Người lính Đường sắt - Người lính Trường Sa
khó khăn chủ tịch nước đường sắt bệnh tật bệnh hiểm nghèo đà nẵng gia
Câu chuyện bên ly cà phê nóng trong cái rét ngọt của Đà thành một ngày cuối năm lất phất mưa đưa chúng tôi ngược thời gian trở về những ngày tháng ấy...
"Tôi đến với Trường Sa ngày ấy là nghĩa vụ, là trách nhiệm của một công dân Việt Nam, là lòng nhiệt huyết yêu Tổ quốc này chứ có công lao gì đâu"- Anh chia sẻ.
Anh là Nguyễn Đình Tính, sinh năm 1956 tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - mảnh đất hiếu học có con sông Kiến Giang ngọt ngào trong từng câu hát. 18 tuổi, anh rời làng, nhập ngũ vào Tỉnh đội Quảng Bình. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng, anh chuyển qua Hải quân (Lữ đoàn 126 Hải quân), ra Tiên Yên - Quảng Ninh rồi chuyển về Khối duyệt binh, Bộ Tư lệnh Hải quân. Tiếp sau đó 3 tháng, anh chuyển lên đóng quân ở sân bay Hòa Lạc - Ba Vì - Hà Nội.
Ngày 2/9/1975, anh vinh dự được chọn trong danh sách duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân. Tháng 4/1977, cuộc đời anh ghi một dấu ấn đặc biệt khi anh tham gia đoàn cán bộ đặc biệt Quân chủng Hải quân ra đóng đô ở Trường Sa. Anh nhớ lại "...Suốt chặng đường hừng hực khí thế từ đất liền ra đảo, tàu cập cảng đầu tiên ở đảo Song Tử Tây rồi qua đảo Sơn Ca, tiếp đến đảo Sinh Tồn, đến Trường Sa Lớn và sang đảo Nam Yết...". Vinh dự hơn anh là một trong những người đầu tiên cắm mốc chủ quyền tại đảo An Bang và cũng là một trong những người tiên phong đi đầu trong việc khảo sát bãi đá ngầm, bãi ngầm Đá Lát ở Trường Sa.
Anh Tính (thứ hai bên trái) và Trung đội đầu tiên đặt chân "khai hoang" đảo An Bang (thuộc quần đảo Trường Sa) |
Anh kể: "...Tàu neo cách đảo 4 hải lý, Tư lệnh Giáp Văn Cương bấy giờ ra lệnh cho 1 trung đội đi bằng xuồng cao su vào đảo An Bang. Là nhóm người đầu tiên đặt chân lên đảo An Bang và cắm mốc chủ quyền, trong lòng chúng tôi ai nấy đều vui sướng không thể tả nổi. Không gì hạnh phúc bằng được khẳng định chủ quyền đất nước. Nhà cửa thời đó ở ngoài đảo nửa chìm nửa nổi, tức là nửa dưới nước, nửa nổi để tránh gió bão. Suốt ngày chúng tôi tha hồ được ăn trứng vít (rùa biển), bởi thời điểm đó rùa biển nhiều lắm, nhiều vô kể và chúng tôi thoải mái bắt ăn, chứ chưa phải là động vật quý hiếm và nghiêm cấm như bây giờ. Ăn nhiều quá thì nóng (ăn vào thì rất bổ, rất tốt nhưng lại cực kỳ nóng) nên lính chúng tôi cứ nhảy xuống biển tắm cả đêm đến cả chục lần vì nóng quá chịu không nổi". Nói đến đây, anh cười vang, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt.
Nói đoạn, anh kể tiếp "... Tại Đảo An Bang thì thời điểm đó, chim dày đặc, cá thu vô đến sát bờ. Bắt chim và vớt cá thu, nướng lên ăn sướng vô kể. Ăn hoài ăn mãi không biết chán mà ngược lại luôn luôn thấy ngon. Lúc ấy nhà cửa chưa có. Hay nói đúng hơn là chưa có dấu chân người. Cả trung đội chúng tôi cứ lòm bõm, sùng sục lần mò đi khảo sát quanh hết đảo. Còn tại Trường Sa Lớn lúc đó nhiều sâm đất lắm. Củ sâm chúng tôi nhổ để sắc nước uống, còn lá sâm thì luộc thay rau. Ăn vô hơi ngứa nhưng thời ấy trên đảo chưa trồng cây, trồng rau nhiều như bây giờ... Tuy lúc đó, còn nhiều thiếu thốn nhưng chúng tôi sống và làm việc trên đảo bằng trách nhiệm của người lính cụ Hồ, mà lớn lao hơn là bằng sự tự hào của người con đất Việt nên tất cả mọi khó khăn, vất vả đều vượt qua thật nhẹ nhàng".
