Cổ phiếu BIDV chính thức giao dịch từ ngày 24/1
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24/1/2014, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán là BID, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu là 18.700 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có vốn điều lệ 28.112.026.440.000 đồng; số lượng chứng khoán niêm yết: 2.811.202.644 cổ phiếu.
Tiền thân của Ngân hàng BIDV là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với chức năng ban đầu là cấp phát và quản lý vốn kiến thiết cơ bản từ nguồn vốn ngân sách phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua 55 năm trưởng thành và phát triển, đến nay BIDV là một trong bốn ngân hàng thương mại lớn nhất ở Việt Nam, được tổ chức hoạt động theo mô hình Ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Hiện ngân hàng BIDV chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: ngân hàng thương mại, ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư và cung ứng dịch vụ bảo hiểm. BIDV bao gồm Hội sở chính và 118 chi nhánh ; 5 công ty con; 6 đơn vị liên doanh và 2 đơn vị liên kết.
Năm 2014, Hội đồng quản trị của Ngân hàng BIDV định hướng lợi nhuận trước thuế: tối thiểu 6.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu: dưới 2,6%; ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) 0,78%; ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) 13,3%; tỷ lệ chi trả cổ tức 8-9%.
Với mục tiêu tăng vốn để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao hệ số an toàn vốn, BIDV xây dựng lộ trình tăng vốn đến năm 2015 theo hướng giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ và tăng tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư chiến lược lên mức tối đa 25% vào năm 2015.
Năm 2013, trước diễn biến cho vay tăng trưởng chậm, nhu cầu sử dụng vốn không tăng mạnh như các năm trước, BIDV đã nỗ lực điều hành nguồn vốn với quy mô hợp lý, hiệu quả 9 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tổng nguồn vốn huy động đạt 11,79% so với cuối năm 2012, số dư cuối kỳ là 445.902 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tín dụng luôn là hoạt động cốt lõi trong sự phát triển của BIDV. Đến cuối năm 2012, BIDV có tổng dư nợ tín dụng đạt 339.923 tỷ đồng (bao gồm cho vay bằng nguồn vốn ODA, ủy thác), tại thời điểm 30/9/2013 là 373.205 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, BIDV là một trong các ngân hàng có thị phần dư nợ tín dụng lớn nhất tại Việt Nam.
Hiện BIDV đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên khối khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện đa dạng hoá hơn nữa danh mục tín dụng theo ngành nghề, chú trọng vào các ngành có tiềm năng phát triển dài hạn, hạn chế cho vay những ngành có rủi ro cao, đồng thời tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Dư nợ tín dụng bán lẻ đã có mức tăng trưởng tốt từ năm 2011. Tỷ trọng cho vay đối với khách hàng cá nhân tăng từ 11,7% năm 2010 lên 13,9% tại 31/12/2012 và 14,01% tại 30/9/2013, hướng tới mục tiêu tăng dần tỷ trọng này trong các năm tiếp theo.
Theo Bản cáo bạch, thời điểm 30/9/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 2,54%. Đặc biệt, trong cơ cấu tổng dư nợ tín dụng của BIDV, 88,69% thuộc nhóm Nợ đủ tiêu chuẩn, tỷ lệ nhóm nợ cần chú ý giảm chỉ còn mức 8,77%.
Ngoài ra, hoạt động tín dụng dành cho doanh nghiệp luôn được coi là hoạt động trọng tâm của BIDV. Tổng lượng khách hàng doanh nghiệp tại BIDV thời điểm 30/09/2013 là hơn 12.500 khách hàng với dư nợ là 320.927 tỷ đồng.
Đồng thời, các hoạt động trên, kinh doanh bảo hiểm của BIDV được thực hiện thông qua Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIC. Trong 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm đạt 656 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 91 tỷ đồng.
Theo BIDV, các rủi ro hoặc các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của BIDV gồm rủi ro kinh tế, rủi ro lãi suất, tín dụng, thanh khoản, ngoại hối, rủi ro các hoạt động ngoại bảng, rủi ro luật pháp, hệ thống công nghệ thông tin, rủi ro tác nghiệp, biến động giá cổ phiếu. Ngoài ra, rủi ro đặc thù của BIDV liên quan đến việc quyết toán cổ phần hóa và các rủi ro khác.
Liên Phương
Post a Comment