đảm đương mọi công việc.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm, chúc Tết gia đình chị Trần Thị Mai. |
3. Cách gia đình chị Thắm không xa, trong căn phòng nhỏ trên tầng 3 khu nhà khách cũ của Vùng 4 Hải quân, chị Trần Thị Mai-vợ của liệt sĩ Vũ Đức Nam, Trắc thủ Ra-đa (hy sinh tại đảo Trường Sa Lớn ngày 1-4-2004), đang lúi húi quét dọn, sắp đặt đồ đạc, chuẩn bị đón Xuân mới. Chị giản dị trong bộ đồ lao động đã bạc màu, giọng trầm buồn: "Tết này nữa là 9 năm rồi anh ấy không về. Dẫu vậy, cứ đến Tết, tôi và con trai vẫn chuẩn bị mọi thứ để "chờ" anh ấy trở về!".
Nói xong, chị vội khoác thêm chiếc áo mới để che đi những vết sờn trên bộ đồ lao động cũ. Bấy giờ trông chị trẻ hơn, đẹp hơn, nhưng không thể giấu được ánh mắt sâu thẳm của mọi ngày-ánh mắt đã thao thức quá nhiều đêm vì nhung nhớ, đợi chờ người chồng một đi không trở lại. Chị bảo: "Anh "đi" lâu rồi thành thử cũng quen, nhưng mùa xuân thì không thể không có anh ấy!...".
4. Xa chồng, mỗi người vợ đều chọn cho mình cách "thích nghi". Đón mùa xuân cũng vậy, mỗi người vợ đều có tâm trạng và cảm xúc riêng thật khó diễn tả. Người thật thà chọn cách "giao ban qua điện thoại" với chồng mỗi ngày. Người chờ đợi đến tối Ba mươi Tết mới khẽ khàng dành cho "một nửa" của mình lời chúc dung dị. Lại có người trắng đêm thao thức, gióng mắt lên cầu truyền hình, mong được nhìn thấy hình ảnh về Trường Sa thân yêu. Có người thì lặng lẽ khấn vái, bày biện lên mâm cỗ Tết đầy đủ bát đũa như thể gia đình vẫn còn đông đủ mọi thành viên. Người khác nữa, yếu mềm hơn nên bùi ngùi, rưng rức...
Nói như vậy, không phải trong câu chuyện lê thê, buồn tênh của những người vợ bộ đội Trường Sa lại thiếu những chi tiết minh chứng cho ý chí, nghị lực phi thường và cả niềm vui riêng của các chị. Lắng nghe và cảm nhận: Hạnh phúc của các chị bắt đầu từ cử chỉ, hành động của những đứa con thơ. Đó là khi chúng hỏi mẹ về bố, về biển, về Trường Sa; đó là lúc chúng cười khúc khích vì được nghe giọng bố qua điện thoại;... Thậm chí, hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc tiễn đưa và sự đợi chờ trong đằng đẵng, mang đến những cung bậc yêu thương trào dâng mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có được... Và bởi thế nên tôi tin rằng, những tình yêu đẹp, những hạnh phúc nhỏ nhoi kia sẽ là bệ đỡ vững chắc để các chị mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn, cáng đáng vẹn toàn chuyện hậu phương, giúp các anh an tâm bám đảo, canh giữ biển trời của Tổ quốc!
5. Vậy đó, những người vợ âm thầm, lặng lẽ bình dị mà cao quý. Họ cũng có da thịt, sức vóc như bao người vợ, người mẹ khác, nhưng ý chí, nghị lực thì quá đỗi phi thường. Bởi vậy, sức mạnh người lính Trường Sa có lẽ được khởi nguồn từ hơi ấm hậu phương ấy. Hay nói đúng hơn, hình ảnh những người vợ luôn trở thành điểm tựa dịu dàng và kiên trung nhất của mỗi người lính đảo. Một điểm tựa bình dị, khiêm nhường, vô cùng thân thiết với thế giới tâm hồn người lính đảo.
Cam Ranh ngày Xuân nhưng biển không lặng sóng. Đi thật xa, tôi mới ngước nhìn trở lại: Bán đảo nhô ra biển như dáng người phụ nữ ôm con đứng đợi chồng. Một dáng vóc bé nhỏ mà kiên trung, vững chãi... Và rồi, đâu đó trong sự hòa quyện, chuyển giao của đất trời đang khe khẽ vào Xuân, tôi lắng đọng, cầm bút viết nên vài dòng xin gửi "lời từ phố biển" đến với Trường Sa thân yêu!
Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN
hạnh phúc gia gia đình khó khăn
Post a Comment