Sau những năm tháng sống và làm việc, cống hiến ở Trường Sa, anh Nguyễn Đình Tính theo học Trường Sỹ quan Nha Trang. Đến thập niên 80 của thế kỷ trước, anh ra trường và nhận nhiệm vụ ở Vùng 3 Hải quân tại Đà Nẵng, làm việc ở dưới tàu. Được 2 năm thì anh lên bờ, làm việc tại Trạm Ngư Lôi rồi tiếp đến chuyển lên làm việc tại phòng Kỹ thuật Vùng 3 Hải quân. Đến cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thì anh chuyển ngành về làm việc cho Công ty Vật tư đường sắt Đà Nẵng- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Từ đây, cuộc đời anh bước sang trang mới - khoác áo xanh ĐSVN.
Anh Tính bây giờ đang đối chọi với căn bệnh hiểm nghèo từng ngày |
Cả cuộc đời khoác "áo lính", từ lính cụ Hồ đến lính Đường sắt, anh đã trải qua nhiều khó khăn gian khổ và đều rắn rỏi vượt qua. Anh đã ba lần được Chủ tịch Nước tặng Huân chương "Chiến sỹ vẻ vang" các hạng Nhất, Nhì, Ba cho những cống hiến hy sinh vì Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Còn thời gian anh làm việc trong ngành Đường sắt, anh cũng rất nhiều lần được ĐSVN tặng Bằng khen, đơn vị công tác tặng Giấy khen các loại...
Nhưng khi anh bước sang tuổi 50, nỗi đau đến thật bất ngờ: anh mắc căn bệnh nan y ung thư đại tràng. Tháng 8/2009, khi hay tin, người vợ đảm đang chịu thương chịu khó của anh đã suy sụp tinh thần, chị ít nói hẳn đi, khuôn mặt lúc nào cũng trầm tư buồn bã. Chị theo anh suốt những tháng ngày dài nằm trên giường bệnh và đã phải xin nghỉ hưu trước tuổi để có thời gian ở nhà chăm anh. Sau 1 tháng phát hiện ung thư đại tràng, chị khăn gói từ Đà Nẵng đưa anh ra Bệnh viện K Hà Nội để mổ và xạ trị trong 6 tháng ròng rã.
Đợt xạ trị đầu tiên thành công, chị đưa anh về Đà Nẵng dưỡng bệnh. Đến tháng 9/2010, anh lại phải ra Hà Nội mổ lại, cắt bỏ toàn bộ đại tràng. Tháng 11/2010, anh tiếp tục xạ trị lần thứ 2 cũng kéo dài 6 tháng tại Bệnh viện Y dược Hà Nội. Tháng 6/2011, bệnh tật đã khiến anh phải nghỉ hưu trước 6 năm. Anh có 2 người con trai. Đứa đầu giờ đã theo nghề của anh làm tại Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng. Đứa con thứ 2 đang đi học đại học. Nhưng khi biết bố mình đau ốm như thế, hoàn cảnh gia đình càng thêm khó khăn; thấy bố mình mỗi lần ra Hà Nội chữa trị là tốn cả hàng trăm triệu đồng nên đứa con thứ 2 của anh tự động bỏ học, tự đi tìm việc làm thuê để kiếm tiền. Anh nói "Khi tôi nằm điều trị trên giường bệnh ở Hà Nội 6 tháng, vợ tôi đi theo chăm tôi, ở nhà 2 đứa con tự quản với nhau nên nó tự ý bỏ học giữa chừng, không hỏi ý kiến bố mẹ. Đến khi vợ chồng tôi trở về thì việc đã lỡ rồi. Tôi ốm đau bệnh tật, không thể làm gì được nữa, buồn lắm, đau lòng lắm, thương con đứt ruột nhưng đành chịu. Tôi muốn cháu học hết đại học thì mới mong có tương lai, chứ bỏ dở giữa chừng thế này, suốt đời chỉ đi làm thuê làm mướn mà thôi. Mà đi làm công cho họ, kiếm được đồng tiền đâu phải dễ dàng gì. Tôi đang động viên cháu vừa đi làm thêm ban ngày, buổi tối cố gắng đi học thêm đại học tại chức cho có tấm bằng, dù có khổ mấy tôi cũng chịu được".
Khi tôi viết những dòng này kể về cuộc đời của anh thì anh lại đang đi tái khám định kỳ. Sau thành công 2 lần xạ trị, cứ 3 tháng là anh lại phải đi khám định kỳ 1 lần. Mỗi lần nhớ lại những câu chuyện anh khiêm tốn kể lại, tôi lại thấy lòng đau thắt. Bệnh tật đang tàn phá anh từng ngày từng giờ, có lẽ sự sống tràn đầy năm đó trong người lính ấy sắp không còn nữa... Nhưng không hiểu sao tôi vẫn mong và tin ở ý chí, nghị lực của anh - một người lính, sẽ cùng với sức sống mãnh liệt của Mùa Xuân đang về, đem đến cho anh và gia đình một niềm vui mới, một điều kỳ diệu...
Dương Hằng Nga
bệnh hiểm nghèo đà nẵng khó khăn gia đường sắt chủ tịch nước bệnh tật
Post a Comment