Header Ads

Luật Bảo hiểm xã hội - Nhiều bất cập cần sửa đổi

Sau hơn 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động vẫn chưa được bảo đảm; nhiều quy định đã phát sinh những bất cập, hạn chế, cần sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Đại diện doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội TPHCM.

Rắc rối

Tại Điều 31, quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản là từ 4 tháng đến 6 tháng tùy theo điều kiện lao động, công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, nếu theo quy định mới từ 1-5-2013 thì thời gian nghỉ thai sản được quy định là chung là nghỉ 6 tháng chứ không quy định cụ thể mức trợ cấp thai sản phải tính theo 6 tháng.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, hiện nay cũng chưa có quy định những nữ lao động làm những công việc, ngành nghề nặng nhọc, độc hại... trong danh mục được quy định của Bộ LĐTB-XH và Bộ Y tế ban hành có được hưởng thời gian thai sản dài hơn 6 tháng hay không. Mặt khác, trong cách tính trợ cấp thai sản là theo tháng, nhưng một số văn bản lại quy định tính theo 30 ngày nên rất rắc rối, cần thống nhất là tính theo tháng.

Về phía cơ quan BHXH đề xuất những nữ lao động làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc sẽ được hưởng thời gian thai sản tương ứng để đảm bảo sự công bằng. Cụ thể, nếu làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được hưởng thời gian thai sản 6 tháng; những người làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc sẽ được hưởng thời gian thai sản 7 tháng và riêng với lao động nữ khuyết tật sẽ được hưởng thời gian thai sản là 8 tháng. Riêng nữ lao động sinh từ 2 con trở lên, mỗi con sẽ được nghỉ thêm 1 tháng.

Theo quy định Khoản 2, Điều 114 của Luật BHXH, để được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông, người lao động phải cung cấp bản sao biên bản của công an giao thông. Nhưng trên thực tế rất khó thực hiện điều này vì không phải tất cả các vụ tai nạn giao thông đều có công an giao thông đến lập biên bản.

Mặt khác, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM việc xác định chế độ thương tật khi bị tai nạn giao thông cũng không phải dễ. Theo luật, khi xác định thương tật ổn định mới được hưởng trợ cấp BHXH, nghĩa là trong giấy xuất viện không có chữ "tái khám", còn nếu yêu cầu tái khám thì vẫn tính. Tuy nhiên, không một bệnh viện nào khi cho bệnh nhân xuất viện mà không yêu cầu "tái khám". Người lao động khi không xin được giấy chứng nhận thương tật thì chuyển sang tính BHXH từ ngày ra giám định y khoa.

Tuy nhiên thời gian xin giám định lại do doanh nghiệp quyết định, rồi mới đưa ra hội đồng giám định y khoa. Để có quyết định của hội đồng này phải mất cả tháng, thậm chí có người mất cả năm.

Dễ lách luật

Một vấn đề khác, đó là chế độ tử tuất. Đây là khoản tiền cơ quan BHXH chi trả cho thân nhân người lao động đã chết. Do luật chưa quy định rõ thế nào là thân nhân của người chết, dẫn đến nhiều tranh chấp giữa đồng thân nhân nhận tử tuất của người lao động. Đã có nhiều tranh chấp về "thừa kế" chế độ tử tuất, thậm chí có người để lại di chúc chỉ định người thừa kế tiền tử tuất nhưng không thuộc đối tượng thân nhân nhận tử tuất theo quy định của Luật BHXH, khiến cơ quan BHXH lúng túng. Do đó, Luật BHXH cần phải định nghĩa rõ thế nào là thân nhân của người lao động và những ai được nhận trợ cấp tuất một lần sẽ tránh được các tranh chấp trong việc nhận chế độ tử tuất.

Mặt khác, luật cũng cần quy định lại mức hưởng theo hướng thân nhân người chết được quyền lựa chọn nhận tử tuất một lần hay hàng tháng. Lúc đó, thân nhân sẽ được lựa chọn quyền lợi cao nhất để được hưởng chế độ tử tuất. Vì trên thực tế, hầu hết thân nhân đều lách luật để được nhận mức tử tuất có lợi nhất ví dụ như con đang học thì khai đã nghỉ, cha mẹ già thậm chí khai "đã mất"... Bên cạnh đó, tại Điều 35, quy định mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền công, tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ nên dẫn đến thực không ít người khi biết mình có thai mới đi đóng BHXH hoặc đóng một cách cao bất thường để được hưởng BHXH và trợ cấp thai sản.

Từ kẽ hở này mà trên thực tế đã xuất hiện những công ty chuyên tuyển nữ lao động mang thai để trục lợi. Để tránh các hành vi trục lợi, cần phải quy định mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền công, tiền lương đóng BHXH 9 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Có một thực tế, các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật BHXH để trốn đóng BHXH. Cụ thể, theo Luật BHXH thì tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để giảm số tiền đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách khai mức lương thấp, thậm chí có doanh nghiệp chỉ tham gia đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu.

Một trong những kẽ hở được cho là bị lách luật nhiều nhất là quy định về hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Bởi chính định nghĩa về người thất nghiệp là người "mất việc" hoặc "nghỉ việc" nên không ít người lao động đã đã xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hồ Thu

Từ khoá: luật bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội giấy chứng nhận bão bhxh doanh nghiệp bảo hiểm giám định người lao động tái bảo hiểm thương tật bảo hiểm thất nghiệp trợ cấp tai nạn lao động tai nạn giao thông lao động thai sản lợi ích hợp pháp luật bảo hiểm quy định giao thông tai nạn tranh chấp tphcm

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.